Hủy
Công Nghệ

FIM+ và cuộc chơi “buffet phim”

Thứ Năm | 21/01/2016 16:23

Dự án Fim+ đã tiên phong cho xu hướng cung cấp phim bản quyền chất lượng cao tại Việt Nam với các siêu phẩm phim Hollywood, châu Á và Việt Nam.
 

Giữa bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, người dân khắp nơi vẫn chi nhiều hầu bao cho hoạt động giải trí, trong đó có thưởng ngoạn điện ảnh. Có thể thấy, mô hình kinh doanh phim ngày nay không chỉ qua màn ảnh rộng, tức khách hàng đến rạp xem phim, mà đã len lỏi đến khắp mọi nơi, trong những thế hệ màn hình nhỏ, di động, thuận tiện cho khách hàng lựa chọn. Hình thức này được gọi là dịch vụ cung cấp phim theo nhu cầu (VOD).

VOD ngày càng phổ biến bởi tính tiện lợi, phục vụ theo nhu cầu riêng của khách hàng. Có thể nói, VOD như một bữa tiệc “buffet phim” với đầy đủ các món ăn, và khách hàng tha hồ tận hưởng chúng.

Trên thực tiễn, với lượng người dùng Internet đông đảo, thiết bị và tốc độ truy cập ngày càng tốt hơn, VOD đang là thị trường màu mỡ nhưng chưa được khai thác chính thống ở Việt Nam, thay vào đó là sự tồn tại của những website xem phim “lậu” trực tuyến.

Nhưng gần đây, thị trường “buffet phim” đang có những chuyển động mới tích cực. Có thể kể đến dự án Fim+ của Công ty Galaxy Media & Entertainment (Galaxy ME) vừa mới chính thức trình làng hồi giữa tháng 1 vừa qua. Trong lúc đó, một đối trọng khác là gã khổng lồ quốc tế Netflix cũng tuyên bố mở rộng dịch vụ tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. Ở một chiều khác, nhiều website xem phim lậu trực tuyến đã bị xử phạt, đóng cửa, và con số này dự kiến sẽ còn tăng lên trong thời gian tới.

Có thể nói, thị trường VOD đang trong cuộc phô diễn giữa những bữa tiệc buffet phim hoành tráng. Vậy thị trường này tiềm năng, và sẽ phát triển đến đâu?

Buffet phim: trong nhà hàng hay ngoài ngõ phố?

Dự án Fim+ ra mắt đã tiên phong cho xu hướng cung cấp phim bản quyền chất lượng cao tại Việt Nam với các siêu phẩm phim Hollywood, phim đặc sắc châu Á và phim “hot” Việt Nam. Và khi có sự xuất hiện tiên phong của dịch vụ cung cấp phim bản quyền như Fim+, tiếp theo chắc hẳn sẽ là câu chuyện về tương lai của các phim trực tuyến không có bản quyền.

Hiện đang có những thông tin đồn đoán rằng Công ty Fim+ ngoài việc giới thiệu sản phẩm mới, còn có những động thái mua các website phim không bản quyền để sắp xếp lại thị trường. Cụ thể hơn, đó là mua lại Công ty HDViet, một trong số những website xem phim phổ biến không bản quyền thời gian qua. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Lương Công Hiếu, Chủ nhiệm Dự án Fim+ khẳng định rằng, những thông tin này là hoàn toàn không có cơ sở.

Đại diện Fim+ cũng cho biết Fim+ là dự án riêng biệt và không hề có liên quan đến các website phim khác. Fim+ cũng không hề cung cấp các phim có nội dung bản quyền cho HDViet hay bất kì trang web nào. Có lẽ, một trong những lý do khiến thị trường nghĩ rằng Fim+ và HDViet có liên quan với nhau là vì trong ban điều hành, đội ngũ phát triển của Fim+ cũng có sự tham gia của nhân sự HDViet.

Theo ông Lương Công Hiếu, trong quá trình thực hiện dự án mới chưa có tiền lệ ở Việt Nam, công ty phải đi tuyển dụng nhân sự có chất lượng trên thị trường. "Chuyện một số nhân sự đã từng làm ở website khác là bình thường. Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận nhân viên có trình độ chuyên môn cao, không quan tâm đến việc họ xuất thân từ đâu”, ông Hiếu cho biết.

Bên cạnh thông tin mua lại HDViet đã bị bác bỏ, cũng có thông tin khác cho rằng, HDViet sẽ đóng cửa trong thời gian sắp tới. Về vấn đề này, ông Hiếu cũng khẳng định chuyện này không hề liên quan đến Galaxy hay Fim+. Tuy nhiên, theo ông, với tình trạng thị trường như hiện nay thì việc các website xem phim trực tuyến nếu có đóng cửa là chuyện bình thường, mà điển hình gần đây nhất là việc xử phạt hành chính và đóng cửa website HayHayTV.

Trên thực tế, thị trường phim lậu là thị trường có rào cản gia nhập thấp. Các trang web lấy phim từ 2 nguồn chính, một là từ các bản quay trộm phim trong rạp, hai là nén lại bản số từ các đĩa DVD được phát hành sau khoảng 4 tháng kể từ ngày phim chiếu rạp. Hơn nữa, dù liên tục nhận được kiện tụng và xử lý vì vi phạm bản quyền từ các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội điện ảnh và hãng phim, các website lậu dễ dàng di chuyển như “những gánh hàng rong”, bị phát hiện ở chỗ này thì chuyển đi chỗ khác. Trong khi đó, cơ chế của pháp luật hiện hành ở Việt Nam vẫn còn tương đối nhẹ, chủ yếu là xử phạt hành chính.

Nhưng kiếm tiền từ phim “lậu” cũng thật không dễ. Ngoài áp lực về chi phí đầu tư, chịu sự cạnh tranh và rủi ro về pháp luật, các trang web phim lậu cũng sẽ rất khó khai thác quảng cáo. Nghĩa là các trang web phim lậu khó có thể lấy phí cao, do khách hàng cũng nhận biết rõ đây là phim “không có bản quyền”. Như vậy, chuyện một website phim vi phạm bản quyền đóng cửa trong tương lai là tất yếu. Và khi một website đóng cửa, vì một lý do bất kỳ nào đó, thì cuối cùng khách hàng cũng là người chịu thiệt thòi. Nếu như ví dịch vụ VOD là một bữa tiệc buffet phim, thì có thể xem các công ty chính thức như Fim+ hay Netflix là nhà hàng, trong khi các website trực tuyến hiện nay là những gánh hàng rong. Người tiêu dùng lựa chọn trả tiền ở đâu là chuyện của họ, nhưng việc đảm bảo được quyền lợi hay không thì cũng có thể dễ dàng nhận ra.

Song chuyện đầu tư phim bản quyền cũng không hề đơn giản. “Chúng tôi phải đầu tư mua rất nhiều loại công nghệ hiện đại khác nhau vì có rất nhiều quy định chặt chẽ về mặt kĩ thuật để được cung cấp dịch vụ phim bản quyền”, ông Hiếu khẳng định, chẳng hạn như các công nghệ bảo vệ bản quyền thì phải mua ở hãng do Holywood chỉ định.

Một bài toán nữa mà các công ty chính thống như Fim+ phải giải đó là hướng thói quen người tiêu dùng từ miễn phí thành trả phí bản quyền, một thói quen phổ biến ở tất cả mọi lĩnh vực chứ không riêng gì lĩnh vực điện ảnh. “Đó không phải là câu chuyện của 1 năm”, ông Hiếu xác định. 

Song với sự đầu tư của Fim+, của Netflix ở Việt Nam sẽ góp phần thay đổi vấn đề này. “Hoạt động tiếp theo của Netflix là điều tích cực đối với ngành cung cấp VOD”, ông Hiếu nói. Ông Hiếu tin rằng Fim+ có thể đi cùng đường với gã khổng lồ trong việc phá tan tảng băng phim trả phí. “Các công ty địa phương, như Fim+, sẽ đi theo, mở ra đại dương mới để kinh doanh”, ông Hiếu kì vọng.

Trên thực tế, mặc dù cung cấp cùng một loại dịch vụ nhưng nếu so sánh cấu trúc nội dung phim và giá cả thì đều khác nhau. Lấy ví dụ, mức phí của Netflix là 220.000 đồng/tháng trong khi Fim+ là 50.000 đồng/tháng với cùng chất lượng HD. “Mỗi người chơi trong thị trường lựa chọn phân khúc khác nhau tùy theo thế mạnh của mình”, ông Hiếu nói.

Thanh Phong


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới