Hủy
Doanh Nghiệp

Vì sao Thế Giới Di Động không làm M&A?

Thứ Hai | 20/07/2015 12:04

Khả năng mở rộng chuỗi phân phối của TGDĐ đã trở nên hiệu quả tới mức việc tự mở chi nhánh mới chỉ tốn bằng 1/3 so với mua lại.
 

Trong Ðại hội cổ đông thường niên hồi đầu năm 2015, ông Nguyễn Đức Tài, chủ tịch HĐQT MWG đã làm “dậy sóng” thị trường khi tuyên bố sẽ thực hiện một số thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) để tạo giá trị tăng trưởng mới. Tuy nhiên vẫn chưa có một “đám cưới” nào chính thức diễn ra. 

M&A: Cọc tìm trâu hay trâu tìm cọc?

Không khí mua bán vẫn đang diễn ra hết sức sôi động trong ngành bán lẻ điện tử – điện máy, như việc Central Group thâu tóm thành công 49% cổ phần Công ty Nguyễn Kim hay việc Trần Anh “bán mình” cho tập đoàn Nojima Corporation của Nhật Bản.

Trong khi các DN bán lẻ điện máy “lão thành” bị quyến rũ trước sự săn đón của DN ngoại thì câu chuyện M&A của TGDĐ (.MWG) lại có chút khác biệt. Họ chủ động là người đi mua. Tuy nhiên, theo DN này, việc đi mua và sáp nhập với DN nào đó cũng sẽ có nhiều vấn đề nan giải và khi đặt lên bàn cân, sự lựa chọn tự mình tạo dựng luôn lấn át.

“Thực tế, chúng tôi đã từng nghĩ đến việc mua lại một chuỗi bán lẻ với giá tốt. Họ sở hữu gần 100 cửa hàng với tổng trị giá chỉ có 300 tỉ đồng. Nhưng khi so sánh với phương án tự xây thì tôi thấy để có 100 cửa hàng này, mình chỉ cần mất 6 tháng và chi phí khoảng 100 tỉ đồng, nghĩa là tiết kiệm hơn gấp 3 lần. Chúng tôi nghĩ mình có năng lực xây dựng tốt với chi phí thời gian và tiền bạc rẻ hơn. Sự tin tưởng này có phần gây khó cho chính chúng tôi trong việc ra quyết định M&A”, ông Tài nói.

Vi sao The Gioi Di Dong khong lam M&A?
Ông Nguyễn Đức Tài, chủ tịch HĐQT MWG lựa chọn con đường tự thân vận động trước làn sóng M & A

 “Kết hôn” phần xác hay phần hồn?

Nhận định của ông Tài còn phản ánh một hiện thực của thị trường bán lẻ điện máy. Lý do khiến cho các DN Việt chấp nhận “bán mình” chưa hẳn là vì những lời đề nghị hấp dẫn từ phía các DN ngoại mà nhiều khi do họ lâm vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” và trong tâm thế chờ ngóng có người mua lại để vớt vát.

Ở phía Bắc, nhà bán lẻ Trần Anh đối mặt với lợi nhuận rất thấp. Ở phía Nam, chuỗi Nguyễn Kim đã bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài. Trên toàn quốc, chuỗi Pico đang thu hẹp quy mô. Đó là chưa kể đến hàng chục nhà bán lẻ điện máy nhỏ hơn đã rời khỏi thị trường “không kèn không trống”. Theo đánh giá của nhiều nhà bán lẻ có tên tuổi, sự khó khăn bắt nguồn từ chi phí vận hành ngành này khá cao (chi phí kho bãi, vận chuyển, dịch vụ), trong khi tỉ suất sinh lợi thấp.

Vi sao The Gioi Di Dong khong lam M&A?
Mô hình siêu thị vừa phải khiến cho Điện máy Xanh có thể dễ dàng mở rộng tại khắp các tỉnh thành

Chính vì vậy, theo ông Tài, nếu thực hiện M&A, TGDĐ chủ yếu chỉ mua được phần xác (chủ yếu là địa điểm kinh doanh). Còn phần hồn, tức các bí quyết kinh doanh, gần như là con số không.

Trong các thương vụ M & A, việc chuyển giao phần “hồn” là chuyện khó đàm phán nhất trong đó văn hóa doanh nghiệp và con người là yếu tố quan trọng. TGDÐ chỉ đồng ý giữ lại các nhân viên bình thường mà không giữ lại cấp quản lý của công ty bên bán vì quan ngại sẽ khó hòa hợp. “Dĩ nhiên, điều này đã khiến một số doanh nghiệp bên bán không đồng tình. Và đến giờ chúng tôi vẫn chưa có thương vụ nào thành công!”, ông Tài tiết lộ.

Nỗ lực tự thân vận động

Sau những cuộc giao thương bất thành, TGDÐ có lý do để tiếp tục bước đi với chiến lược truyền thống trong 10 năm qua là tự xây dựng trong đó phải kể đến sự bứt phá thần tốc của Điện máy Xanh với mô hình siêu thị tinh gọn và linh hoạt.

Thị trường bán lẻ điện máy có hai mô hình siêu thị phổ biến. Thứ nhất là mô hình hoạt động với diện tích lớn, ví dụ như chuỗi điện máy Pico hay Nguyễn Kim. Mô hình này cho phép sở hữu những trung tâm có diện tích khoảng 3.000-5.000 m2. Hai là mô hình nhỏ hơn, khoảng 600-1.000 m2 như Điện máy Xanh hay một số cửa hàng của MediaMart ở phía Bắc.

Không ngạc nhiên khi vừa qua, các siêu thị Điện máy Xanh mọc lên liên tục và trong một thời gian rất ngắn. Nhà bán lẻ này vừa khai trương siêu thị thứ 31 tại Cần Thơ và công bố sẽ hoàn thành mục tiêu 70 siêu thị đi vào hoạt động khi kết thúc quý 4 năm 2015. Như vậy, cho tới thời điểm này, Điện máy Xanh đã là chuỗi siêu thị bán lẻ điện máy đứng thứ nhất trên thị trường về quy mô.

Vi sao The Gioi Di Dong khong lam M&A?
Điện máy Xanh hiện đang là chuỗi siêu thị bán lẻ điện máy đứng thứ nhất trên thị trường về quy mô

“Chúng tôi chọn mô hình nhỏ vì tin rằng, chỉ có mô hình này mới có thể đi xa khắp các tỉnh thành. Ðặc biệt là ở những khu vực ngoại thành và các tỉnh, nơi có nhu cầu cao mà chưa có hệ thống bán lẻ chuyên nghiệp phục vụ. Nếu xuống Long An và nói xây dựng một trung tâm điện máy có diện tích 5.000 m2 thì nắm chắc sẽ thua. Những trung tâm lớn như thế chỉ phù hợp với đô thị lớn. Chúng tôi đang đặt kế hoạch giai đoạn 2016-2017 sẽ hoàn tất việc phủ sóng mô hình này trên toàn Việt Nam”, ông Tài chia sẻ.

Chưa ai dám khẳng định những cuộc mua bán sáp nhập có thành công và chuyện “ly hôn” có thể xảy ra trong tương lai hay không. Tuy nhiên, nếu DN có tiềm lực tài chính vững vàng, chiến lược bài bản và có một triết lý kinh doanh cũng như văn hóa doanh nghiệp sắc bén thì chọn con đường “tự lập” sẽ tạo thế chủ động trên sân nhà.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới