Hủy

6 tác động lớn nhất của TPP đến kinh tế Việt Nam

Thứ Hai | 03/08/2015 15:57

TS.Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR nhận định TPP có tác động vô cùng lớn đến kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, tới từng doanh nghiệp và người tiêu dùng.
 

Sáng ngày 3/8, Viện Nghiên Cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) lần đầu tiên tổ chức Hội thảo Đánh giá tác động của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đến kinh tế Việt Nam.

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR nhận định TPP có tác động vô cùng lớn đến kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, tới từng doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chính vì vậy, từ bài học từ WTO, TS. Thành cho rằng cần phải có sự chuẩn bị thật kĩ để tận dụng được những cơ hội to lớn mà TPP mang lại.

"TPP được đàm phán rất nhanh, chỉ còn một số vướng mắc nhỏ sự tác động đến nhiều lĩnh vực mới như: Viễn thông, mua sắm chính Phủ, nhập cảnh... Nếu không chuẩn bị kĩ những lợi thế và bất lợi của TPP sẽ đan xen vào nhau dẫn đến những mất kiểm soát”, ông Thành nói.

Báo cáo của VEPR đã chỉ ra 6 tác động lớn nhất của TPP vào nền kinh tế Việt Nam:

Thứ nhất, nhập khẩu gia tăng trong khi xuất khẩu có xu hướng giảm, Việt Nam cần có những chính sách hỗ trợ pháp lí để thúc đẩy phát triển những ngành có lợi thuế so sánh nhằm tăng năng suất và sức cạnh tranh của hàng hoá trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

Với những ngành sẽ được lợi sau khi TPP có hiệu lực như: Dệt may, thuỷ sản, nông sản…cần chủ động các nhân tố lao động, vốn, đất đai và các tài nguyên khác. Với các ngành kém được lợi thế sau TPP: Chăn nuôi,…cần tái cơ cấu để tăng năng suất, hiệu quả hơn.

Theo kết quả nghiên cứu, gia nhập TPP Việt Nam sẽ được gia tăng về tiêu dùng và đầu tư, đặc biệt là các ngành công nghiệp nhẹ như may mặc, dệt, da giày, tăng sản lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, các ngành này đòi hỏi lao động giá rẻ để thu hút đầu tư.

Một khi mức lương của Việt Nam tăng liên tục, những nhà đầy tư nước ngoài không bám rễ tại đây có thể sẽ tìm kiếm và lựa chọn các nước khác để đầu tư. Do đó, Việt Nam không nên phụ thuộc vào những lợi ích ngắn hạn mà TPP mang lại, mà còn phải tiếp tục và đẩy mạnh những nỗ lực cải cách trong các lĩnh vực đã thảo luận ở trên.

Thứ hai, khi TPP được thực thi, các dòng thuế quan sẽ giảm dần về 0% khiến cho doanh thu về thuế giảm. Điều này ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, khiến cho Chính Phủ có thể tìm cách bù đắp nguồn thâm hụt này bằng các nguồn lực khác như tăng các loại thuế khác, tăng vay nợ hoặc cắt giảm chi tiêu thường xuyên, trợ cấp hoặc đầu tư công nhằm giữ ổn định ngân sách.

Tuy nhiên, một số chính sách có thể cản trở nỗ lực hồi phục nền kinh tế, tăng khả năng xảy ra bất ổn định kinh tế vĩ mô và khuyến khích được sản xuất và tiêu dùng, tránh gây ra những mâu thuẫn đi ngược với các nỗ lực chính sách khác. Các chính sách nên tập trung vào chi tiêu thường xuyên.

Thứ ba, việc tham gia TPP không chỉ đòi hỏi các nước tham gia cắt giảm các hàng rào thuế quan mà còn đòi hỏi cắt giảm những hàng rào phi thuế quan như các chi phí vận chuyển, thủ tục chờ đợi nhập khẩu… TPP đóng vai trò chiến lược trong việc tái cấu trúc các luồng thương mại và đầu tư thế giới.

Đặc biệt, sau khi tham gia TPP, Việt Nam cần phải điều chỉnh cả những yếu tố thương mại như những nội dung liên quan tới lao động, quyền sở hữu trí tuyệ… Do đó, việc thực hiện theo các cam kết trong TPP đòi hỏi những thay đổi về chính sách và pháp luật trong nước.

Thứ tư, khẳng định sự cấp thiết phải tiến hành cải cách thể chế, tự do hoá thị trường các yếu tố đầu vào như lao động, vốn, đất đai. Hội nhập mà không đi liền với những cải cách này thì không những sẽ khiến Việt Nam khó tận dụng được những cơ hội tốt mà còn có thể dẫn đến suy giảm, ví dụ trong kim ngạch xuất khẩu, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Không sớm thì muộn, Việt Nam sẽ không còn khả năng duy trì lợi thế về lao động giá rẻ khi mà nhu cầu về lao động có kỹ năng tăng lên và không thể duy trì được tăng trưởng kinh tế trong nước giống như trường hợp của Trung Quốc hiện nay.

Sự dịch chuyển tự do của lao động không chỉ trong nước mà cả giữa các nước, đầu tư mạnh vào giáo dục. Nền kinh tế rất cần những lao động có kỹ năng giúp tận dụng được những cơ hội mà hội nhập đem lại.

Thứ năm,các nước sẽ có xu hướng áp dụng các hàng rào kỹ thuật thay thế để bảo vệ các ngành sản xuất nội địa của mình.

Hiện nay, trình độ và công nghệ liên quan đến việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam còn rất hạn chế. Do vậy, biện pháp này chưa được Việt Nam áp dụng trong khi một số mặt hàng của nước ta sau khi không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật do một số nước đặt ra đã phải trả về.

Để cải thiện tình trạng này, Chính Phủ cần tăng cường hỗ trợ nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật hợp lý khi mà các hàng rào thuế quan bị đỡ bỏ nhằm bảo vệ sản xuất trong nước đối với những ngành cần được khuyến khích đồng thời hỗ trợ các nhà xuất khẩu của Việt Nam trong việc đáp ứng các điều kiện về kỹ thuật khi xuất sang các nước bạn hàng.

Thứ sáu, với những ưu đãi khi gia nhập TPP, đầu tư của Việt Nam sẽ tăng mạnh với sự gia tăng của các dòng thương mại, các nước trong khối sẽ tăng cường đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với Việt Nam trong việc thu hút và sử dụng hiệu quả dòng vốn FDI. Bởi vậy, việc cải cách hành chính, chính sách đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ nhằm tận dụng những lợi ích TPP đem lại.

Nguồn NDH


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới