Hủy
Chứng khoán

DRC: Đối diện thử thách

Thanh Sơn - Khánh Vy (*) Thứ Ba | 14/05/2019 14:00

Ảnh: drc.com.vn

Cạnh tranh tăng cao, biên lợi nhuận giảm, Cao su Đà Nẵng đối diện thử thách lớn.
 

N ăm 2018 khá ảm đạm đối với Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã DRC) khi lợi nhuận sụt giảm.Theo đó, với tiêu chuẩn khí thải môi trường EURO4 khắt khe hơn, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này chỉ đạt 3.551 tỉ đồng (giảm 3%) và 139 tỉ đồng (giảm 16%). Nhìn về tương lai, doanh nghiệp đối diện cả yếu tố tích cực lẫn tiêu cực như việc Vinachem thoái vốn sẽ mang lại chất xúc tác tốt cho tăng trưởng; chi phí khấu hao giảm từ năm 2021. Song, trước sự cạnh tranh từ lốp Trung Quốc cũng như sự bấp bênh trong hoạt động xuất khẩu, liệu Cao su Đà Nẵng có vượt qua được khó khăn?

Doanh số của 2 sản phẩm cốt lõi của Cao su Đà Nẵng chứng kiến sự biến động trái chiều. Từ khi tiêu chuẩn khí thải EURO4 nghiêm ngặt hơn được áp dụng, sản lượng tiêu thụ lốp bias giảm 21% về mức 665.000 lốp, doanh số lốp radial tăng 13% lên mức 376.000 lốp. Tuy nhiên, ở khía cạnh tích cực, doanh số của lốp radial lại tăng trưởng mạnh nhờ việc mở rộng công suất nhà máy radial lên 600.000 lốp/năm từ tháng 7.2018. Do biên lợi nhuận gộp của lốp radial thấp hơn 20% so với lốp bias nên tổng lợi nhuận của Công ty vẫn chịu tác động tiêu cực.DRC: Doi dien thu thach

Năm 2018, khi đối mặt với chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và áp lực cạnh tranh từ lốp Trung Quốc, Cao su Đà Nẵng đẩy mạnh xuất khẩu như là giải pháp tạm thời để gia tăng doanh số trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt ở thị trường nội địa. Theo đó, việc xuất khẩu được duy trì ổn định qua các quốc gia như Malaysia, Myanmar và Thái Lan. Tại các thị trường nhiều tiềm năng như Ấn Độ, Mỹ và châu Âu, Công ty bước đầu chọn chiếc lược tranh thủ các hợp đồng gia công.

Năm 2019 có thể sẽ là một khởi đầu mới với Cao su Đà Nẵng. Các luận điểm đầu tư trọng yếu tập trung vào các vấn đề: (1) Việc Vinachem thoái vốn khỏi DRC được kỳ vọng là nhân tố hỗ trợ giá cổ phiếu trong ngắn hạn và (2) Kết quả kinh doanh của Cao su Đà Nẵng sẽ chuyển hóa mạnh mẽ từ năm 2021. Cụ thể, đầu năm 2019, Vinachem đã chính thức nộp các hồ sơ liên quan đến việc thoái vốn lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Do đó, việc thoái vốn được kỳ vọng diễn ra vào cuối quý II/2019 và đây có thể là chất xúc tác cho giá cổ phiếu trong ngắn hạn. Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các công ty Trung Quốc có thể là đối tượng mua tiềm năng trong thương vụ này vì các hãng sản xuất lốp xe lớn của nước này đang dịch chuyển dần nhà máy sang khu vục Đông Nam Á nhằm né thuế của Mỹ.

DRC: Doi dien thu thach
 

Ngoài ra, lợi nhuận của doanh nghiệp có thể bứt phá từ năm 2021 nhờ chi phí khấu hao giảm. Cuối năm 2020, thiết bị của nhà máy radial giai đoạn 1 sẽ được khấu hao hết. Do đó, từ năm 2021, ước tính chi phí khấu hao mỗi năm sẽ giảm khoảng 150 tỉ đồng, giúp cho lợi nhuận của Công ty trong giai đoạn năm 2018-2021 có mức tăng trưởng kép khoảng 30%. Dòng tiền tự do theo đó cũng tăng mạnh từ năm 2021 nhờ dòng tiền trả nợ giảm. “Chiết khấu dòng tiền thuần vốn chủ FCFE trên mỗi cổ phiếu trong giai đoạn năm 2021-2024 dao động quanh mức 2.400-3.000 đồng, cho phép Công ty tăng chi trả cổ tức tiền hằng năm lên mức hấp dẫn với nhà đầu tư”, báo cáo phân tích của VDSC, nhận định.

DRC: Doi dien thu thach
 

Doanh thu của Cao su Đà Nẵng có thể đạt 3.781 tỉ đồng (tăng trưởng 6,5%), với lợi nhuận ròng ghi nhận là 143 tỉ đồng (tăng trưởng 3%). Trong đó, mảng lốp tải nặng được đơn vị chứng khoán kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng. Mặc dù đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc tại thị trường nội địa, việc mở rộng xuất khẩu giúp sản lượng tiêu thụ của lốp radial được VDSC kỳ vọng tăng trưởng 17%. Trong khi đó, doanh số lốp bias nhiều khả năng giảm nhẹ do xu hướng “radial hóa”. Tuy vậy, sự sụt giảm sẽ không đáng kể do tính cạnh tranh trong thị trường lốp bias khá thấp và so với lốp radial, dòng sản phẩm bias thích ứng tốt hơn với địa hình hình nông thôn ở Việt Nam.

Đối với dòng lốp tải nhẹ, nhiều khả năng doanh số mảng này khó có thể hồi phục từ kết quả tương đối thấp của năm 2018. Tiêu chuẩn khí thải EURO 4 vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến việc cung cấp lốp tải nhẹ cho các nhà sản xuất ô tô, trong đó doanh số phân khúc này chiếm 25% tổng doanh số của dòng lốp tải nhẹ.

Về phương diện định giá, VDSC nhận định giá mục tiêu phù hợp của DRC là 23.500 đồng/cổ phiếu. Nền tảng đầu tư của Cao su Đà Nẵng gồm các yếu tố như câu chuyện thoái vốn sẽ hỗ trợ giá cổ phiếu trong ngắn hạn và kết quả kinh doanh của Công ty được kỳ vọng sẽ bứt phá từ năm 2021. Theo đó, VDSC đưa ra khuyến nghị là tích lũy đối với DRC. Về triển vọng cho năm 2019, ước tính lợi nhuận sau thuế sẽ tăng nhẹ khoảng 3% lên mức 143 tỉ đồng, tương ứng với EPS đạt 1.116 đồng/cổ phiếu.

(*) Chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt

Nhận định của nhà phân tích và công ty chứng khoán mà NCĐT trích dẫn chỉ mang tính chất tham khảo.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới