Hủy
Doanh Nghiệp

Bamboo Airways: Đội bay Hybrid

Việt Dũng Thứ Hai | 30/07/2018 14:00

Đâu là động cơ đẩy cho Hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) và hãng này làm thế nào để vượt qua được những khó khăn ban đầu.
 

Bamboo Airways: Chuyến bay mạo hiểm của tỷ phú Trịnh Văn Quyết?

Ngày 1.10, Bamboo Airway sẽ bay chuyến đầu tiên


Nếu như nữ tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo thay đổi thị trường hàng không với VietJet Air, thì tỉ phú Trịnh Văn Quyết của Tập đoàn FLC cũng đang rất háo hức chờ được bay để khẳng định bản thân. Đâu là động cơ đẩy cho Hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) và hãng này làm thế nào để vượt qua được những khó khăn ban đầu đã khiến cho không ít hãng hàng không phải dừng cuộc chơi?

Háo hức chờ bay
Bamboo đang dần tiến đến giấc mơ bay trên bầu trời với chủ trương đồng ý của Chính phủ về dự án vận tải hàng không Tre Việt tại Cảng hàng không Phù Cát, tỉnh Bình Định. Dự án thành lập hãng hàng không có tổng vốn đầu tư 700 tỉ đồng, nhưng FLC nhanh chóng báo tăng vốn lên 1.300 tỉ đồng.

Tại cuộc họp Đại hội cổ đông hồi tháng 6, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC, tiết lộ, Bamboo Airways dự kiến có chuyến bay đầu tiên vào cuối năm nay. Có vẻ như FLC đang tỏ ra rất quyết liệt trong khoản đầu tư vào ngành hàng không. Bamboo Airways cho biết đang tiến hành đợt tuyển dụng lớn nhất trong năm với các bộ phận hoạt động, từ dịch vụ hậu cần cho đến tổ bay. Mới đây, sau khi công bố ngày dự kiến bay là ngày 10.10 trên mạng xã hội, website của hãng này tung ra các loại vé dự kiến với mức giá từ 99.000 đồng.

Nếu như VietJet Air gây ấn tượng mạnh không chỉ vì mức giá vé 0 đồng, mà còn ở cách tiếp thị “bikini”, thì Bamboo Airways liên tiếp tung ra thông tin dồn dập trong thời gian gần đây. Tất nhiên, các câu chuyện này cũng không mang lại ý nghĩa nhiều nếu FLC không đủ nội lực để bay.

Nhưng muốn bay nhanh không hề dễ dàng. Ngay cả một mô hình thành công là VietJet Air cũng phải trải qua quãng đường dài khó khăn mới có thể cất cánh. Năm 2007, giấy phép bay của bà Thảo đã có nhưng kế hoạch bị đình lại vì giá dầu khi đó tăng cao. Năm 2010, AirAsia tính tham gia vào liên doanh nhưng kế hoạch cũng đổ bể. VietJet Air chính thức ra mắt vào cuối năm 2011. 

Bay nhanh đã khó, để bay được lâu càng khó hơn. Bài học đắt giá từ những thương vụ càng bay càng lỗ vẫn còn đó, như trường hợp của hãng hàng không Air Mekong, hay Jetstar Pacific. Tuy nhiên, nếu như VietJet Air hay Jetstar lúc đó ra mắt trong thời điểm không thuận lợi khi kinh tế đang đi xuống, giá dầu tăng cao, thì ông Quyết thuận lợi hơn một chút. Điểm may mắn cho Bamboo Airways ra mắt vào thời điểm này là nhờ vào “ba tăng”: du lịch tăng, thu nhập tăng và thói quen đi máy bay cũng tăng lên. 

Trong giai đoạn 2010-2017, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 16,64%/năm về hành khách, 14%/năm về hàng hóa. Trong 6 tháng đầu năm 2018, vận tải hành khách đường hàng không đã đạt mức 24,6 triệu lượt khách, tăng 15,2%; vận tải hàng hóa đạt 176,4 ngàn tấn, tăng 14,8% so với cùng kỳ. 

Thậm chí, ông Quyết đã có phép tính nhẩm: nếu FLC thuê trọn gói một chiếc máy bay với giá khoảng 10 tỉ đồng/tháng, mỗi máy bay bay ít nhất một ngày 6 chuyến với 200 chỗ ngồi, giá vé khứ hồi tuyến Hà Nội - TP.HCM 5,4 triệu đồng, thì bình quân mỗi ngày thu về 3,3 tỉ đồng/chuyến, một tháng thu về khoảng 99 tỉ đồng. Theo đó, doanh nghiệp vẫn thu về 60 tỉ đồng/tháng.

Phép tính có vẻ ngon ăn nhưng hãng bay trẻ này ra đời trong bối cảnh Vietnam Airlines và VietJet Air đã chiếm lĩnh thị trường ở mọi phân khúc. Để giành được lợi thế, đội bay của ông Quyết phải đối mặt với cả hai đối thủ sừng sỏ này. Hiện nay tại Việt Nam có 4 hãng hàng không đang hoạt động: Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar Pacific và Vasco, trong đó Vietnam Airlines sở hữu Vasco và 70% vốn của Jetstar hoạt động tại 28 sân bay với 3 sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, mới khai trương sân bay Cam Ranh và sân bay Long Thành sắp xây dựng.

Tất nhiên, thị trường mở rộng giúp miếng bánh hàng không cũng nở ra, như cái cách mà VietJet Air tự tạo ra khách hàng cho riêng mình. Bamboo Airways cũng sẽ có lối đi riêng, như nhiều lãnh đạo của Hãng trước đó chia sẻ.

Bamboo Airways: Doi bay Hybrid
 

Tìm động cơ đẩy

Ông Đặng Tất Thắng, Tổng Giám đốc Bamboo Airways, chia sẻ với báo giới về định vị là hãng hàng không “hybrid”. Đây là loại hình lai ghép giữa hàng không truyền thống và hàng không giá rẻ, cung cấp dịch vụ đáp ứng được nhiều loại nhu cầu khác nhau của mọi phân khúc khách hàng. Trùng hợp là khái niệm “Hybrid” cũng được VietJet Air tuyên bố tiếp cận trong thời gian gần đây.

Trước đó, VietJet Air thành công nhờ tạo lập được một thị trường mới, mang đến cơ hội cho những người chưa từng được bay với mức giá rẻ. Các tuyến bay nội địa bắt đầu được khai thác, rồi từ đó hãng này bắt đầu tập trung vào các đường bay mới và đường bay quốc tế.
Vì ngành hàng không có cấu trúc chi phí cho mỗi chuyến bay là rất cao, cách làm này giúp VietJet Air nhanh chóng lấp đầy được các ghế trống. Nhờ đó giúp tăng lợi nhuận nhờ tăng các doanh thu phụ trợ cùng với việc tiết giảm chi phí từ điều hành bay cho đến quản trị văn phòng. VietJet Air nhanh chóng tiến đến mở rộng cung cấp dịch vụ cho các khách hàng VIP.

Bamboo Airways có chút khác biệt khi nhắm tới mục tiêu trở thành một hãng vận chuyển giá tầm trung, hướng tới cả khách quốc tế và trong nước, những người muốn bay tới các địa điểm mà FLC có đặt các khu nghỉ dưỡng.

Theo mô hình mà họ công bố, có thể hiểu rằng đây là những đối tượng khách hàng của cả tập đoàn mẹ là FLC, chứ không chỉ đơn thuần là khách mà Bamboo Airways khai thác theo cách tự nhiên. Với hướng đi này, lợi nhuận cho mỗi chuyến bay có thể thấp, nhưng ở phía bên kia, FLC có thể ngồi đếm tiền từ dịch vụ nghỉ dưỡng ở trên 6 resort khắp cả nước, dự kiến tăng con số này tăng lên 10 vào năm 2020. 


Mô hình này nhìn qua có vẻ hợp lý, nhưng để thành công hay không còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố khác. Không chỉ cần tiềm lực mạnh của FLC đứng đằng sau, mà còn cần đến khả năng quản trị và điều hành.

Có thể nói động cơ “đẩy” quan trọng không kém cho Bamboo Airways chính là vấn đề nhân sự. Nhìn vào VietJet Air, mô hình hãng bay độc đáo này thành công không chỉ nhờ lối đi riêng mà còn nhờ vào đội ngũ nhân sự cao cấp kết hợp giữa hàng không - tài chính, có khả năng thu xếp vốn, quản trị tài chính và kiểm soát tốt chi phí.

Cơ sở vững chắc của VietJet Air đầu tiên phải kể đến nữ tỉ phú Phương Thảo cùng “siêu thị tài chính” đứng đằng sau, từ Sovico đầu tư bất động sản cho đến HDBank ở mảng ngân hàng. VietJet Air cũng tập hợp được đội ngũ nhân sự xuất sắc trong ngành tài chính - hàng không. Điển hình như Giám đốc Điều hành Lưu Đức Khánh, vốn đã kinh qua các vị trí lãnh đạo cấp cao ở HSBC, Techcombank, ABBank… Những nhân vật khác đều từng trải nghiệm hơn chục năm trong ngành hàng không ở nhiều hãng như Vietnam Airlines, Pacific Airlines.

Tất nhiên, FLC cũng có điểm chung với VietJet Air, đó là được sở hữu bởi những tay chơi tài chính lão luyện nhiều năm chinh chiến trên thị trường Việt. Nếu như VietJet Air công bố những khoản mua hợp đồng máy bay Boeing hay Airbus, thì Bamboo Airways cũng không kém cạnh, liên tục tuyên bố các khoản ký kết với các nhà sản xuất máy bay


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới