Hủy
Bất động sản

Đại gia Dubai hiện diện ở Thanh Hoá là ai?

Thứ Sáu | 04/07/2014 10:06

Nhà đầu tư nước ngoài Magnum Group được giới thiệu là đến từ Dubai mới đây bất ngờ hiện diện tại xứ Thanh.
 

Vào giữa tháng trước, ông Sam Rehani, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Magnum Group, đã ký kết hợp tác đầu tư với Tổng công ty bất động sản Đông Á về Dự án quy hoạch chi tiết 1/500 Khu du lịch sinh thái núi Trường Lệ và bờ biển Nam Sầm Sơn.

Theo giới thiệu của Tổng công ty bất động sản Đông Á, khu vực núi Trường Lệ và bờ biển Nam Sầm Sơn sẽ được quy hoạch thành một khu du lịch cao cấp đẳng cấp quốc tế. Video giới thiệu dự án này đã thể hiện những ngôi biệt thự nghỉ dưỡng, cao ốc khách sạn hào nhoáng nằm trên núi và ven bãi biển Sầm Sơn.

Lai lịch đại gia Dubai

Được giới thiệu là đến từ Dubai, ông Sam Rehani cũng như Magnum Group dường như là một nhà đầu tư mới ở Việt Nam. Nhưng với một số địa phương, ông Sam Rehani không phải là người xa lạ. Chỉ có điều bất ngờ là nhà đầu tư này lại được giới thiệu đến từ Dubai.

Thực tế, ông Sam Rehani đã tham gia đầu tư (hoặc môi giới đầu tư) một số dự án bất động sản du lịch ở Việt Nam. Cách đây hơn 10 năm, khi bờ biển Đà Nẵng vẫn còn hoang sơ (Furama Resort là khu nghỉ dưỡng 5 sao duy nhất ở Đà Nẵng lúc đó), ông Sam Rehani và Magnum Group đã nhận giấy phép đầu tư xây dựng dự án Khu du lịch Vegas Beach Club Resort trên bờ biển Non Nước, với vốn đầu tư dự kiến là 24 triệu USD.

Năm 2003, dự án Vegas Beach Club Resort được khởi công, và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2006 với 450 phòng khách sạn, khu căn hộ, biệt thự trên diện tích đất 15ha. Chủ đầu tư đã xây dựng được 2 khung nhà biệt thự và bắt đầu chào bán biệt thự nghỉ dưỡng tại dự án này. Đây có thể coi là dự án bất động sản du lịch có bán biệt thự nghỉ dưỡng đầu tiên ở Việt Nam, một mô hình sau này nở rộ với các dự án nhưu Sơn Trà Resort & Spa và Hyatt Regency Danang Residences ở Đà Nẵng. Nhưng vì lúc đó là mô hình đầu tư quá mới, Vegas Beach Club Resort không bán được biệt thự. Dự án cũng vì thế nằm bất động suốt mấy năm liền với hàng rào rách te tua và 2 khung nhà biệt thự nằm chỏng chơ trên cát.

Năm 2005, Đà Nẵng được Tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn là một trong những bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. Vị thế của bãi biển Đà Nẵng đã được truyền thông quốc tế nhấn mạnh, và chỉ gần 2 năm sau đó, dự án Vegas Beach Club & Resort đã được sang tay ông chủ mới. Magnum bán lại dự án cho công ty Kingdom Hotel Investment Company của Hoàng tử Ảrập Xêút Alwaleed Bin Tatal.

Cuộc chơi mới ở xứ Thanh

Liệu Magnum có thực sự đầu tư hay đơn thuần chỉ tham gia quy hoạch hoặc lôi kéo được nhà đầu tư “cá mập” như ở Đà Nẵng hay không thì vẫn chưa ngã ngũ. Thông tin sau lễ ký kết với Tổng công ty bất động sản Thanh Hoá chỉ cho thấy Magnum sẽ hợp tác về dự án quy hoạch chi tiết 1/500 Khu du lịch sinh thái núi Trường Lệ và bờ biển Nam Sầm Sơn, Magnum sẽ cử các chuyên gia nổi tiếng thế giới đến lập quy hoạch dự án này. Sự xuất hiện của Magnum tại xứ Thanh đang cho thấy các nhà đầu tư bất động sản du lịch lại bắt đầu chú ý đến tỉnh Bắc Trung Bộ này.

Trước đây, nhiều nhà đầu tư đã lập ra các dự án bất động sản du lịch khá hoành tráng ở bờ biển Hải Tiến, nhưng đến nay, chỉ có một vài dự án nhỏ đi vào hoạt động. Sự quan tâm của các nhà đầu tư đến Thanh Hoá đã tăng lên đáng kể sau khi dự án lọc hoá dầu Nghi Sơn khởi công và sân bay Thọ Xuân đi vào hoạt động. Với vốn đầu tư hơn 9 tỷ USD, dự án Lọc hoá dầu Nghi Sơn đã đưa Thanh Hoá trở thành một trong những địa phương thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước. Những diễn biến này đang kích thích một số nhà đầu tư đổ vốn vào bất động sản và du lịch Thanh Hoá. Nhưng với một số doanh nghiệp đã đầu tư vào đây, xứ Thanh vẫn là “khúc xương khó nhằn” đối với kinh doanh bất động sản và du lịch. Nhiều doanh nghiệp cho biết, đổ tiền đầu tư biệt thự nghỉ dưỡng ở Thanh Hoá không khả thi, vì cả người dân sở tại cũng như khách hàng ở địa phương khác sẽ không mặn mà với việc sở hữu bất động sản nghỉ dưỡng ở đây.

Đã có không ít những dự án bất động sản nghỉ dưỡng ở quanh Hà Nội còn không bán được. Thậm chí, nhiều dự án ở những địa danh một thời sốt nóng với sản phẩm này như Đà Nẵng, Phan Thiết, Nha Trang giờ đây cũng chết. Kinh doanh du lịch và khách sạn ở Thanh Hoá thì lại càng khó khăn, vì bãi biển Sầm Sơn đến nay chỉ đông khách vào 3 tháng hè còn những tháng còn lại là “đóng cửa”. Thanh Hoá cũng hầu như không có tên trên bản đồ của khách du lịch quốc tế. Bãi biển Sầm Sơn hay Di sản văn hoá Thành nhà Hồ chưa đủ sức hấp dẫn khách quốc tế. Mặc dù Sầm Sơn thu hút khá đông khách du lịch nội địa, nhưng bất lợi rất lớn của kinh doanh du lịch ở đây là chỉ tập trung vào mùa hè, còn mùa đông thì các bãi biển hoang lạnh. Chính vì những bất lợi này mà cho đến nay hầu như chưa có nhà đầu tư nào mạnh dạn rót vốn đầu tư lớn vào du lịch Thanh Hoá.

Nguồn Báo Đầu Tư


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới