Hủy
Doanh Nghiệp

Doanh nghiệp hiến kế "trị" hàng giả, hàng nhái

Lê Trang Thứ Năm | 09/11/2017 14:31

Trần Quỳnh

Một doanh nghiệp nhỏ, sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực hàng may đã có những cách rất “độc” để hạn chế và “bắt chết” tình trạng hàng giả, hàng nhái.
 

Lâu nay, không ít doanh nghiệp Việt Nam bị tình trạng hàng giả hàng nhái mà họ không có nhiều biện pháp để “khắc chế”, nhiều doanh nghiệp đành cam phận “sống chung” với nạn hàng gian hàng giả mà không biết kêu ai.

Doanh nghiep hien ke
Ông Lý Thành Sinh bên hệ thống máy móc hiện đại của Minh Long Hưng mới nhập về từ châu Âu. Ảnh: Trần Quỳnh

Vậy nhưng, một doanh nghiệp nhỏ, sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực hàng may mặc lại có những cách rất “độc” để hạn chế và “bắt chết” tình trạng này. Đó là cách làm của ông chủ công ty Cổ phần may thêu Minh Long Hưng (MLH), ông Lý Thành Sinh.

Minh Long Hưng là một đơn vị chuyên sản xuất hàng may mặc dành cho trẻ em, với bề dày kinh nghiệm gần 30 năm hoạt động. Các sản phẩm được sản xuất và quản lý trên hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 – 2008.

Hiện nay, hệ thống phân phối của MLH trải rộng khắp 63 tỉnh thành và có mặt trên 40 quận, huyện, thị xã, và cả những địa phương hẻo lánh, vùng sâu, vùng xa… Sản phẩm của MLH đã góp phần đầy lùi bớt lượng hàng trung quốc nhập lậu, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang gây lung đoạn thị trường.

Thâm nhập tận hang ổ hàng nhái nhưng vẫn bất lực

Ông Lý Thành Sinh kể, trong những năm qua, qua những người tiểu thương buôn bán, người tiêu dùng phản ánh, và qua đội ngũ kinh doanh của mình, công ty liên tục phát hiện ra nhiều mặt hàng của mình bị làm nhái, làm giả.

Không những tại địa bàn TPHCM, mà việc làm giả làm nhái sản phẩm của MLH còn có cả ở các tỉnh miền Tây, miền Bắc…

“Có những lần chúng tôi phải cải trang, giả làm đối tác, khách hàng này kia để tiếp cận những cơ sở, cá nhân, tổ chức đang làm hàng nhái, hàng giả của mình để thu thập bằng chứng…”

Doanh nghiep hien ke
Những sản phẩm nhái rất khó để phân biệt với người tiêu dùng

Sau khi có đầy đủ bằng chứng trong tay, tưởng rằng việc hợp tác với chính quyền, các ngành chức năng để xử lý những đối tượng này sẽ dễ dàng, nhưng không phải vậy. Ông Lý Thành Sinh cho hay, “mọi thứ vẫn diễn ra như chưa hề có sự kiểm tra, xử lý nào”.

Thậm chí, ông Sinh cũng nhờ báo chí vào cuộc lên tiếng, nhưng mọi thứ cũng không thuyên chuyển nhiều, các đối tượng lại di chuyển địa điểm, thay đổi mẫu mã cho khác một chút xíu mà thôi.

Theo ông Sinh, hàng truyền thống của công ty là hàng vải cotton 100%, nhưng các đối tượng làm giả thì ngoài chất lượng in kém, hoen, nhòe, thì họ cũng chỉ cho đến 50% cotton, một số thì hoàn toàn không có cotton gì… Mặt khác, so sánh về từng đường kim mũi chỉ thì hàng nhái làm rất ẩu…

Điều đáng nói, trong khi cấu trúc giá của doanh nghiệp khi ra sản phẩm là chi phí nguyên phụ liệu, tiền công, các chi phí về tài chính, marketing, truyền thông, thuế, phí… còn người làm hàng nhái, giả thì chẳng mất gì nhiều, nên hàng của các đối tượng làm nhái, giả bán rất rẻ. Trung bình rẻ hơn từ 10 đến 15%...

Biến đại lý hàng giả hàng nhái thành đối tác

Hiện nay, MLH có phối hợp nhiều cách làm để đánh hàng nhái, hàng giả, và đang rất thành công.

Như với những đơn vị ở tỉnh bán hàng giả, hàng nhái MLH cho người đến thương lượng trực tiếp với họ để lấy hàng của mình, không lấy hàng của những người làm hàng giả kia nữa.

Doanh nghiep hien ke
Minh Long Hưng nhắm đến thị trường tại các trường học cho các em học sinh. Ảnh: Trần Quỳnh

“Chúng tôi gặp trực tiếp những đại lý đó và cho họ biết rằng, họ đang cộng tác với những đơn vị làm hàng giả. Nhiều người trong số đó đã hiểu và quay qua cộng tác trực tiếp với chúng tôi, bởi ngoài việc mình là hàng chính hãng thì mình còn cho họ thêm nhiều mẫu mã sản phẩm, nhiều chiết khấu và giá bán tốt hơn người làm hàng giả…”, ông Sinh nói.

Thậm chí có những trường hợp gai góc quá, chúng tôi chấp nhận bán bằng giá người làm hàng giả để lôi khách hàng về phía mình.

“Và kết quả là toàn tỉnh Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Quảng Ninh hiện nay chúng tôi đã cung cấp sản phẩm cho toàn bộ các trường học ở đó”.

Cách để các doanh nghiệp hạn chế tình trạng làm hàng giả hàng nhái

Theo ông Sinh, doanh nghiệp cần đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng làm hàng giả này, ngoài việc kéo khách hàng bán hàng giả về mình.

Thứ nhất, doanh nghiệp phải chạy cho nhanh về mẫu mã, đa dạng các chủng loại để những người làm giả (đa phần là những hãng nhỏ) họ không đủ con người và phương tiện để theo kịp.

Thứ hai, luôn sản xuất ra những sản phẩm có tính chất vùng miền, đi vào chiều sâu của nghiên cứu thị trường (những người làm hàng giả không làm điều này), như khu vực Tây Nguyên họ thích hàng màu, rẻ tiền, chất lượng, hay như khu vực miền Nam không thích dùng bo mà thích dùng viền, thích ống lửng, không thích ống dài, còn ngoài Bắc thì ngược lại…

Thứ ba, doanh nghiệp cần tìm nguồn nguyên liệu độc mà những đối tượng làm giả không có được; hoặc liên kết với các DN trong hội dệt may, để nhuộm sản phẩm theo mã số quốc tế.

Và cuối cùng, theo ông Lý Thành Sinh, như MLH thì chấp nhận lời ít đi để đánh cho hàng giả không còn đất sống.

Hiện nay, Minh Long Hưng còn khiến cho những đối tượng làm hàng nhái, hàng giả phải “hít khói” chạy theo khi họ đầu tư các trang thiết bị máy móc hiện đại trong ngành nhập từ châu ÂU. Việc này giúp cho từng đường kim mũi chỉ, từng chất lượng in màu… đạt tới mức cao cấp của châu Âu.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới