Hủy
Công Nghệ

Ba “ông kẹ” internet chen chân vào truyền hình

Lê Phan Thứ Bảy | 13/01/2018 20:42

Trong chuyến thăm Việt Nam, ông Eric Schmidt, Chủ tịch điều hành của Alphabet, cho biết, chỉ riêng về YouTube, Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới về sử dụng kênh.
 

Đồng thời, khả năng rất cao Google có thể sẽ mở văn phòng chính thức tại Việt Nam. Những thông tin này khiến các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam hết sức quan tâm. Bởi một lẽ YouTube đã lấn sân sang lĩnh vực truyền hình trả tiền với dịch vụ YouTube TV.

Sau Amazon, Netflix, gần đây, Apple, YouTube và Facebook cũng tranh thủ nhảy vào mảng truyền hình. Với thuận lợi từ nền tảng công nghệ cao, sự thân thiết với người dùng trẻ tuổi, cuộc cạnh tranh để giành người xem và sản xuất các sản phẩm truyền hình có ngân sách lớn được dự báo sẽ rất khốc liệt.

Google, Facebook và Apple lấn sân

Với các nhà cung cấp nội dung truyền hình trả tiền, sự gia nhập của Apple, Facebook, YouTube không phải là tin mừng. Michael Jackson, cựu Giám đốc Channel 4 và Universal Television, hiện đang điều hành Two Cities Television, nhận định: “Các công ty công nghệ cao là những thương hiệu lớn. Họ thực sự hiểu thị trường và khán giả của họ nên sẽ muốn có thị phần khá đặc biệt và định hướng riêng”.

Để đảm bảo cạnh tranh với Amazon, Netflix và những kênh truyền hình truyền thống, những gã khổng lồ công nghệ không chỉ đầu tư tiền bạc mà còn chịu khó chạy đua thu hút nhân tài, mời những nhà quản lý giàu kinh nghiệm của truyền hình truyền thống về phụ trách nội dung và sản xuất cho họ. Tháng 10.2017, khi Netflix tuyên bố đầu tư khoảng 8 tỉ USD cho mảng sản xuất nội dung phim ảnh, truyền hình trong năm 2018, thì Apple cũng đã có dự tính chi 1 tỉ USD. Con số này dù có vẻ khiêm tốn, nếu so với cả Amazon (4,5 tỉ USD) và HBO (2 tỉ USD) nhưng các nhà phân tích chỉ ra rằng, chi phí của Apple có thể dễ dàng leo thang trong những năm tới, bởi Apple có giá trị gấp đôi Amazon và gấp 10 lần Netflix.

Trong khi đó, YouTube đã chuyển sang kinh doanh truyền hình được hơn 2 năm nay với Red (năm 2015) và Unplugged (kênh truyền hình cao cấp ra mắt năm 2016, cung cấp nội dung độc quyền trên di động, loại bỏ quảng cáo khỏi các video). Cuối năm 2016, YouTube bắt đầu cho chiếu những bộ phim ngân sách lớn trên dịch vụ thuê bao trực tuyến và dự kiến chi khoảng 3 triệu USD/tập phim với mục đích nhắm đến đối tượng người dùng cốt lõi từ 16-35 tuổi. Nhiều ngôi sao tên tuổi như Katy Perry, Demi Lovato, Kevin Hart, Ellen Degeneres... cũng đã đồng ý thực hiện các chương trình cho YouTube.

Đầu năm 2017, Facebook cũng đã lên kế hoạch lấn sân mạnh vào mảng truyền hình, bằng cách chuẩn bị 24 chương trình, chia thành 2 loại nội dung khác nhau. Những nội dung tầng cao sẽ tập trung vào các chương trình TV truyền thống, có thời lượng dài hơn và chiếm nhiều ngân sách. Những nội dung tầng thấp sẽ gần giống với các chương trình đã có trên những nền tảng truyền thông mạng xã hội hiện nay như các đoạn clip ngắn từ 5-10 phút, có ngân sách thấp với các tập mới cập nhật gần như hằng ngày.

Chuyển mình để thích nghi

Đây chính là cơ hội tăng trưởng lớn cho Facebook, vì không gian hiển thị quảng cáo trong News Feed đang ngày càng hạn hẹp. Mục tiêu của Facebook là sản xuất các chương trình dành riêng cho giới trẻ để giữ chân họ khi sự cạnh tranh từ Snapchat và các mạng xã hội khác ngày càng lớn. Tháng 8.2017, Facebook tung ra dịch vụ Facebook Watch ở Mỹ, chính thức mở đầu cho cuộc lấn sân đã được tính toán.

Gần đây, Cục Thuế TP.HCM lần đầu tiên hé lộ doanh thu quảng cáo của Google và Facebook. Theo đó, qua xác minh tại một ngân hàng, cơ quan thuế phát hiện tổng số giao dịch của tổ chức, cá nhân Việt Nam với Google trong năm 2016 là 248.396 giao dịch với tổng số tiền thanh toán là 222,4 tỉ đồng. Với Facebook tổng số giao dịch là 175.391 lượt, tổng số tiền thanh toán là 450,4 tỉ đồng. Đáng lưu ý, đây chỉ là doanh số giao dịch tại một ngân hàng.

Với những con số khổng lồ này, cả YouTube và Facebook không dễ bỏ qua thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam. Đặc biệt, nhiều khảo sát cho thấy, hành vi của khán giả Việt Nam đối với các kênh truyền hình đang thay đổi đáng kể. Điển hình, theo Asia Plus, người trẻ tại Việt Nam có xu hướng dành nhiều thời gian hơn để xem các video online như YouTube, Zing TV, Nhaccuatui.com... Có tới 45% người trả lời khảo sát cho biết, họ xem TV ít hơn so với cách đây một năm.

Có thể thấy, Apple và Google nhiều năm qua không hòa thuận là bao với những công ty truyền thông về vấn đề nội dung, bản quyền, còn khách hàng trẻ tuổi lại gần gũi với các công ty công nghệ hơn. Do đó, khi các công ty công nghệ quay sang thị trường truyền hình thì những công ty truyền thông lại có thêm được cách phân phối nội dung kiểu mới và có thể mối quan hệ giữa các công ty công nghệ và truyền thông này sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Một số nhà cung cấp nội dung truyền hình cao cấp hy vọng những người mới gia nhập giàu có kia sẽ mang đến mô hình kinh doanh mới thuận lợi hơn cho các tài năng và nhà sản xuất.

Ở góc độ kinh doanh, Craig Holleworth, Giám đốc Bộ phận kinh doanh, phim truyền hình của BBC, lo ngại chi phí sản xuất những bộ phim chất lượng gia tăng sẽ hạn chế khả năng cạnh tranh. Ông nói với The Sreen Daily: “Tôi tự hỏi khi nào bong bóng sẽ bùng nổ. Với giá cả gia tăng, khoảng 5 năm trước, chúng ta có thể thực hiện một chương trình với giá dưới 1 triệu bảng Anh (1,3 triệu USD), thì bây giờ phải trả 2-4 triệu”.

Song chốt lại, Craig Holleworth cũng công nhận cuộc cạnh tranh mới đối với Netflix và Amazon trong lĩnh vực kỹ thuật số, hay sự gia nhập của Facebook, Google và Apple sẽ giúp truyền hình cao cấp phát triển tích cực theo xu hướng toàn cầu hóa. Do vậy, các đài và các công ty mua bán nội dung truyền hình cao cấp phải có sự chuyển mình mạnh mẽ để thích nghi


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới