Hủy
Doanh Nghiệp

Bông Bạch Tuyết và 2 chủ nợ

Thanh Tùng Thứ Tư | 11/07/2018 14:00

Sau nhiều năm lận đận, Bông Bạch Tuyết (BBT) đang có nhiều dấu hiệu trở lại thị trường một cách lạc quan hơn.
 

Vừa làm, vừa trả nợ

Ra đời cách đây 68 năm, Bông Bạch Tuyết từng là niềm tự hào của sản phẩm mang thương hiệu Việt. Trong những năm cuối thập niên 1990 đầu thập niên 2000, các sản phẩm bông y tế của Công ty chiếm tới 90% thị phần cả nước và chiếm 30% thị phần băng vệ sinh phụ nữ. 

Dù trong lĩnh vực bông y tế, Bông Bạch Tuyết nắm vị thế thống lĩnh, trong mảng băng vệ sinh phụ nữ, Công ty vấp phải cạnh tranh của các đối thủ lớn, trong đó có các đối thủ nước ngoài, khiến Công ty đầu tư dây chuyền sản xuất băng vệ sinh hiện đại trong năm 2004-2005.

Tuy nhiên, đó lại là một nước cờ sai lầm và là nguyên nhân chính đẩy Bông Bạch Tuyết đến bờ vực thua lỗ. Ông Tạ Xuân Thọ, nguyên Tổng Giám đốc Công ty, từng thừa nhận việc đầu tư này khiến năng lực sản xuất tăng lên, nhưng năng lực bán hàng không tăng lên tương ứng, tồn kho tăng mạnh.

Bong Bach Tuyet va 2 chu no
 

Cụ thể, năng lực sản xuất băng vệ sinh thời điểm đó vào khoảng 2 triệu gói/tháng, gấp 10 lần năng lực bán hàng. Điều này khiến Bông Bạch Tuyết chỉ còn vốn cố định, không còn vốn lưu động và phải phụ thuộc vào hạn mức tín dụng của ngân hàng. 

Một năm, Bông Bạch Tuyết phải trả hơn chục tỉ đồng cả vốn và lãi gốc cho ngân hàng. Và thay vì nghiên cứu thị trường để tìm hiểu thị hiếu của khách hàng với sản phẩm, Công ty vẫn đẩy mạnh hoạt động marketing cho sản phẩm băng vệ sinh.

Điều này khiến Công ty lỗ liên tục trong năm 2006-2007, thậm chí dừng hoạt động từ tháng 7.2008 và cổ phiếu bị hủy niêm yết vào tháng 8.2009. Sau khi bị hủy niêm yết 1 tháng, Công ty mới bắt đầu hoạt động trở lại, chỉ còn chú trọng vào mảng bông y tế và ngừng hẳn sản xuất băng vệ sinh. Chỉ sau 3 năm góp mặt trên sàn chứng khoán, Bông Bạch Tuyết báo lỗ tổng cộng 14 tỉ đồng cùng hàng loạt khoản nợ quá hạn thanh toán cho ngân hàng và các bên liên quan.

Nhưng những di chứng của sai lầm vẫn ám ảnh Công ty đến thời điểm hiện tại. Hiện tại, Công ty còn 2 khoản nợ lớn gồm nợ Maritime Bank 22,6 tỉ đồng tiền lãi phát sinh từ khoản vay trong quá khứ, hằng tháng phải trả cho ngân hàng này 200 triệu đồng.

Ngoài ra, Công ty còn khoản nợ lãi phát sinh với Công ty Cổ phần Bibica là 3,4 tỉ đồng, Bông Bạch Tuyết vừa làm vừa phải trả cho Bibica 100 triệu đồng/tháng. Công ty thừa nhận hoạt động vẫn có thể bị ngưng trệ nếu không thể dàn xếp ổn thỏa với các chủ nợ nêu trên. Maritime Bank đã đề nghị cơ quan thi hành án ra quyết định cưỡng chế, kê biên tài sản.

Trong tháng 5 vừa qua, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đã thông báo về việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá toàn bộ quyền sử dụng đất và toàn bộ quyền sở hữu công trình, nhà xưởng trên đất thuộc quyền sử dụng, sở hữu của Bông Bạch Tuyết tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TP.HCM với mức giá khởi điểm 86,21 tỉ đồng.
Hiện tại, Công ty còn lỗ lũy kế hơn 61 tỉ đồng cùng với ý kiến ngoại trừ của kiểm toán về hàng loạt khoản mục không thể xác định được thông qua các nghiệp vụ kiểm toán. 

Cơ hội trở lại
Tuy nhiên, Công ty cũng có một số cơ sở để lạc quan khi hoạt động kinh doanh cải thiện qua từng năm, lãi và doanh thu đều tăng. Nếu trước năm 2014, Công ty vẫn còn chịu lỗ, thì trong 3 năm tài chính gần nhất đều đạt mức lãi sau thuế 8 con số. Nếu như cuối năm 2015, vốn chủ sở hữu của Công ty âm 12 tỉ đồng thì hiện tại, khoản mục này đã dương 15,9 tỉ đồng, nhờ hiệu quả kinh doanh 3 năm vừa qua. 

Vì có 2 năm ngừng sản xuất nên thị phần của Bông Bạch Tuyết đã giảm từ mức 95% trong thời đỉnh cao xuống chỉ còn chiếm 20-30%. Tuy nhiên, sản phẩm của Công ty luôn là lựa chọn của các bệnh viện lớn. Công ty có thể hưởng lợi từ thị trường thiết bị y tế dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh trong những năm tới.

Theo BMI, thị trường thiết bị y tế đạt khoảng 1,8 tỉ USD trong năm 2018. Về cấu trúc thị trường, theo chất liệu sản phẩm, các sản phẩm từ tơ sợi chiếm tỉ trọng lớn nhất trong sản phẩm trang thiết bị với 28,75% thị phần tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Y tế. 

Bộ Y tế định hướng đến năm 2018, thiết bị trong nước sẽ chiếm 60% các mặt hàng thiết bị y tế. Nhu cầu các sản phẩm y tế như bông, gạc từ các bệnh viên luôn là rất lớn. Theo số liệu của Bộ Y tế, cuối năm 2017 số giường bệnh trên 1 vạn dân là 25,7; trong tương lai khi Việt Nam tiến tới đáp ứng tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 39 giường, dự báo nhu cầu bông, gạc y tế và các thiết bị liên quan có thể tăng đáng kể. 

Xu hướng tuổi thọ của người dân ngày một tăng cũng thúc đẩy thị trường thiết bị y tế trong tương lai; trong đó, nhu cầu thiết bị y tế cao cấp và các sản phẩm đặc biệt sẽ gia tăng nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân. Tại Việt Nam, ngoài một số doanh nghiệp tham gia ngành, trong đó có Công ty Cổ phần Y tế Danameco, Công ty Cổ phần Thiết bị Y tế Bảo Thạch... Trong đó, Danameco là công ty chiếm lĩnh thị phần lớn nhất với khoảng 40-50% và một số sản phẩm của Công ty đạt chất lượng xuất sang thị trường Nhật.

Trong năm 2018, Bông Bạch Tuyết sẽ tiến hành tăng vốn thông qua phương án phát hành riêng lẻ để bổ sung vốn điều lệ. Sau khi niêm yết trở lại trên sàn UPCoM, giá cổ phiếu BBT của Bông Bạch Tuyết đã tăng từ 2.300 đồng lên hơn 13.100 đồng trong thời gian vừa qua. Giới đầu tư đánh giá, đây là một điều kiện thuận lợi để Công ty có thể thực hiện tăng vốn thành công từ 68 tỉ đồng lên 98 tỉ đồng. Điều này sẽ giúp Công ty có thêm vốn để mở rộng hoạt động.

Mới đây Bông Bạch Tuyết cũng công bố kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 113 tỉ đồng, tăng 15% so với năm 2017; lợi nhuận đạt 12,8 tỉ đồng, giảm 10% do hết được chuyển lỗ nên phải đóng thuế 20% theo đúng thuế suất quy định. Bông Bạch Tuyết xác định năm 2018 tập trung cho sản xuất các sản phẩm phục vụ chăm sóc cá nhân ở 2 khu vực tiêu dùng thiết yếu và y tế.

Bông Bạch Tuyết cũng muốn phát triển kênh phân phối. Trước năm 2018, Công ty chỉ có 2 kênh phân phối là kênh y tế và kênh tiêu dùng. Hiện nay, Công ty có 5 kênh phân phối, gồm kênh GT, ETC, OTC, MT và kênh online, kênh xuất nhập khẩu với ý định đưa sản phẩm ra quốc tế. Bông Bạch Tuyết hiện là đối tác cung cấp bông y tế, gạc y tế và các sản phẩm từ bông cho hầu hết các bệnh viên lớn trong cả nước như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và các bệnh viện quận, huyện của TP.HCM… 

Công ty cũng đang có các đối tác hàng đầu trong ngành bán lẻ như Saigon Co.op, Aeon Mall, Vinatex, Satra, Pharmacity. Giá trị các hợp đồng lớn mà Công ty đã ký kết với các đối tác trong năm 2018 lên đến 110 tỉ đồng. 

Theo định hướng trong những năm tới, Bông Bạch Tuyết muốn giữ vững vị trí hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, phân phối các sản phẩm chủ đạo từ bông tại thị trường Việt Nam và khu vực. Công ty muốn gia tăng độ phủ tại tất cả các siêu thị, bệnh viện lớn, nhà thuốc trung tâm, cửa hàng tiện lợi, kênh bán hàng online, đồng thời đầu tư cho R&D nhằm đón đầu xu hướng tiêu dùng. 

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán Quốc tế Việt Nam, nhận định: “Nếu hoạt động kinh doanh của Bông Bạch Tuyết tiếp tục khả quan như vài năm qua, thì khả năng Công ty sẽ xóa được lỗ lũy kế và có thể tăng vốn để mở rộng kinh doanh. Công ty được lợi thế là có mối quan hệ tốt với nhiều bệnh viện và sản phẩm cũng đạt chất lượng với giá phải chăng”.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới