Hủy
Doanh Nghiệp

Food Court: Từ vùng ven xuống tầng hầm

Đức Tài Thứ Bảy | 01/07/2017 08:30

Mô hình khu ẩm thực trong trung tâm thương mại đã phát triển nhiều năm qua tại Singapore, Hồng Kông, Thái Lan... hiện vẫn tỏ ra khá hiệu quả tại Việt Nam.
 

Trong khi nhiều mô hình kinh doanh ẩm thực đang chen chân tại trung tâm thành phố và đang phải chật vật với bài toán chi phí, một vài mô hình kinh doanh ẩm thực kiểu mới đã “ngược dòng” khi lan ra vùng ven.

Dịch chuyển vùng ven

Đáng chú ý, 3 năm trở lại đây, Tân Phú, Bình Tân có tốc độ tăng trưởng dân số mạnh mẽ với khoảng gấp 3 lần các quận trung tâm. Kéo theo đó là nhu cầu về ăn uống và giải trí của người dân trong khu vực. Các khu Food Court đông đúc của Aeon Mall đã phần nào minh chứng về nhu cầu ẩm thực mang tính tập trung và sẵn có với mức giá hợp lý thay cho các khu chợ ăn truyền thống tại khu vực đang phát triển này.

Nhằm đáp ứng nhu cầu đang tăng, chuỗi kinh doanh ẩm thực, cà phê Food Square (đường Thoại Ngọc Hầu, Tân Phú) được hình thành trên 1.500m2, với sức chứa 70 gian hàng, hoạt động từ 7 giờ đến 23 giờ hằng ngày. Với lợi thế mặt bằng rộng hơn nhiều các khu kinh doanh ẩm thực khác, tại đây có 6 khu vực gồm, 2 khu vực ẩm thực và khu lounge cà phê, khu sân vườn, khu ẩm thực và khu vui chơi trẻ em, riêng khu vực ăn uống có sức chứa 350 chỗ ngồi. Giá thuê mỗi gian hàng ở mức 12 triệu đồng/tháng, đã bao gồm chi phí điện, nước, nhân viên...

“Việc đổ xô vào trung tâm để kinh doanh góp phần làm giá thuê bất động sản liên tục tăng cao, chi phí đầu tư cao, kéo theo sự cạnh tranh và rủi ro cũng cao. Do đó, giãn ra vùng ven là cách đầu tư an toàn hơn rất nhiều”, ông Nguyễn Cao Kỳ Chương, Giám đốc của Food Square, chia sẻ.

Food Court: Tu vung ven xuong tang ham

Tại Food Square, các gian hàng cũng được quản lý về việc niêm yết giá bán, cao hơn trong khoảng 30-50% so với giá thị trường. Food Square tập trung hỗ trợ ưu tiên 3 nhóm đối tượng gồm: thương hiệu gia truyền nổi tiếng lâu đời (chè, bún, bánh Huế...); thương hiệu nổi tiếng trên thị trường (nếu có nhu cầu): Phúc Long, The Coffee House... và các gian hàng khởi nghiệp kinh doanh ẩm thực mới. Đại diện của Food Square cũng cho biết sẽ tích cực hỗ trợ, thậm chí có thể xem xét miễn chi phí thuê thời gian đầu. Cho đến nay, hồ sơ đăng ký gian hàng đã được hơn 100% nhưng theo ông Chương, số lượng hồ sơ được xét duyệt chỉ ở khoảng 5-20%.

Dựa trên tốc độ tăng trưởng nhu cầu của ăn uống tại khu vực và thu nhập của khu vực, Food Square khá tự tin khi đặt tại đây. “Thu nhập bình quân là 7,5 triệu đồng/người, nhóm khách trẻ dưới 30 tuổi sẽ dễ chi từ 30.000- 50.000 đồng/món ăn”, ông Chương tính toán. Ngoài ra, ở mảng cà phê, các mô hình hiện đại như The Coffee House, Phúc Long, Hot&Cold tại khu vực này khá đông khách.

Xuống tầng hầm

Theo khảo sát của Grant Thornton Việt Nam, thực phẩm và đồ uống là 1 trong 2 ngành hấp dẫn thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhất. Triển vọng được đánh giá cao như vậy nên thực phẩm và đồ uống cũng là mục tiêu mà các quỹ đầu tư chú ý khi tham gia mạnh vào các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A).

Theo thống kê, thị trường TP.HCM đã có gần 10 thương hiệu thức ăn ngoại phát triển hệ thống đến từ Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật, Mỹ. Bên cạnh đó, chưa kể đến hàng trăm ngàn quán kinh doanh từng món ăn của các vùng miền khắp cả nước... Mật độ tập trung dày đặc khiến mặt bằng có vị trí đẹp trở nên khan hiếm, buộc các nhà hàng phải linh hoạt dịch chuyển, có khi lên cả tầng thượng khu chung cư, hoặc mới đây là khu chợ ẩm thực Asian Town và mua sắm Sense Market nằm ngay dưới lòng khu B công viên 23/9 nơi giáp với 2 phố Tây nổi tiếng. Đây là dự án của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Saigon Co.op - SCID và Công ty Đầu tư Thương mại Cửu Long đầu tư.

Food Court: Tu vung ven xuong tang ham

Dưới cái nóng buổi trưa, các nhân viên văn phòng và vài chục du khách người nước ngoài có vẻ hài lòng với khu mua sắm này. Máy lạnh mát mẻ, khu bán sản phẩm thời trang nhộn nhịp được niêm yết giá đầy đủ tạo sự hài lòng cho du khách mới đặt chân đến Việt Nam, đặc biệt ở khu vực ăn uống, một nhóm bạn người nước ngoài vui vẻ tự phục vụ vài món chè, gà rán và mì Nhật. “Chúng tôi thấy vui và yên tâm khi đến đây ăn trưa, có rất nhiều sự lựa chọn và giá khá rẻ”, Matthew Molloy, một người trong nhóm du khách New Zealand, vừa đến Việt Nam một tuần chia sẻ với NCĐT. “Giá bán ở đây cao hơn quán cơm bình dân khoảng 10.000-15.000 đồng nhưng lại mát mẻ, thoải mái ngồi, thức ăn lại nhiều thứ để chọn”, chị Bích Phương, nhân viên văn phòng gần đó, cho biết.

Trái ngược với không khí tại khu ẩm thực Asian Town, khu vực chợ đêm Bến Thành vắng bóng người Việt, chỉ còn du khách nước ngoài ăn uống tại đây là chủ yếu. Giá thầu mặt bằng tại khu chợ của chủ đầu tư ở mức khoảng 500 triệu đồng/tháng, giá cho thuê từng quầy cũng ở mức 25 triệu đồng chưa tính các chi phí khác. Do đó, để đảm bảo lợi nhuận, cả tiểu thương kinh doanh và chủ đầu tư đều phải giữ giá bán và dịch vụ cao. Điều này là nguyên nhân chính khiến tình hình kinh doanh không khả quan.

Mô hình khu ẩm thực trong trung tâm thương mại đã được phát triển hàng chục năm qua tại Singapore, Hồng Kông, Thái Lan... hiện vẫn tỏ ra khá hiệu quả. Tại các trung tâm thương mại, các khu Food Court cũng có lượng khách khá dồi dào nhưng giá thuê tại đây cũng không hề rẻ. Tại Vincom Đồng Khởi, giá thuê mặt bằng 150m2 trên 6.000 USD/tháng, kios mini 3m2 giá thuê 1.200 USD/tháng, chưa bao gồm phí quản lý, dịch vụ khác. Bên cạnh đó, mức độ cạnh tranh trong ngành tại khu vực này được đẩy lên cao điểm. Hàng loạt các hàng mọc lên cũng đồng thời có hàng loạt cửa hàng đóng cửa rất nhanh. Chẳng hạn, ngay trung tâm Takashimaya khai trương, khu ăn uống sầm uất tại đây đã thu hút một lượng khách không nhỏ từ Vincom và Parkson đổ sang.

Số lượng trung tâm thương mại, khu kinh doanh ăn uống tăng không tỉ lệ thuận với lượng khách, chủ yếu là di chuyển từ quán này sang quán khác theo trào lưu mới du nhập. Đây chính là một trong những áp lực lớn cho cả nhà đầu tư lẫn tiểu thương và thực sự nhiều mô hình kinh doanh cũng phải ngừng hẳn hoặc chuyển đổi chỉ sau một thời gian ngắn khi đưa vào vận hành. Trong khi đó, các khu ẩm thực trong trung tâm thương mại thường phải đi cùng với khu văn phòng và rạp chiếu phim vì nguồn khách từ 2 kênh này là chính, thậm chí có thể chiếm từ 80-90%. Do đó, những mô hình ẩm thực khác như vùng ven hay tầng hầm phải có những thay đổi phù hợp hơn để thu hút khách.

Đức Tài


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới