Hủy
Chứng khoán

Cổ phiếu nào đáng đầu tư năm 2019?

Viết Nguyên Thứ Năm | 17/01/2019 14:00

Bất động sản khu công nghiệp, dệt may, logistics là những ngành được đánh giá cao trong năm 2019.
 

Vẫn khá rẻ

Năm 2019 đã mở ra với nhiều dự đoán về diễn biến chỉ số, giá cổ phiếu, xu hướng trên sàn chứng khoán. Hầu hết các công ty chứng khoán vẫn giữ thái độ lạc quan khi cho rằng VN-Index sẽ tăng trở lại và đạt trên mốc 1.000 điểm. Riêng ông Lawrence Brader, đồng quản lý danh mục đầu tư của Quỹ quản lý tài sản PXP Việt Nam, đánh giá: “Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn khá rẻ so với một số đối thủ khác”.

Dù vậy, theo phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2019 sẽ tiếp tục biến động mạnh và khó có thể đạt đỉnh mới. Đáng chú ý, các yếu tố địa chính trị như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nền kinh tế toàn cầu chậm chạp, giá dầu dự báo sẽ tác động mạnh lên thị trường.

Co phieu nao dang dau tu nam 2019?
 

Trong bối cảnh đó, Việt Nam có thể trở thành một trong những lựa chọn điểm đến lý tưởng nhờ vị trí chiến lược và sự kết nối sâu rộng với Trung Quốc - 1 trong 3 trung tâm sản xuất của thế giới. VDSC cho rằng, nếu doanh nghiệp nào đạt được sức mạnh cạnh tranh, nâng cao chuỗi giá trị nội địa thì sẽ dễ nắm lấy cơ hội.

Xét theo tiêu chí này, các doanh nghiệp đứng đầu những ngành liên quan đến tiêu dùng như Vingroup (VIC), Vinamilk (VNM), Thế Giới Di Động (MWG), Trường Hải (Thaco), Hòa Phát (HPG), VietJet (VJC), FPT, Masan (MSN).. sẽ dễ tỏa sáng. Nhờ tài chính vững mạnh, các doanh nghiệp này còn đạt lợi thế trong mở rộng mạng lưới và đầu tư vào công nghệ cao.

Nền tảng cơ bản tốt

Nhóm cổ phiếu được đề xuất đầu tư trong năm 2019 là các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt. Đó là các cổ phiếu có tỉ suất cổ tức cao, hệ số đòn bẩy thấp và định giá còn thấp. Ở tiêu chí này, VDSC đánh giá, DQC của Điện Quang, PPC của Nhiệt điện Phả Lại.... là những gợi ý phù hợp. Điển hình, khi nhà máy mới của Điện Quang dự kiến đi vào vận hành từ năm 2019 và được hưởng ưu đãi thuế, DQC sẽ cải thiện lợi nhuận sau thuế của mình. Cổ phiếu DQC hiện đang giao dịch ở mức xấp xỉ giá trị sổ sách và cho mức lợi suất cổ tức 11%.

Các công ty chứng khoán cũng đánh giá cao cổ phiếu của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bán lẻ, tiêu dùng không thiết yếu, thực phẩm đồ uống như PNJ của Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, SAB của Sabeco, QNS của Đường Quảng Ngãi.

Đi sâu vào phân tích ngành nghề, VDSC cho rằng, bất động sản khu công nghiệp, dệt may, logistics là những ngành được đánh giá cao năm 2019. Các ngành hàng không, bán lẻ, ô tô, công nghệ, thủy sản, năng lượng, dầu khí, bảo hiểm... cũng có triển vọng tích cực.

Co phieu nao dang dau tu nam 2019?
 

Lý do để VDSC có cái nhìn sáng sủa đối với bất động sản khu công nghiệp vì Việt Nam là điểm đến hấp dẫn trong diễn biến phức tạp của tranh chấp thương mại. Hiện Việt Nam sở hữu những lợi thế không dễ có như vị trí chiến lược tại châu Á và đường biên giới đất liền với Trung Quốc. 

Hơn nữa, các cụm khu công nghiệp chính của Việt Nam đều được kết nối với cảng biển. Môi trường kinh doanh cũng được cải thiện đáng kể khi Việt Nam nhảy vọt 24 bậc trong 3 năm, lên vị trị 69, theo World Bank. Chi phí lao động trung bình ước tính thấp hơn 43% và 10% so với Thái Lan và Indonesia.

Tỉ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tại Việt Nam khoảng 73% (theo MPI) trong khi hơn 90% đất thương phẩm tại Thái Lan đã đi vào khai thác (theo CBRE) tính đến cuối quý II/2018. Việt Nam được các tập đoàn quốc tế như Samsung, LG chọn lựa đầu tư trong hơn 10 năm qua, tạo nên nhu cầu thuê đất lớn, nhất là khu vực Bắc  Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng.

Kinh Bắc (KBC) đang kỳ vọng cho thuê 843ha đất thương phẩm còn lại. Viglacera (VGC) cũng sở hữu khoảng 911ha đất thương phẩm phía Bắc. Ở các khu công nghiệp phía Nam, tranh chấp thương mại đã khuyến khích doanh nghiệp từ Đài Loan và Trung Quốc đến thuê. LHG của Long Hậu, NTC, BCM, IDC.. qua đó có thể hưởng lợi.

Yếu tố thời điểm

Năm 2019, ngành logistics, cảng biển cũng có nhiều cơ hội. VDSC tin rằng sản lượng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng 2 con số. Còn theo nghiên cứu của BMI, tổng giá trị giao dịch của Việt Nam sẽ tăng 12%/năm trong 4 năm tới, đạt giá trị danh nghĩa 735 tỉ USD vào năm 2022. Do đó, Gemadept (GMD), Viconship (VSC) sẽ có nhiều triển vọng phát triển.

Sang năm 2019, với bức tranh thương mại toàn cầu đan xen nhiều điểm sáng tối, với sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh thương mại, cùng nhiều hiệp định FTA được ký kết hoặc có hiệu lực, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu. Trong bức tranh đó, các công ty như Vĩnh Hoàn (VHC), May Sông Hồng (MSH), Sợi Thế Kỷ (STK), Phú Tài (PTB) sẽ là những cái tên đáng chú ý.

Trong các lĩnh vực khác, tuy bức tranh tổng thể toàn ngành không được giới phân tích đánh giá cao nhưng ở mỗi ngành vẫn có các cổ phiếu được khuyến nghị. Đó là ACB, MBB trong lĩnh vực ngân hàng, DCM (Đạm Cà Mau) của ngành phân bón, HVN (Vietnam Airlines) của ngành hàng không, PXL của ngành xăng dầu, KSB (Bimico) của ngành đá xây dựng....

Dù đã lựa chọn kỹ lưỡng, theo các công ty chứng khoán, trong năm 2019 này, giới đầu tư cần lưu ý đến yếu tố thời điểm, mức giá và cần thực hiện chiến lược không bỏ tất cả trứng vào một giỏ


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới