Hủy
Chứng khoán

Chứng khoán Việt Nam: Từ "hay nhất thế giới" đến "thị trường con gấu"

Như Phúc Thứ Sáu | 28/12/2018 09:16

Các nhà đầu tư tại sàn HoSE. Ảnh: Quý Hòa

Chứng khoán Việt Nam đã đi đến phiên cuối cùng của năm 2018, trái với sự hân hoan trong 4 tháng đầu năm, thời gian còn lại buồn nhiều hơn vui.
 

Ngôi vương ngồi chưa ấm chỗ

Chốt phiên năm 2017, VN-Index kết thúc ở mức 984,24 điểm được xếp trong nhóm những chỉ số có mức tăng ấn tượng nhất thế giới, với mức tăng 47%. Sự thăng hoa trong năm 2017 đã khiến giới phân tích đưa ra những kịch bản lạc quan trong năm 2018. Những báo cáo đánh giá về triển vọng thị trường cũng nghiêng về các kịch bản VN-Index có thể đạt 1.120 rồi thậm chí 1.250 điểm. "Chỉ số có khả năng tiếp cận, và với một chút hưng phấn, vượt qua đỉnh lịch sử 1.170 điểm trong quá khứ", như Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt đã nhận định.

Và thị trường chỉ mất chưa tới 2 tháng để chứng tỏ những dự báo này không phải không có căn cứ. Lần lượt những mốc quan trọng như 1.000 điểm, 1.100 điểm được vượt qua. Liên tiếp trong tháng 2 và tháng 3, Việt Nam trở thành thị trường chứng khoán có mức tăng mạnh nhất thế giới, đứng trên Brazil, Nga, Argentina và gấp gần 3 lần mức tăng của chỉ số Nasdaq (Mỹ).

Dù sau đó, thị trường rơi vào một đợt bán tháo mạnh từ 1.100 điểm xuống quanh 1000 điểm do đợt bán tháo của chứng khoán thế giới, VN-Index cũng nhanh chóng tái chiếm lại mốc 1.100 điểm.

Chung khoan Viet Nam: Tu
 

Bài viết của Bloomberg cùng thời gian này đặt tựa đề "Việt Nam giành lại vương miện chứng khoán châu Á". Theo hãng tin này, chỉ vài tuần ảnh hưởng bởi đợt bán tháo trên thị trường thế giới đã khiến Việt Nam tuột khỏi vị trí đứng đầu châu Á. Tuy nhiên sự bi quan không kéo dài lâu và chứng khoán Việt Nam đã trở lại. "Đây có thể mới chỉ là sự khởi đầu", Bloomberg đánh giá khi đó.

Ngay sau khi củng cố vùng giá 1.100 điểm, VN-Index tiếp tục tiến lên 1.150 điểm và đến cuối tháng 3, lần đầu tiên trong hơn 10 năm, chỉ số này tái lập mức cao nhất trước đợt khủng hoảng kinh tế 2007 - 1.171 điểm. Chưa đầy nửa tháng sau đó, ngày 10.4, mức kỷ lục mới với VN-Index được xác lập tại 1.211 điểm.

Tuy nhiên, việc "tăng nóng" của chỉ số cùng mức định giá cổ phiếu trở nên đắt đỏ là những vết nứt lộ ra trong hình thái có vẻ ổn định của thị trường. Cộng thêm những bất ổn từ thị trường quốc tế như chiến tranh thương mại leo thang, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất khiến dòng chảy vốn xoay chiều, đồng bạc xanh tăng giá, cho tới những bất ổn trên thị trường hàng hoá, đặc biệt là dầu thô đã xoay chiều tất cả những dự báo trước đó.

Ông Chris Freund, Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Mekong Capital, nói với Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 2 rằng: "Kỳ vọng quá cao, định giá quá cao. Các nhà đầu tư đang rất hồ hởi, và cuối cùng một điều gì đó sẽ xảy ra. Tâm lý nhà đầu tư sẽ chuyển từ hưng phấn quá mức sang một hướng khác".

Điều đó đã trở thành sự thật. VN-Index dần đi diễn biến kém tích cực. Xu hướng một chiều đi lên được thay bằng trạng thái giằng co với những phiên tăng giảm đan xen trong biên độ cao, nhưng giảm vẫn là xu hướng chính. Bất chấp những thương vụ bán vốn, IPO tỉ đô, những kỷ lục mới về thanh khoản như phiên giao dịch hơn 35.000 tỷ đồng khi cổ phiếu VHM của Vinhomes lên sàn đầu tháng 5, VN-Index vẫn lầm lũi đi xuống. 

Từ chỉ số tốt nhất châu Á - Thái Bình Dương trong 3 tháng đầu năm, mọi nỗ lực của chứng khoán Việt Nam đã bị xóa sạch chỉ 3 tháng sau đó. VN-Index trở thành chỉ số giảm sâu nhất từ mức đỉnh so với các thị trường trong khu vực. Tính đến ngày 12.7, VN-Index đã mất 26% kể từ mức đỉnh. Theo định nghĩa của Phố Wall, khi một loại tài sản nào đó rơi quá 20%, thì nghĩa là nó đã rơi vào thị trường con gấu. 

Vòng xoáy giảm điểm

Khác với tâm lý lạc quan, giới phân tích đưa ra những khuyến nghị đầu tư mang tính thận trọng hơn, đồng thời những dự báo trước đó cũng lần lượt được thay đổi.

Bloomberg trong bài viết cuối tháng 7 đã bình luận: "Bất cứ ai đang đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam những ngày này phải có dây thần kinh thép". Nhận định xuất phát từ trạng thái bất ổn của thị trường chỉ sau hơn ba tháng lao dốc từ mức đỉnh. 

Thực tế, trong giai đoạn đó, VN-Index có chút phục hồi, lên mức 1.024 điểm những ngày đầu tháng 10. Nhưng với việc căng thẳng thương mại Mỹ và Trung Quốc leo thang lên mức cao cùng với nỗi lo ngại về việc tăng lãi suất của Fed đã đánh gục VN-Index hoàn toàn. Như ông Huỳnh Minh Tuấn, CEO của Công ty CP Biên An Toàn – Một công ty tư vấn về đầu tư và quản lý tài sản, đã nhận định đó là “vận xui của chứng khoán Việt” và rằng “thị trường đổ vỡ kỳ vọng về mùa báo cáo quý III và tình hình vĩ mô tốt của Việt Nam, khi mà những biến động vĩ mô quốc tế mới là yếu tố chi phối thị trường trong thời điểm này”. 

Từ những phiên giao dịch 9.000-10.000 tỉ đồng trong những tháng đầu năm, chỉ cần thanh khoản một nửa con số này đã trở thành điều "xa xỉ" trong giai đoạn sụt giảm.

Thậm chí ngay cả những nhà đầu tư chuyên nghiệp như các quỹ đầu tư lớn trên thị trường cũng lao đao với đợt sụt giảm. Pyn Elite Fund, một trong những quỹ ngoại lớn nhất đang hoạt động giảm 13% về giá trị tài sản ròng, tính đến cuối tháng 11. Còn trước đó, những cái tên từng "ăn nên làm ra" trong năm 2017 cũng đều chìm trong sắc đỏ trong nửa đầu năm 2018.

Đến những ngày cuối cùng của năm 2018, thay vì những mốc nghìn điểm trong dự báo hồi đầu năm, VN-Index thực tế đang giằng co quanh ngưỡng 900 điểm, không những xóa hết thành quả hồi đầu năm mà đà giảm còn khiến VN-Index mất gần 10% so với thời điểm cuối năm 2017.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới