Hủy
Doanh Nghiệp

Minh Phú trong tay Mitsui

Viết Nguyên Thứ Ba | 21/05/2019 14:00

Dây chuyền chế biến tôm của Minh Phú. Ảnh:Quang Hiếu

Sau hợp tác với Mitsui, Minh Phú kỳ vọng sẽ đạt mục tiêu xuất khẩu 1 tỉ USD.
 

M itsui & Co vừa đạt được thỏa thuận mua lại 35,1% cổ phần tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú và sẽ trở thành ông chủ lớn nhất ở công ty này.

Đây là lần đầu tiên, Mitsui & Co, thông qua công ty thành viên MPM Investments tham gia vào Minh Phú (MPC) trong vai trò cổ đông lớn. Theo đó, Mitsui sẽ chi ra 17 tỉ yen Nhật (khoảng 155 triệu USD) để mua lại cổ phần của Minh Phú như thỏa thuận, thông qua đợt chào bán riêng lẻ và mua thêm cổ phần từ cổ đông.

Sáu năm trước, Mitsui từng đầu tư vào Minh Phú Hậu Giang (MPHG), một nhà máy chế biến thuộc Minh Phú. Kể từ đó, nhà đầu tư Nhật này đã có những hỗ trợ để giúp công ty Việt Nam vận hành tối ưu. Mitsui cũng từng hỗ trợ Minh Phú trong việc khai thác thị trường Mỹ và Nhật. Tuy nhiên, đứng trước những cơ hội mới từ nhu cầu tiêu thụ thủy sản tăng mạnh ở Nga và Trung Quốc, Mitsui & Co quyết định đầu tư vào công ty mẹ Minh Phú thay vì chỉ đầu tư MPHG.

Trong thông tin công bố, Mitsui đánh giá Minh Phú là doanh nghiệp có thế mạnh về nuôi trồng, chế biến và phân phối thủy sản. Các sản phẩm của Minh Phú cũng rất đa dạng, đạt chất lượng cao và đã được xuất khẩu sang 50 nước trên thế giới. Thực tế, Minh Phú hiện dẫn đầu ngành xuất khẩu tôm Việt Nam, chiếm 20% thị phần và đạt kim ngạch xuất khẩu năm 2018 là hơn 750 triệu USD (theo báo cáo thường niên mới nhất của Công ty). Thị trường lớn của doanh nghiệp này đều là những quốc gia khó tính như Mỹ, Nhật, Canada, Hàn Quốc, các nước châu Âu...

Minh Phú cũng đang sở hữu 2 nhà máy chế biến và tổ chức vùng nuôi đến 900ha. Đáng chú ý, Công ty đã đạt quy trình khép kín từ đầu tư nghiên cứu đến trại giống, vùng nuôi, thức ăn, sản xuất chế biến và xuất khẩu. Minh Phú cũng có thế mạnh về sản phẩm giá trị gia tăng khi mảng này chiếm gần 36% kim ngạch xuất khẩu của Công ty, tức chỉ đứng thứ 2 sau mảng tôm tươi. Do đó, đầu tư của Mitsui vào Minh Phú hứa hẹn nhiều cơ hội cho cả đôi bên.

Minh Phu trong tay Mitsui
 

Theo kế hoạch, Mitsui & Co sẽ áp dụng các sáng kiến đã được phát triển bên trong MPHG cho toàn bộ Minh Phú và tận dụng mạng lưới bán hàng toàn cầu của Mitsui & Co để gia tăng doanh số. Trong kế hoạch trung hạn, Mitsui & Co xác định các sản phẩm dinh dưỡng và nông nghiệp là một trụ cột tăng trưởng của tập đoàn này. Hiện nay, nhu cầu về nguồn cung chất đạm chất lượng cao và bền vững đang tăng lên dưới tác động của dân số thế giới tăng và sự mở rộng của tầng lớp trung lưu. Thông qua các khoản đầu tư, Mitsui & Co muốn nâng cao năng suất sản xuất, ổn định nguồn cung các sản phẩm chất lượng và có tính ổn định cho thị trường.

Đặc biệt,  tôm Việt Nam xuất đi Nhật sẽ được hưởng lợi từ Hiệp định CPTPP bởi đa số mặt hàng thủy sản có thế mạnh của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực như các mặt hàng cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc dưa, cá kiếm, một số loài cá tuyết, surimi, tôm, cua... Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), Nhật là nước nhập khẩu tôm lớn thứ 2 trên thế giới, chiếm khoảng 14% tổng giá trị nhập khẩu tôm của toàn thế giới những năm gần đây. Trung bình, Nhật nhập khẩu khoảng 2,5 tỉ USD tôm mỗi năm. Hiện tại, Việt Nam vẫn là nước cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật, chiếm 25,6% tổng giá trị nhập khẩu tôm vào nước này.

Đối với Minh Phú, bắt tay với Mitsui có nhiều lợi ích. Ngoài gia tăng quy mô, thị trường, thị phần và hiệu quả hoạt động, như Mitsui đã và sẽ tiếp tục hỗ trợ thì sự hiện diện của Mitsui còn mở ra cơ hội cho Minh Phú rút ngắn chặng đường đạt tới mục tiêu chiếm giữ 25% thị phần tôm toàn cầu trong 15-20 năm tới, từ con số 5% thị phần hiện nay (năm 2018).

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Minh Phú, cho biết: “Khi đạt được 25% thị phần toàn cầu, lợi nhuận tất yếu của Công ty sẽ đạt từ 25-30%”. Nhưng để chạm đến mục tiêu này, theo lãnh đạo doanh nghiệp, Minh Phú phải cần thực hiện nhiều việc. Đầu tiên là chủ động nguyên liệu với chất lượng tốt và giá thành thấp. Muốn vậy, Công ty cần đạt được 50% nguyên liệu tự nuôi, với giống tốt, công nghệ nuôi tốt và áp dụng công cụ Senser, trí tuệ nhân tạo (Al) để kiểm soát, quản lý vận hành vùng nuôi. Công ty cũng cần gia tăng hợp tác với các đối tác để xây dựng các nhà máy thức ăn tôm, đáp ứng nhu cầu vùng nuôi.

Chiến lược thứ hai mà Minh Phú phải thực hiện là sản phẩm tôm phải có giá trị cạnh tranh khác biệt. Đó là chú ý đến tôm sinh thái, hữu cơ, tôm nuôi trong nước biển có độ mặn 25 phần nghìn trở lên để tôm có hương vị thơm ngon, màu sắc đẹp... Minh Phú cũng phải cần đầu tư cho thương hiệu và quảng bá tôm ở nước ngoài.

Minh Phu trong tay Mitsui
 

Minh Phú dự kiến sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào trong nuôi trồng, sản xuất, chế biến. Đó là robot hóa và ứng dụng công nghệ Al, IOT vào trong quy trình chế biến tôm để cắt giảm từ 50-70% lao động và tăng lợi nhuận. Công ty còn hướng tới áp dụng nền tảng Blockchain để truy xuất nguồn gốc tôm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Song song đó, Minh Phú sẽ cần chuyển dần phương thức bán hàng từ B2B (cho doanh nghiệp) sang B2C (đến khách hàng) và trực tuyến.

Tất cả những chiến lược này, để hiện thực hóa mục tiêu đạt tới 25% thị phần tôm toàn cầu đều cần đầu tư vốn lớn cũng như sự hợp tác giúp sức của các tập đoàn lớn trên thế giới. Do đó, Mitsui là đối tác xứng tầm. Với lợi thế có văn phòng khắp thế giới và mạng lưới bán hàng phủ rộng tại 67 nước, Mitsui hứa hẹn đưa tôm Minh Phú thâm nhập nhiều thị trường mới. Ngoài ra, ông Lê Văn Quang từng nhận định, Mitsui có tiềm lực mạnh vì là 1 trong 5 công ty lớn nhất của Nhật, có hệ thống quản trị mạnh. Hợp tác với Mitsui, Minh Phú có cơ hội trở thành tập đoàn lớn, ảnh hưởng đến ngành tôm toàn cầu. Trước mắt, Minh Phú hy vọng sau khi hợp tác với Mitsui, kim ngạch xuất khẩu của Tập đoàn sẽ đạt 1 tỉ USD.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới