Hủy
Công Nghệ

Nữ kỹ sư Việt kiều và giấc mơ giúp người tàn tật lấy lại khả năng vận động

Thứ Ba | 16/05/2017 17:25

Công nghệ khung xương trợ lực mà Sam Huynh đang thiết kế có thể giúp người tàn tật hoặc bị liệt phục hồi lại khả năng vận động.
 

Là một trong những nhà sáng chế trẻ tuổi đang thu hút sự chú ý của dư luận Mỹ, nữ kỹ sư Việt kiều Sam Huynh đã có một cuộc hành trình khoa học đầy kỳ thú, dù chưa tới tuổi 30.

Sinh ra và lớn lên tại thị trấn sa mạc Belen (7.000 dân) ở bang New Mexico, Sam Huynh có bố là người Việt, còn mẹ là người Campuchia. Bố cô là ông Thanh Huynh, một trong những nhân vật cộm cán của giới anh chị miền Nam Việt Nam ngày trước, với nhiều lần vào tù ra khám trước khi di cư sang Mỹ. Mẹ cô là bà Kimeon Beard Huynh, người đã trốn thoát một cách thần kỳ khỏi chế độ Pol Pot để đến được biên giới Thái Lan và từ đó tìm đường di cư qua Mỹ. Họ là gia đình người châu Á duy nhất tại Belen.

Từ nhỏ, Sam Huynh đã thể hiện một niềm đam mê khác thường đối với các loại máy móc. Ông ngoại cô (cha nuôi bà Kimeon) là một cao bồi dày dạn kinh nghiệm, và thường xuyên hướng dẫn Sam cách sửa chữa các loại máy móc nông nghiệp. Lớn lên, cha của Sam tìm được cho cô một chỗ làm tại xưởng cơ khí nơi ông làm việc, và Sam tiếp tục trau dồi kỹ năng cơ khí của mình tại đây.

Đến tuổi học đại học, Sam quyết định nộp đơn vào Học viện Kỹ thuật Rochester (RIT) ở New York, nơi thường nằm trong nhóm những trường kỹ thuật tốt nhất nước Mỹ. Cô cũng may mắn nhận được một suất học bổng từ chương trình học bổng của tỷ phú Bill Gates.

Nu ky su Viet kieu va giac mo giup nguoi tan tat lay lai kha nang van dong
Dàn tên lửa đẩy Draco mà Sam Huynh từng tham gia thiết kế. Ảnh: space.com

Lúc còn theo học cử nhân, Sam xuất sắc giành được một suất thực tập tại công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk, nơi cô tham gia vào thiết kế các động cơ tên lửa. Sau đó, cô tiếp tục làm việc tại công ty xe hơi Tesla cũng của Musk, với vị trí kỹ sư thiết kế. Những dự án lớn mà Sam từng tham gia bao gồm mẫu xe hơi Tesla Model S và động cơ tên lửa Draco.

Đến năm 2012, một biến cố lớn làm thay đổi cuộc đời Sam. Một người bạn học thân thiết của cô là Taylor Hattori gặp phải tai nạn xe đạp, khiến anh bị liệt toàn thân từ cổ trở xuống. Với quyết tâm giúp bạn mình lấy lại được khả năng vận động cơ thể, Sam từ bỏ công việc ở Tesla để theo đuổi giấc mơ mới: chế tạo một bộ khung xương trợ lực (exoskeleton).

Gặp Hattori lần đầu sau khi anh bị tai nạn, Sam đã nói: “Tớ sẽ quay lại Los Angeles, và tớ sẽ tìm ra cách để giúp cậu”. Hattori đáp lại: “Tớ không muốn trở thành đề tài luận văn của cậu đâu”, và Sam trả lời: “Chả sao cả, vì bây giờ chuyện này không chỉ là về một mình cậu nữa rồi”.

Nu ky su Viet kieu va giac mo giup nguoi tan tat lay lai kha nang van dong
Sam Huynh và người bạn thân Taylor Hattori. Ảnh do Sam Huynh cung cấp

Trở lại bờ Tây nước Mỹ, Sam nhập học chương trình cao học tại Trường Kỹ thuật Viterbi của Đại học Nam California (USC), nơi có nhiều giáo sư hàng đầu nước Mỹ về khoa học vật liệu. Sau khi hoàn tất khóa học thạc sĩ tại đây, cô tiếp tục học lên tiến sĩ y sinh để phát triển công nghệ khung xương trợ lực cùng với giáo sư Terence Sanger. Một bài báo của trường USC đã gọi Sam Huynh là “Người Sắt” (Iron Woman).

Xuất thân từ một gia đình khó khăn, Sam muốn xây dựng một bộ khung xương dựa trên các linh kiện giá vài trăm USD để thật nhiều người có thể sử dụng nó. Các bộ khung xương hiện hành trên thị trường thường có giá khoảng 40.000 USD (có lúc lên tới 120.000 USD), hầu hết là sử dụng động cơ điện. Bộ khung mà Sam đang thiết kế thì lại dùng công nghệ cơ bắp khí nén (pneumatic muscle), cũng như có thể tiếp nhận được tín hiệu từ các cơ bắp của người sử dụng, cho phép chuyển động tự nhiên hơn. Hiện tại, Sam đang tập trung thiết kế bộ khung cho phần thân trên trước tiên, sau đó sẽ hướng tới bộ khung dành cho toàn cơ thể.

Công trình nghiên cứu của Sam dựa trên một nguyên lý tâm lý học gọi là cơ chế thần kinh mềm dẻo (neuroplasticity), nghĩa là các mạch thần kinh trong não của một người có thể thay đổi tùy theo các hoạt động cơ bắp và trí óc của người đó. Như vậy, trong trường hợp não bị chấn thương – chẳng hạn do đột quỵ hoặc thương tổn cột sống – thì nó có thể bù đắp lại bằng cách tạo ra các mạch thần kinh mới ở các vùng khác. Bằng cách tập luyện thường xuyên, các bệnh nhân có thể hồi phục lại những khả năng vận động đã bị mất do chấn thương.

Nu ky su Viet kieu va giac mo giup nguoi tan tat lay lai kha nang van dong
Sam Huynh và bộ khung xương mà cô đang thiết kế. Ảnh: Shelby Hartman

Những bộ khung xương trợ lực có thể đẩy nhanh quá trình này, và đã có những trường hợp bệnh nhân hồi phục được một phần khả năng vận động sau khi sử dụng khung xương. Tuy nhiên, đây cũng là một ý tưởng đang gây nhiều tranh cãi trong giới y khoa. Theo một số người ủng hộ như giáo sư Iona Novak, trưởng bộ phận nghiên cứu tại Viện Bại Não (Cerebral Palsy Institute) ở Đại học Sydney, thì các bộ khung xương có tiềm năng rất lớn trong việc khôi phục chức năng vận động. Tuy nhiên, bà Novak cũng cho rằng lĩnh vực này mới ở giai đoạn khởi đầu, và cần có thêm nhiều nghiên cứu để chứng minh rõ ràng hơn.

Với Sam Huynh, những lời tranh luận không làm cô lùi bước. Cô nói: “Tôi không nghĩ là không có gì mà tôi sẽ không làm vì Taylor. Nếu anh ấy bảo tôi nhảy đi, tôi sẽ cố nhảy cao gần 2 mét trước khi hỏi anh ấy là vì sao lại làm thế”.

Tuấn Minh

Nguồn Tổng hợp


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới