Hủy
Bất động sản

Đặc khu Phú Quốc: Đề xuất tự do mua bán nhà, USD

N.Sơn Thứ Ba | 24/10/2017 08:55

Đề án này vừa được gửi đến Quốc hội xem xét trong dự án Luật Đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt.
 

Dự án Luật Đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt được Chính phủ trình tại kỳ họp thứ tư, khai mạc vào ngày 23.10

Tại đề án, Kiên Giang đề xuất nhiều cơ chế chính sách đặc thù. Theo đó, chính sách nhà ở cho phép người nước ngoài vào làm việc tại đặc khu có thời gian hợp đồng từ 3 tháng trở lên, được mua nhà tại đây. Người nước ngoài được tự do mua, bán nhà ở tại các dự án phát triển nhà ở trong đặc khu. Tổ chức, cá nhân nước ngoài (không bị giới hạn về điều kiện cư trú) được tự do mua bán nhà ở tại các dự án phát triển nhà ở trong đặc khu. Bao gồm nhà chung cư, nhà ở có sân vườn hoặc nhà liên kề, với thời hạn vĩnh viễn (đối với nhà ở riêng lẻ, biệt thự) hoặc thời hạn 99 năm đối với nhà chung cư.

Kiên Giang cũng muốn các dự án xây dựng nhà ở được hưởng mức chính sách ưu đãi đất đai và thuế cao nhất đối với các ngành nghề thuộc ưu đãi đầu tư. Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn (thuộc nhóm 200 tập đoàn hàng đầu thế giới) đặt trụ sở, chi nhánh tại đặc khu được miễn tiền thuê mặt bằng hoặc tiền thuê đất xây dựng trụ sở.

Với chính sách hỗ trợ tài chính nhằm thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao thì lao động là người nước ngoài, ngoài việc hưởng lương theo thỏa thuận (đối với các doanh nghiệp) và được miễn thuế thu nhập cá nhân.

Lao động trong nước đuợc hưởng mức lương tối thiểu vùng I (theo quy định hiện nay là 3.750.000 đồng/tháng) và phụ cấp thêm 50% mức lương tối thiểu vùng và các khoản phụ cấp khác như phụ cấp đặc biệt, phụ cấp khu vực, biên giới, hải đảo...

Một chính sách đặc thù khác là lao động người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp trong đặc khu Phú Quốc được miễn cấp giấy phép lao động.

Trong chính sách tài chính, tiền tệ, ngân hàng, phương án tại đề án là thành lập Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Quốc thực hiện chức năng quản lý tiền tệ, giám sát hoạt động ngân hàng và được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ủy quyền xác nhận đăng ký các khoản giao dịch vốn cho người cư trú và người không cư trú theo qui định pháp luật về quản lý ngoại hối tại đặc khu.

Bên cạnh tiền đồng Việt Nam lưu hành chủ yếu trong đặc khu, cho phép đồng USD được lưu hành tự do trong đặc khu, các đồng tiền khác được phép chuyển đổi tự do sang USD. 
Trong chính sách với hàng hoá xuất, nhập khẩu, theo đề án thì người chơi bài tại dự án casino Phú Quốc được phép mang số tiền thắng bài ra nước ngoài hoặc ra khỏi đặc khu, sau khi nộp các khoản thuế theo quy định mà không cần giấy phép của Ngân hàng Nhà nước nhưng phải khai báo Hải quan (có xác nhận của người quản lý casino về số tiền thắng). 

Làn sóng đầu tư rầm rộ vào Phú Quốc nhờ Quyết định 1255 năm 2011 của Thủ tướng về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của Kiên Giang, đưa Phú Quốc trở thành đặt khu hành chính kinh tế thực thuộc Trung ương- tức một đặc khu kinh tế - vào năm 2020. Như vậy, trên bình diện cả nước, Phú Quốc đã đi trước một bước trong mô hình phát triển kinh tế mới ở Việt Nam.

Bộ Kế hoạch - Đầu tư ước tính Nhà nước thu được từ đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc khoảng 3,3 tỉ USD từ thuế và phí và các nguồn thu từ đất, các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 19 tỉ USD trong giai đoạn năm 2017-2030, nâng mức đóng góp GRDP của Phú Quốc vào GRDP của tỉnh Kiên Giang lên 22% vào năm 2020 và 27% vào năm 2030.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kỳ vọng từ năm 2020 trở đi 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc sẽ có tính lan tỏa, đóng góp tăng GDP địa phương (GRDP) hàng tỉ USD mỗi năm. Từ năm 2030, nhờ các đặc khu này, thu nhập trung bình của người dân sinh sống ở 3 đặc khu này sẽ đạt từ 12.000 đến 13.000 USD/người/năm.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới