Hủy
Công Nghệ

App giúp việc nhà: Thị trường triệu đô

Lan Anh Thứ Tư | 30/11/2016 13:00

10% hộ gia đình tại Hà Nội và TP.HCM thuê người giúp việc đã tạo ra thị trường gần 1.400 tỉ đồng/tháng.
 

Thuê người giúp việc từ lâu đã là một nhu cầu trong xã hội ngày càng bận rộn. Nhiều gia đình tại thành thị đã quen với việc thuê người dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc trẻ em, người già, nấu nướng... 

Một dự báo của Chính phủ cho biết nhu cầu lao động giúp việc của cả nước năm 2015 là 250.000 người. Còn riêng TP.HCM, theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TP.HCM, Thành phố cần khoảng 10.000 người giúp việc và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, nhưng thị trường mới đáp ứng được 30%.

Trung bình, lương của một người giúp việc được bao ăn, ở dao động từ 3-5 triệu đồng/tháng, ở những gia đình người nước ngoài thì cao hơn, khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Còn thu nhập của giúp việc theo giờ khoảng 30.000-40.000 đồng/giờ. Có được mức thu nhập trung bình, thậm chí cao hơn một số công việc phổ thông khác, thế nhưng thị trường cung ứng người giúp việc vẫn luôn lệch cung cầu. Nguyên nhân chính là do người lao động vẫn không xem đây là một nghề ổn định, nên sẵn sàng nghỉ việc hoặc bỏ ngang. Nghề này cũng chỉ mới được quy định cụ thể trong Bộ luật Lao động 2012 để xây dựng một khung pháp lý bảo vệ người lao động.

Đặt giả thiết chỉ 10% trong tổng 3,5 triệu hộ gia đình tại Hà Nội và TP.HCM có nhu cầu thuê người giúp việc, nhân với số tiền trung bình trả cho một người giúp việc là 4 triệu đồng/tháng, thì thị trường này ở 2 thành phố trên đã lên đến 1.400 tỉ đồng.

Nhiều đơn vị cung ứng lao động đã xuất hiện trên mảnh đất màu mỡ này. Các đơn vị cung cấp lao động giúp việc tạm phân loại thành 3 mô hình chính: Mô hình truyền thống (tuyển dụng, đào tạo và cung cấp lao động); mô hình bán truyền thống (có thêm sự hỗ trợ của công nghệ cho quá trình giao dịch, xử lý và đánh giá chất lượng dịch vụ); mô hình chỉ thuần làm công nghệ để kết nối cung cầu nhưng không trực tiếp tuyển dụng lao động (tương tự như Uber).

Nếu mô hình truyền thống mất từ 3-5 ngày để tuyển được một người giúp việc, thì công nghệ đã giúp rút ngắn thời gian tuyển dụng và đem đến nhiều hướng phát triển cho những mô hình hiện đại, cung cấp những trải nghiệm tốt hơn cho người dùng. Điển hình của mô hình kết hợp giữa online và offline trong cung cấp lao động giúp việc là JupViec.vn. Đơn vị xuất hiện sớm và đang chiếm thị phần lớn nhất trong loại hình dịch vụ này, từng được Quỹ Đầu tư CyberAgent của Nhật rót vốn để mở rộng thị trường miền Nam sau hơn 3 năm hoạt động ở Hà Nội.

Sau khi tải ứng dụng về điện thoại, khách hàng có thể đặt lịch người giúp việc theo nhiều hình thức: làm việc theo giờ, làm từ sáng đến tối hoặc giúp việc ở lại nhà. Hệ thống sẽ tự động lựa chọn và giới thiệu những người giúp việc tiềm năng kèm thông tin cá nhân, kinh nghiệm, kỹ năng, video phỏng vấn... để khách hàng lựa chọn. JupViec.vn là cầu nối giữa người lao động và khách hàng và Công ty thu 15-20% trên mỗi hợp đồng. Hiện có khoảng 1.000 nhân viên làm việc toàn thời gian và bán thời gian cho đơn vị này.

Trung bình mỗi giờ làm việc, người lao động kiếm được 30.000 đồng, mỗi tháng thu nhập từ 5-6 triệu đồng. Người giúp việc khi đi làm tại nhà khách hàng phải chuẩn bị smartphone. Thiết bị này sẽ thay thế các công đoạn chấm công, truyền đạt yêu cầu của khách hàng, đánh giá chất lượng... để phân loại lao động và cải thiện chất lượng dịch vụ. “Công nghệ đóng góp từ 30-40% vận hành quy trình và giúp mô hình phát triển với tốc độ năm sau gấp đôi năm trước”, ông Phan Hồng Minh, Tổng Giám đốc của JupViec.vn, chia sẻ.

Để đưa được một người lạ vào làm việc trong nhà khách hàng, bài toán lớn nhất với các mô hình cung cấp người giúp việc là tạo dựng lòng tin. Ở JupViec.vn, người lao động phải qua nhiều vòng tuyển dụng, gồm: vòng hồ sơ (kiểm tra nhân thân, chứng minh thư, khám sức khỏe...), phỏng vấn, cuối cùng là đào tạo để có được những kỹ năng và kiến thức nhất định, như cách chăm sóc em bé, người già, cách sử dụng các thiết bị gia đình...

“Chúng tôi vận dụng chương trình đào tạo kết hợp làm việc thử trong 1 tuần, tương tự Singapore chứ không áp dụng chương trình đào tạo 6 tháng như Philippines vì đặc thù lao động phổ thông ở Việt Nam cần sớm có thu nhập nên không theo những chương trình đào tạo dài hơi. Trong khâu đào tạo, tỉ lệ loại 30% để có được những người làm việc chất lượng và đúng với quy trình”, ông Minh cho biết.

Ngành dịch vụ nào cũng tồn tại nhiều rủi ro. Một trong những khó khăn lớn nhất của JupViec.vn là khi khách hàng liên hệ trực tiếp với người giúp việc và hủy hợp đồng với JupViec.vn nhằm giảm chi phí. Không kể đến mất mát về chi phí và thời gian tuyển dụng, đào tạo, điều này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả phía chủ nhà lẫn người lao động. Chủ nhà không nắm được thông tin về người giúp việc, tất nhiên sẽ không có ai giải quyết hậu quả khi xảy ra trường hợp xấu.

Ngược lại, người giúp việc vừa mất đi cơ hội làm việc với nhiều khách hàng khác, vừa không thể trở lại sau khi đã rời bỏ hệ thống nếu như bị chủ nhà cho thôi việc. Ngoài ra, theo chia sẻ từ nhiều đơn vị, không dễ để tuyển dụng các lao động nữ nhàn rỗi, lớn tuổi ở các vùng nông thôn cho nghề giúp việc. Phần vì họ không theo nghề lâu dài, phần không đáp ứng được phong cách làm việc kỷ luật, còn nếu có kinh nghiệm thì họ đã làm cho các công ty vệ sinh, các tòa nhà...

Khác với ở JupViec.vn, bTaskee lại là đại diện của mô hình công nghệ, kết nối khách hàng với người giúp việc nhàn rỗi, tương tự như Uber. Bắt đầu triển khai từ tháng 2.2016, theo website của bTaskee, mô hình này đã giải quyết hơn 14.000 giờ làm việc cho hơn 2.500 khách hàng trên hệ thống. Số lượng giúp việc đăng ký ở TP.HCM hơn 400 người với thu nhập khoảng 33.000 đồng cho mỗi giờ làm việc. Mô hình này chỉ thuần về công nghệ, không trực tiếp tuyển dụng hay đào tạo nhân viên và hưởng15% trên thù lao người lao động nhận được.

Cách làm này tuy đơn giản hơn các mô hình khác nhưng bTaskee sẽ phải giải bài toán về quản lý chất lượng lao động. Cách làm dễ thấy của mô hình này là xem xét cẩn thận thông tin của người đăng ký lao động, dựa trên đánh giá và phản hồi của khách hàng để phân loại người lao động, ngưng hợp tác với những nhân viên có đánh giá thấp...

Tại Đông Nam Á, các mô hình ứng dụng cung ứng người giúp việc đã khá thành công như Gojek của Indonesia, Kaodim hoạt động ở Malaysia, Singapore, Philippines... Không chỉ dừng ở giúp việc mà nhiều công ty còn cung cấp những dịch vụ khác như sửa điện, nước, trông trẻ, làm vườn... Đây là mục tiêu lâu dài các mô hình trong nước hướng đến.

Dù đa phần các mô hình cung cấp người giúp việc theo mô hình ứng dụng internet chưa đem lại lợi nhuận, nhưng không thể phủ nhận sức hấp dẫn của thị trường được mở ra do sức mạnh công nghệ. Chưa kể đằng sau họ là các quỹ đầu tư sẵn sàng chi cho các chiến dịch tiếp thị nhằm chiếm được thị phần trước khi trào lưu này nóng lên, thu hút nhiều nhà đầu tư khác.

Vì thế, cùng với nhiều gia đình thành thị ngóng người giúp việc, các nhà cung ứng dịch vụ này cũng đang rất sốt ruột.

Lan Anh


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới