Hủy
Chứng khoán

Sợi Thế Kỷ hưởng lợi từ chính sách

Liên Quang Thứ Ba | 19/03/2019 10:00

Ảnh: Thiên Ân.

Hưởng lợi lớn từ chính sách thương mại, Sợi Thế Kỷ đang rất lạc quan trong năm 2019.
 

Trong suốt 18 năm, Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (Century Corp, CSFC, mã STK) hoạt động chủ yếu trong ngành may mặc ở mảng sản xuất sợi nhân tạo, sợi tái chế với 3 dòng sản phẩm chính: sợi POY (Partially Oriented Yarn), sợi DTY (Drawn Texturized Yarn) và sợi FDY (Fully Drawn Yarn). Tính đến thời điểm hiện tại, Sợi Thế Kỷ là doanh nghiệp đầu ngành sản xuất sợi Microfilament và sợi tái chế, doanh nghiệp hiện là 1 trong 5 doanh nghiệp sản xuất sợi nhân tạo lớn nhất Việt Nam, công suất thường niên đạt 63.300 tấn/năm. Các tập đoàn quốc tế bạn hàng chính của Sợi Thế Kỷ gồm Nike, Adidas, Uniqlo, Shenzhou, Schori, Puma...

2018 là một năm thành công với ngành dệt may Việt Nam. Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam ước đạt 36 tỉ USD (tăng trưởng 18%), trong khi nhập khẩu là 18 tỉ USD, ngành dệt may tạo ra thặng dư 18 tỉ USD. Với vị thế đó, Việt Nam đứng thứ 4 về xuất khẩu dệt may (sau Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh), nhưng đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất là 16% so với cùng kỳ. Về mặt doanh nghiệp, Sợi Thế Kỷ ghi nhận doanh thu lũy kế 12 tháng năm 2018 đạt 2.408 tỉ đồng (tăng trưởng 20%), lợi nhuận ròng thu về đạt 179,6 tỉ đồng (tăng trưởng 80%).

Soi The Ky huong loi tu chinh sach
 

Nhìn về tương lai, điểm nhấn đầu tư của ngành dệt may và Sợi Thế Kỷ nói riêng xoay quanh các yếu tố: (1) căng thẳng thương mại Mỹ - Trung kéo dài, (2) xuất khẩu tăng mạnh với các quốc gia thành viên thuộc Hiệp định CPTPP, EVFTA, qua đó, tạo lợi thế cho doanh nghiệp dệt may của Việt Nam. Phân tích cụ thể, khởi nguồn từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, trong danh sách hàng hóa 200 tỉ USD bị áp thuế, Mỹ yêu cầu áp mức thuế quan 10% (có khả năng tăng lên 25%) với các mặt hàng dệt may, gồm lụa, len hoặc sản phẩm lông động vật, bông (sợi, vải denim, vải satin), vải lanh, hàng dệt may nhân tạo, vải và các sản phẩm dệt may khác.

Theo thống kê của Maybank Kim Eng, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (ước chiếm 45% thị phần xuất khẩu). Tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may sang Mỹ ước đạt 12,7 tỉ USD năm 2018. Trung Quốc hiện là quốc gia xuất khẩu dệt may chủ yếu sang Mỹ, với thị phần dao động ở mức 36,6%.

Hấp dẫn hơn, năm 2019 mở ra cơ hội cho hàng may mặc của Việt Nam xâm nhập các thị trường mới. Thị trường dệt may xuất khẩu 6 nước thành viên CPTPP gồm Canada, Úc, New Zealand, Mexico, Chile, Peru trị giá 41 tỉ USD. Trong đó, Canada là thị trường tiềm năng với giá trị khoảng 12 tỉ USD. Việt Nam mới chỉ chiếm 5% thị phần xuất khẩu dệt may vào Canada.

Lộ trình cắt giảm thuế vào Canada sẽ giảm từ 18% hiện nay xuống còn 13,5%, 9%, 4,5% và 0% vào năm thứ 1, 2, 3 và 4 sau khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực. Theo đó, Sợi Thế Kỷ sẽ có lợi thế cạnh tranh tương đối nhiều ưu thế, khi Hiệp định áp dụng quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi Yarn Forward.

Soi The Ky huong loi tu chinh sach
 

Năm 2019, Sợi Thế Kỷ đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận ròng ở mức 2.603 tỉ đồng và 199,5 tỉ đồng, lần lượt tăng 8% và 11% so với năm 2018. Doanh nghiệp cũng cho biết, sẽ tăng tỉ trọng sợi tái chế lên 26% doanh thu thuần từ 16% năm 2018. Theo Maybank Kim Eng, kế hoạch của Sợi Thế Kỷ có lẽ có phần thận trọng, doanh thu và lợi nhuận năm 2019 có thể đạt khoảng 2.710 tỉ đồng và 217 tỉ đồng, lần lượt tăng 13% và 20,5% so với thực hiện năm 2018 chủ yếu do sản lượng tăng (chủ yếu là sợi tái chế) trong khi giá bán bình quân các mặt hàng được duy trì ổn định.  Ý thức được việc này, Sợi Thế Kỷ đã liên tục đầu tư công nghệ, mở rộng công suất sản xuất liên tục từ năm 2011, bình quân 2 năm/nhà máy. Trong đó, sợi tái chế là trọng điểm chiến lược đầu tư tương lai của doanh nghiệp ngành sợi. “Khách hàng mua sợi màu và sợi tái chế vẫn là những đối tác hiện hữu của Công ty. Họ hầu hết đang giảm tỉ lệ sợi nguyên sinh để chuyển sang các loại sợi trên, nhằm hướng đến phát triển bền vững. Do đó, việc đầu tư này của chúng tôi cũng là cách đón đầu xu hướng”, ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sợi Thế Kỷ, chia sẻ.

Soi The Ky huong loi tu chinh sach
 

Theo tìm hiểu của Maybank Kim Eng, các doanh nghiệp như Adidas và Nike, là những khách hàng của Sợi Thế Kỷ, đang chuyển sang sử dụng nguyên liệu tái chế và định hướng sẽ sử dụng 100% nguyên liệu này lần lượt vào năm 2024 và năm 2030. Về mặt định giá, STK đang giao dịch tại P/E 2018 là 7,1x, so với trung bình các doanh nghiệp dệt may trên sàn là 10,4x. Tỉ suất sinh lợi ROE đạt 21,3% so với bình quân ngành là 16,2%. Tại ngày 6.3, giá STK được giao dịch tại mức 19.500 đồng/cổ phiếu.

* Phân tích của Maybank Kim Eng chỉ có giá trị tham khảo


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới