Hủy
Doanh Nghiệp

Thị trường game di động Việt Nam thu hút nhà mạng hàng đầu Nhật Bản

Thứ Ba | 06/06/2017 18:48

Thị trường game di động Việt Nam có thể đạt trị giá hơn 900 triệu USD vào năm 2020.
 

KDDI  (vốn là nhà mạng lớn thứ 2 Nhật Bản với khoảng 30 triệu thuê bao) đang dẫn đầu làn sóng các công ty Nhật Bản đổ bộ vào thị trường game di động (mobile game) tại Việt Nam. Theo dự kiến, thị trường này sẽ tăng trưởng gấp bốn lần trong vài năm tới, đạt giá trị hơn 100 tỷ yen (914 triệu USD) vào năm 2020.

Trong tháng 12/2016 vừa qua, KDDI đã hợp tác với MobiFone, nhà mạng lớn thứ hai của Việt Nam với 34,6 triệu thuê bao. Phía KDDI dự định bán các trò chơi di động tại Việt Nam thông qua một hệ thống tương tự như dịch vụ au Smart Pass của hãng ở Nhật Bản. Với giá khởi điểm 372 yen/tháng (3,4 USD), au Smart Pass đang cho phép khách hàng của KDDI tại Nhật dùng "thả cửa" nhiều trò chơi và ứng dụng với chi phí cố định hằng tháng.

Ban đầu, KDDI sẽ tập trung vào việc bán các nội dung giải trí của Việt Nam, nhưng có thể cung cấp thêm các nội dung giải trí Nhật sau khi theo dõi các xu hướng của người dùng.

Về phía MobiFone, nhà mạng này đã bắt đầu cung cấp dịch vụ tải nội dung từ tháng 7/2016, và đang hy vọng việc hợp tác với KDDI sẽ giúp doanh thu từ nội dung tăng khoảng 15-20%, theo Phó Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Một công ty Nhật khác là Fuji Technology (văn phòng chính tại Hà Nội) đã khởi động dịch vụ tải game vào cuối năm ngoái với "Ren-Q-Bu!", một trò chơi hẹn hò (dating sim) rất được người Nhật yêu thích. Vào ngày 27/6 tới đây, công ty dự định phát hành phiên bản tiếng Nhật của trò chơi nhập vai "Re: Monster".

Fuji Technology cho phép người dùng tải trò chơi miễn phí, và kiếm tiền từ việc bán các vật phẩm trong game. Công ty đang nhắm mục tiêu hơn 500.000 lượt tải trò chơi.

Thi truong game di dong Viet Nam thu hut nha mang hang dau Nhat Ban
Quy mô thị trường game di động Việt Nam (đơn vị tỷ yen) được dự báo sắp có tăng trưởng bùng nổ. Ảnh: Nikkei Asian Review

Để giảm chi phí phát triển, Fuji Technology đang bản địa hóa các trò chơi Nhật Bản cho thị trường Việt Nam. Khi số lượng người Việt Nam tới Nhật Bản tăng, Fuji cho rằng sự quan tâm đến các trò chơi của Nhật cũng sẽ tăng lên.

CEO Noriko Kato của Fuji Technology cho biết: "Hiện nay, nhiều người Việt Nam thích những trò chơi miễn phí trên điện thoại thông minh. Nhưng số lượng game thủ Việt Nam sẵn sàng trả tiền cũng đang gia tăng".

Vào tháng 9/2016, Fuji Technology đã tham gia góp vốn và kinh doanh với Bushiroad, một nhà phát triển các trò chơi bài tại Tokyo, với ý định bán các trò chơi Bushiroad.

Trò chơi di động đang trên đà bùng nổ

Các trò chơi di động bắt đầu thu hút nhiều người chơi tại Việt Nam vào năm 2016. Theo ước tính hiện tại, thị trường Việt Nam đang có hơn 150 trò chơi di động. Một số trong đó đã nên rất phổ biến như các trò chơi nhập vai "Võ Lâm Truyền Kỳ" và "MU Origin". Cả hai trò này đã được tải xuống hàng trăm ngàn lần.

Theo ước tính vào năm 2014, Việt Nam có khoảng 20 triệu game thủ, chủ yếu là giới trẻ. Những khu vực gần các trường đại học là nơi tập trung nhiều hàng Internet tốc độ cao, nơi các game thủ trẻ tuổi chơi thâu đêm suốt sáng.

Nhưng trong vài năm trở lại đây, nhiều game thủ đã rời bỏ hàng net để chuyển sang các trò chơi di động. Mạng di động chậm chạp của Việt Nam sẽ sớm có những cải thiện đáng kể trong năm nay, khi mạng 4G ngày càng được phủ sóng rộng rãi trên cả nước, giúp cho thị trường trò chơi điện thoại di động tăng trưởng mạnh.

Các máy chơi game video như Switch của Nintendo, vừa được tung ra ở Nhật Bản vào mùa xuân này, vẫn còn quá đắt đối với các game thủ Việt Nam.  Điều này khiến cho các trò chơi di động trở thành một ưu tiên hàng đầu khi thị trường trò chơi Việt Nam tiếp tục phát triển.

Quỳnh Như

Nguồn Nikkei Asian Review


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới