Hủy
Doanh Nghiệp

Thị trường xe tải: Cuộc đua hạng nặng

Thứ Ba | 09/06/2015 14:00

Ai sẽ về đích sớm và giành phần hơn trong miếng bánh thị trường xe tải? Câu trả lời còn chờ tương lai.
 

Nếu như ở thời điểm thành lập (2008), Hoàng Huy chỉ là doanh nghiệp nhỏ, lợi nhuận chưa tới 2 tỉ đồng thì hết năm 2014, mức lãi của Hoàng Huy đã tăng gấp 85 lần, đạt 135,8 tỉ đồng. Đặc biệt, 4 tháng đầu năm 2015, doanh thu  của Hoàng Huy đã gần bằng năm ngoái và lợi nhuận vượt xa con số cả năm 2014. Chính sự khởi sắc của thị trường ôtô đã giúp đẩy tăng nhu cầu, theo lý giải của ông Đỗ Hữu Hạ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Hoàng Huy.

Thực tế, từ đầu năm 2014 đến nay, Bộ Giao thông Vận tải liên tục tăng cường các biện pháp xử lý tải trọng xe, lập hơn 100 trạm cân di động, tăng khung hình phạt xe chở quá tải, siết chặt đăng kiểm, tiến đến không còn tình trạng xe chở quá tải trọng. Hàng loạt dự án đường cao tốc cũng được khánh thành khắp cả nước, đẩy ngành kinh doanh vận tải từ chỗ chuyên dùng xe tải nhỏ sang dùng xe tải trung và nặng nhằm chở đúng trọng tải, giảm giá thành, giảm chi phí "bôi trơn". Từ đây, thị trường ôtô đã mở ra cơ hội vàng cho các đơn vị tham gia.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ 5 tháng đầu năm 2015, bán lẻ ôtô đã tăng 20%, cao nhất trong nhóm hàng bán lẻ. Trong đó, do hưởng lợi từ ưu đãi thuế và giá rẻ hơn các dòng xe khác từ 5-15%, xe nhập khẩu Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường.

Trong bối cảnh đó, Hoàng Huy với lợi thế phân phối độc quyền dòng xe tải mang thương hiệu DongFeng (Trung Quốc), đã ăn nên làm ra. Mới đây, Hoàng Huy còn hợp nhất Công ty Hoàng Giang, đơn vị phân phối xe tải mang thương hiệu Sinotruk Howo (Trung Quốc) để nâng cao năng lực cạnh tranh. Công ty cũng công bố, tháng 6 này sẽ phân phối độc quyền dòng xe đầu kéo mang thương hiệu International Prostar, Transtrar của Mỹ. Dù không tiết lộ chi tiết nhưng những động thái trên cho thấy Hoàng Huy đang ráo riết chuẩn bị cho các mục tiêu xa hơn.

Với triển vọng ngành khả quan hơn, Hoàng Huy đã tăng mạnh vốn điều lệ từ 90 tỉ đồng lên trên 1.100 tỉ đồng, thu hút sự tham gia của 2 tổ chức đầu tư nước ngoài gồm Mutual Fund Elite (góp 7,27% vốn) và The Ton Poh Thailand Fund (5,32% vốn). Đó là lý do báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Đông Á nhận định, Hoàng Huy có khả năng bức phá trong dài hạn.

Về phía nhà lắp ráp, ông Mai Phước Nghê, Phó Tổng Giám đốc, phụ trách dòng xe thương mại của Công ty Ôtô Trường Hải (Thaco), nhận định, diễn biến khởi sắc của ngành ôtô sẽ còn tiếp tục trong ít nhất 3 năm tới. Với lợi thế về giá và nhờ khả năng thiết kế xe phù hợp nhu cầu mới, kinh doanh của Thaco năm 2014 đạt mức  tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Năm 2015, Thaco đặt mục tiêu bán ra 70.346 chiếc, trong đó xe tải/xe ben ước chiếm khoảng một nửa lượng tiêu thụ, tăng 72%. Để đạt mục tiêu này, ngoài tăng cường các hoạt động sản xuất bán hàng, Thaco còn ký hợp tác sâu hơn với Hyundai. Thay vì chỉ lắp ráp vài mẫu xe cho Hyundai như trước, tháng 7 tới đây, Thaco sẽ được lấp ráp tất cả các mẫu xe của Hyundai. Thaco cũng sẽ đưa vào phân phối một số xe Hyundai nhập khẩu.

Một số công ty ôtô khác như TMT cũng có sự chủ động riêng. Ông Bùi Văn Hữu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị TMT, cho biết, Công ty đã ký kết các hiệp định phân phối, cung cấp và chuyển giao công nghệ xe với Tata Motor của Ấn Độ. Kể từ tháng 8.2015, TMT sẽ là nhà phân phối các loại xe thương mại (xe tải, xe bus) cho Tata. Mục tiêu của Tata khi tham gia thị trường Việt Nam là cạnh tranh trực tiếp và đánh bại dòng xe Trung Quốc.

Thị trường ôtô tải đang khởi sắc - Ảnh: cafef.vn
Thị trường ôtô tải đang khởi sắc - Ảnh: cafef.vn

Các hãng xe như Hino, Isuzu... cũng không muốn nằm ngoài cuộc đua. Năm ngoái, Hino đã giới thiệu đến Việt Nam dòng sản phẩm Hino series 500. Đây là dòng xe tải bán chạy nhất của Hino, với mức tăng trưởng trên 100%. Tháng 7 năm ngoái, Mercedes - Benz Việt Nam (MBV) đã mua lại thương hiệu và trở thành đơn vị độc quyền nhập khẩu, lắp ráp và phân phối xe tải Fuso tại thị trường Việt Nam. Dự kiến năm 2015, Fuso Việt Nam sẽ sản xuất, phân phối khoảng 1.000 chiếc xe các loại, tăng hơn 50% so với năm trước. Nhà sản xuất xe tải Kamaz lớn nhất của Nga cũng muốn góp mặt khi đặt mục tiêu bán ra 500 xe tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp trong ngành ôtô, từ nhà lắp ráp đến đơn vị phân phối đang ra sức tăng tốc. Ai sẽ về đích sớm và giành phần hơn trong miếng bánh thị trường xe tải? Câu trả lời còn chờ tương lai. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng tốt của ngành ôtô tải, nhiều đơn vị rất muốn đặt chân lên lãnh địa này.

Ông Mai Phước Nghê, Thaco, cho rằng cơ hội còn nhiều cho tất cả. Tuy nhiên, nếu muốn trụ vững, quan trọng vẫn là các đơn vị đó phải làm tốt công tác bán hàng, dịch vụ và bán phụ tùng. Bởi thế, mục tiêu số 1 của Fuso không phải doanh số mà là hệ thống dịch vụ hậu mãi. Thaco cũng đặt mục tiêu xây dựng thêm 46 phòng trưng bày và dành 927,4 tỉ đồng cho công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới. Thaco sẽ ưu tiên sáng tạo các mẫu xe cho xe tải nặng, xe ben nặng nhằm đáp ứng tiêu chuẩn mới từ thị trường.

Viết Nguyên


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới