Hủy
Doanh Nghiệp

Triển vọng nào cho công nghiệp thực phẩm trong năm 2016?

Thứ Năm | 24/12/2015 16:52

Mở rộng thị trường nông thôn và phát triển các dòng thực phẩm tiện lợi được dự báo là các xu hướng lớn tại Việt Nam trong năm sau.
 

Trang tin tức chuyên ngành công nghiệp thực phẩm Just-food vừa đưa ra nhận định rằng Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển trong năm 2016 tới đây.

Tháng 1-2016 cũng chính là thời điểm Cộng đồng kinh tế chung ASEAN chính thức đi vào hoạt động, tạo ra một thị trường chung cho các nước thành viên thông qua việc dỡ bỏ hàng loạt rào cảo thuế quan. Ngoài ra, GDP của Việt Nam đang trên đà tăng trưởng với GDP quý III tăng lên gần 7% so với năm ngoái. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu và dòng vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đang ngày càng tăng. 

Tình hình kinh tế khởi sắc sẽ giúp cho tầng lớp trung lưu tại Việt Nam phát triển mạnh: theo các số liệu ước tính thì tầng lớp trung lưu tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên gấp đôi trong giai đoạn 5 năm tới. Điều này là một trong những nhân tố tích cực để ngành công nghiệp thực phẩm phát triển trong năm  2016.

Hiện tại, một số thương hiệu lớn trong ngành thực phẩm đang dẫn đầu thị phần tại Việt Nam bao gồm Nestle, Mondelez International và FrieslandCampina.

Trong đó, công ty Mondelez International đã hoàn tất việc mua lại đến 80% cổ phần của tập đoàn Kinh Đô vào hồi tháng 7/2015 . Sau thương vụ này, Mondelez đã tuyên bố sẽ tận dụng tối đa hệ thống sản xuất mà Kinh Đô đã tạo dựng trước đó, cũng như phát triển mạng lưới phân phối sâu rộng trên khắp cả nước.

Trong năm tới, thị trường Việt Nam sẽ ghi nhận nhiều hơn nữa các thương vụ M&A trong ngành thực phẩm, nhất là khi nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang tìm cách khai phá thị trường nông thôn Việt Nam, vốn có mức tăng trưởng khá cao. 

Haris Rahmanto, nhà phân tích chuyên về công nghiệp thực phẩm của Rabobank tại Indonesia, cho biết thị trường sản phẩm sữa tại khu vực nông thôn Việt Nam đang có mức tăng trưởng hàng năm là 20%, so với mức 4% tại các đô thị lớn.

Tuy nhiên, việc thâm nhập vào vùng nông thôn cũng không phải là chuyện dễ dàng, và các công ty nước ngoài được khuyên là nên tìm kiếm các đối tác nội có nhiều hiểu biết và kinh nghiệm hơn.

Lianne van den Bos, nhà phân tích của Euromonitor International, cho biết các công ty nội địa của Việt Nam có sẵn ưu thế về mức độ am hiểu thị trường: "Các công ty nội thường nắm được thị hiếu và sở thích của người tiêu dùng một cách nhanh chóng hơn, cũng như có thể có chi phí sản xuất thấp hơn. Những tập đoàn quốc tế rõ ràng là có lợi thế nhờ quy mô lớn hơn, nhưng việc thiếu cơ sở sản xuất tại đây hay thiếu hiểu biết về thị trường có thể là rủi ro lớn".

Vì thế, cũng không có gì ngạc nhiên khi hiện nay công ty Vinamilk vẫn đang dẫn đầu thị trường sữa với hơn 50% thị phần.

Ngoài ra, khi thu nhập trung bình của người dân Việt Nam (GNP) tăng lên sẽ mở ra nhiều cơ hội cho dòng sản phẩm thực phẩm tiện lợi.

"Số lượng nhân viên văn phòng tăng ca đang ngày càng nhiều hơn, và số lượng những bà mẹ đi làm cũng tăng theo đáng kể. Do đó, chúng tôi nhận thấy rằng người tiêu dùng Việt đang dần bắt đầu ưu tiên cho các sản phẩm thực phẩm tiện lợi như ngũ cốc, thanh năng lượng, nói chung là bất cứ thứ gì mà người ta có thể ăn trên đường đi làm", bà Lianne nhận định. 

Đinh Hạnh

Nguồn Just-food


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới