Hủy
Chứng khoán

CTD, HBC trước kỳ đại hội

Ngọc Thủy Thứ Hai | 08/04/2019 14:00

Anh: Quý Hòa

Tìm lời giải cho tăng trưởng ở Hòa Bình và Coteccons là không dễ, bởi tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng sẽ còn chậm lại.
 

So với mốc thời gian đại hội thường diễn ra vào khoảng tháng 5, tháng 6 thì kỳ Đại hội đồng cổ đông năm nay của Hòa Bình (HBC), Coteccons (CTD) được triển khai sớm hơn, vào nửa đầu tháng 4 này. Dường như các công ty muốn nhanh chóng ngồi lại với cổ đông để cùng bàn kế sách cho chặng đường phía trước dự báo còn nhiều khó khăn.

Ngành xây dựng đang rơi vào giai đoạn mà theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) là “đã trưởng thành”, từ “tăng trưởng chất lượng” trước đây. Bằng chứng là năng suất ngành đã giảm, ngành bị phân mảnh cao và biến động doanh thu không lớn. Ba năm qua, doanh thu của 450 công ty xây dựng đã cổ phần hóa đều biến động dưới 20%.

Đến cuối năm 2018, tình hình trở nên ảm đạm. Theo báo cáo của CTD, năm ngoái, Công ty chỉ tăng trưởng doanh thu hơn 5% (đạt  28.561 tỉ đồng) so với mức tăng trưởng cao của những năm trước. HBC dù tăng trưởng doanh thu khả quan hơn (đạt 18.201 tỉ đồng, tăng 13,5%) nhưng vẫn trượt kế hoạch đề ra. Lãi sau thuế hợp nhất của cả HBC, CTD đều giảm đáng kể, lần lượt giảm 27,9% (đạt 620 tỉ đồng) và 8,6% (đạt 1.510 tỉ đồng) so với cùng kỳ. Trong giải trình, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc HBC, cho biết cạnh tranh đấu thầu, giá đầu vào nguyên liệu tăng, chi phí nhân công và bảo hiểm tăng, một số công trình phải tạm ngừng thi công do các yếu tố từ chủ đầu tư, hiệu quả kinh doanh từ các công ty con và liên kết giảm... là những nguyên nhân làm giảm lợi nhuận HBC. Tại CTD, lợi nhuận giảm vì giá vốn hàng bán tăng 6,3% và Công ty không có khoản hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi 53,6 tỉ đồng như năm 2017.

CTD, HBC truoc ky dai hoi
 

Sang năm 2019, tốc độ tăng trưởng ngành sẽ chậm lại, từ 9,6% còn 7,8% cho giai đoạn 2019-2021, theo dự báo của BMI. Ngành xây dựng cũng ngày càng chật chội khi không có nhiều rào cản gia nhập. Các công ty gia tăng quy mô, công nghệ và cạnh tranh nhau gay gắt. Còn các chủ đầu tư tìm cách ép giá. Môi trường pháp lý cũng dần thắt chặt... Tất cả tạo sức ép lớn cho các doanh nghiệp xây dựng trong việc duy trì tăng trưởng.

Giới phân tích dự báo các công ty xây dựng sẽ chật vật hơn trong việc tìm kiếm các hợp đồng mới. Cách thức mà cả CTD, HBC và nhiều doanh nghiệp xây dựng hướng tới là ký kết các gói hợp đồng giá trị lớn từ một số chủ đầu tư trọng điểm như Vingroup, Sun Group, Trung Thủy Group... Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), chỉ riêng 3 dự án VinCity đầu tiên (VinCity Ocean Park, VinCity Grand Park và VinCity Sportia) của Vingroup ước tính sẽ mang về cho CTD giá trị hợp đồng xây dựng khoảng 23.300 tỉ đồng giai đoạn 2019-2022, tức chiếm 21% tổng giá trị hợp đồng dự báo của Công ty.

Cách thức này có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng trong trung hạn cho các công ty. Nhưng việc ưu tiên thi công công trình cho một số khách hàng lớn có thể đặt doanh nghiệp vào thế ít nhiều phụ thuộc và dưới sức ép cạnh tranh, càng khó lòng có ưu thế đàm phán các điều khoản tốt hơn trước chủ đầu tư. Theo Phòng phân tích Công ty Chứng khoán HSC, điều này góp phần gây áp lực lên tỉ suất lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp nói riêng và toàn ngành xây dựng nói chung.

Biên lợi nhuận gộp của CTD năm 2018 đã về mức thấp nhất kể từ khi niêm yết, còn 6,4%. Tại HBC, biên lợi nhuận gộp tiếp tục giảm xuống 9,3% so với mức 10,5% năm 2017. Năm 2019, HSC dự báo, tỉ suất lợi nhuận gộp của CTD sẽ tiếp tục giảm do các dự án bất động sản trung cấp có tỉ suất lợi nhuận thấp vẫn đóng góp nhiều hơn so với các dự án cao cấp. Lãnh đạo CTD cũng ước lượng kế hoạch lợi nhuận ròng năm 2019 giảm 13,9% so với năm trước, về mức 1.300 tỉ đồng.

CTD, HBC truoc ky dai hoi
 

Trong ngắn hạn, các công ty chứng khoán không kỳ vọng CTD, HBC sẽ cải thiện được tỉ suất lợi nhuận gộp. Nhưng giới phân tích vẫn duy trì góc nhìn tích cực với các cổ phiếu của CTD, HBC vì khả năng biến chuyển mới có thể xảy ra. Chẳng hạn, nhà đầu tư rất muốn biết kế hoạch M&A cụ thể của CTD với những công ty liên quan. Dự tính CTD sẽ hoán đổi cổ phiếu để nắm giữ 100% cổ phần ở Ricons (hiện nắm khoảng 15%). Thời điểm phát hành cổ phiếu để chuyển đổi Ricons thành công ty con của CTD sẽ trong năm nay hoặc năm sau.

Việc sở hữu Ricons hứa hẹn giúp CTD tạo lợi thế về quy mô, tăng năng lực triển khai các dự án lớn và nhất là có thể gia tăng doanh thu, lợi nhuận cho Công ty. Năm 2018, khi CTD, HBC kinh doanh chững lại thì Ricons ghi nhận doanh thu hơn 9.300 tỉ đồng, tăng 42%; còn lãi sau thuế đạt 431 tỉ đồng, tăng 50%.

Rõ ràng, sáp nhập với Ricons sẽ khiến bài toán tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của CTD trở nên thuận lợi hơn. CTD còn có kế hoạch thâu tóm 3 công ty khác, nhằm chiếm lĩnh thị phần, hỗ trợ chuỗi cung ứng trong mô hình D&B (Thiết kế và Xây dựng) của CTD. Ngoài ra, CTD cũng đẩy mạnh đầu tư bất động sản (với Covestcons), tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong thư gửi cổ đông, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nguyễn Bá Dương chia sẻ: “Đầu tư bất động sản sẽ không mang lại kết quả ngay và làm giảm lợi nhuận tài chính ngắn hạn nhưng sẽ tạo ra nguồn thu ổn định trong những năm tiếp theo”.

Đầu tư hạ tầng cũng đang hấp dẫn khi giá trị xây dựng cơ sở hạ tầng đã chiếm trên 45% giá trị toàn ngành xây dựng. VDSC chỉ ra, lợi nhuận trong xây dựng hạ tầng cơ bản của Việt Nam được coi là cao trong mắt khối ngoại. Chính phủ lại ưu tiên cho phát triển cơ sở hạ tầng, khi các công trình xây dựng cơ bản chiếm tới 25% tổng chi tiêu chính phủ giai đoạn 2015-2018.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới