Hủy
Doanh Nghiệp

PAN dự kiến phát hành riêng lẻ 14,86 triệu cổ phiếu cho đối tác Nhật

Mai Hân Thứ Hai | 20/08/2018 17:18

PAN có thể sẽ hợp tác với Tập đoàn Sojitz nếu kế hoạch được thông qua.
 

Ngày 20.8.2018, Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (The PAN Group) đã chính thức gửi các tài liệu lấy ý kiến Đại hội đồng cổ đông bằng văn bản về việc phát hành cổ phần riêng lẻ. Thời gian lấy ý kiến là từ ngày 20.8.2018 đến ngày 4.9.2018.

Theo đó, PAN xin ý kiến cổ đông về kế hoạch chào bán tối đa hơn 14.86 triệu cổ phần phổ thông (tương đương giá trị theo mệnh giá hơn 148.6 tỉ đồng) cho đối tác Nhật Bản là Tập đoàn Sojitz. Nếu được thông qua, việc phát hành có thể diễn ra trong thời gian từ quý 3 đến quý 4.2018, qua đó đưa đối tác Nhật trở thành cổ đông lớn nắm tối đa 11% vốn điều lệ và có quan hệ hợp tác chiến lược với The PAN Group.

Hội đồng Quản trị đề xuất được Đại hội đồng cổ đông ủy quyền quyết định giá chào bán trên cơ sở đàm phán với nhà đầu tư, khả năng hỗ trợ của nhà đầu tư và tình hình thị trường… nhưng không thấp hơn 55.000 đồng/cổ phần. Cổ phần mới phát hành sẽ có thời gian hạn chế chuyển nhượng 1 năm. Thị giá cổ phiếu PAN hiện dao động quanh mức 58-59.000 đồng/cổ phiếu. Với giá phát hành tối thiểu trên, PAN sẽ thu về hơn 817 tỉ đồng nếu chào bán thành công. Hiện PAN có vốn điều lệ 1.202 tỉ đồng với các cổ đông chính gồm có SSI, NDH Invest, Tael Two Partners, Pyn Elite Fund...

PAN du kien phat hanh rieng le 14,86 trieu co phieu cho doi tac Nhat
 

Việc phát hành riêng lẻ được kỳ vọng sẽ giúp PAN có thêm cổ đông chiến lược để phát triển, đồng thời cũng có thêm nguồn lực để đầu tư, góp vốn tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty thành viên, thực hiện các dự án M&A trong lĩnh vực nông nghiệp, nguyên liệu và thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm đóng gói, đồ uống…

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT PAN Group đề cập trong phiên họp thường niên cuối tháng 4, một trong những công việc trọng tâm của doanh nghiệp này trong năm 2018 là chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn đẩy mạnh các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao khi quá trình đàm phán với đối tác ngoại kết thúc. Bên cạnh đó, công ty tiếp tục thực hiện các thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) doanh nghiệp cùng ngành nhằm đảm bảo tốc độ tăng trưởng doanh thu khoảng 70% và lợi nhuận 50% mỗi năm.

Sojitz đã mua khá nhiều cổ phần của doanh nghiệp Việt

Công ty đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm nay lần lượt đạt 8.768 tỉ và 538 tỉ đồng. Hai chỉ tiêu tài chính đều tăng trưởng mạnh so với năm trước, nhưng tốc độ không cân xứng do cơ cấu lợi nhuận không đề cập đến lợi thế từ M&A. 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đều ghi nhận tăng trưởng gấp đôi cùng kỳ năm trước, lần lượt 3.546 tỉ đồng và 205 tỉ đồng.

Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) gồm 400 công ty con và công ty liên kết, hoạt động thương mại tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tập đoàn kinh doanh đa ngành trên các lĩnh vực mua, bán, xuất nhập khẩu, sản xuất và cung ứng các sản phẩm dịch vụ, đồng thời kết nối nhiều dự án tại Nhật Bản và các quốc gia khác. Sojitz cũng đầu tư vào nhiều lĩnh vực, bao gồm cả hoạt động tài chính, như cây trồng, năng lượng, tài nguyên khoáng sản, thực phẩm, nông nghiệp, hàng tiêu dùng và khu công nghiệp.

Sojitz Corporation, trước đây là Nissho Iwai, là tập đoàn tài chính hoạt động với quy mô toàn cầu, nằm trong số 5 tập đoàn thương mại lớn tại Nhật Bản. Sojitz là tập đoàn tài chính có lịch sử hình thành hơn 150 năm.

Công ty Sojitz Việt Nam là một thành viên của Tập đoàn Sojitz, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực gồm đầu tư, thương mại và sản xuất tại nhiều nước trên thế giới. Đây cũng là một trong số các nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên được Chính phủ Việt Nam cho phép đặt văn phòng đại diện từ năm 1986.

Vào Việt Nam, Sojitz đã mua cổ phần của khá nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, thực phẩm. Gần nhất, Sojitz chi 91,2 triệu USD mua lại công ty Giấy Sài Gòn (Saigon Paper), thỏa thuận nhằm khai thác nhu cầu ngày càng gia tăng về giấy bìa cứng và khăn giấy ở Đông Nam Á đang có nhu cầu lớn. Sojitz cũng từng nâng tỉ lệ sở hữu tại công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ và Sản xuất Hương Thủy, nhà phân phối thực phẩm lớn của Việt Nam, từ 25,01% lên 51% vào năm 2012.

Ngoài ra, với cầu nối của Công ty Sojitz Việt Nam, cuối tháng 5 vừa qua, Tập đoàn Mavin đã đưa container thịt heo đầu tiên của Mavin đã cập cảng Yagoon-Myanmar và được đơn vị nhập khẩu thực hiện thông quan, kiểm dịch thành công. 2 bên đã ký biên bản ghi nhớ và sẽ tiếp tục cùng nhau xuất khẩu thịt heo sang Myanmar trong thời gian tới.

Sắp tới, có thể Sojitz sẽ đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, sau cuộc gặp thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa qua. Theo đó, tại buổi tiếp ông Masayoshi Fujimoto, Chủ tịch Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) ngày 1.3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn với tiềm năng mạnh mẽ của mình, Sojitz sẽ không ngừng mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, đóng góp nhiều hơn vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các lĩnh vực năng lượng sạch, nông nghiệp, an toàn thực phẩm của Việt Nam.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới