Hủy

Chứng khoán Việt Nam và món "ngon" TPP

Thứ Tư | 05/08/2015 11:08

"Vỡ mộng" TPP ở Hawaii khiến cho các cổ phiếu dòng TPP sụp đổ
 

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một món "đặc sản" không dễ ăn trên "bàn tiệc" thị trường chứng khoán Việt Nam. Rất nhiều nhà đầu tư đã phải cắt lỗ vì thưởng thức món đặc sản này do đàm phán TPP bất ngờ thất bại tại Hawaii.

"Vỡ mộng" TPP ở Hawaii: Cổ phiếu dòng TPP "đổ đèo"...

TPP sẽ không được kí kết bởi cuộc đàm phán tại HaWaii (Hoa Kỳ) diễn ra vào chiều ngày 31/7 đã thất bại. Việc này tưởng chừng như chỉ ảnh hưởng lớn đến nhóm cổ phiếu dẫn dầu đón sóng TPP nhưng sắc đỏ đã bao phủ cả thị trưởng ngày 3/8.

TPP phải dừng bước bởi những bế tắc xung quanh các vấn đề về thương mại quốc tế đã tồn tại trong nhiều thập kỷ như tiếp cận thị trường sữa ở Canada, thị trường đường ở Mỹ và thị trường gạo ở Nhật Bản.

Australia, Chile và New Zealand cũng tiếp tục phản đối việc Mỹ muốn bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm của các công ty dược phẩm lên tới 12 năm.

Hay như Malaysia và Việt Nam phản đối một số sáng kiến của TPP như mở cửa việc mua sắm chính phủ cho các nhà thầu nước ngoài, bán cổ phần với tỷ lệ lớn tại các doanh nghiệp nhà nước, thực thi nghiêm ngặt các biện pháp bảo vệ bản quyền trong ngành dược phẩm điều có thể khiến giá dược phẩm tăng mạnh.

Trên thực tế, trong phiên ngày 3/8, hàng loạt các cổ phiếu tăng mạnh trước đó do kỳ vọng sẽ được hưởng lợi lớn nhất từ TPP bắt đầu "đổ đèo". Kết cục, TPP đã "cuốn trôi" 12 điểm của VNindex.

Cụ thể HVG giảm 6,8%, TCM giảm 7%, TNG giảm 9,8%, KMR giảm 6,3%,... Nhiều mã cổ phiếu dư bán sàn lên tới hàng triệu đơn vị.

TPP được coi là chất xúc tác hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt nửa đầu năm 2015. Nhà đầu tư tỏ ra hào hứng với thứ "đặc sản" mà hội nhập mang lại.

Rất nhiều tổ chức nghiên cứu, báo cáo đánh giá về tác động của TPP lên các nhóm cổ phiếu hưởng lợi, khiến dòng tiền đầu tư đã dịch chuyển từ nhóm cổ phiếu đầu cơ, hay ngân hàng, bảo hiểm...sang nhóm cổ phiếu đón sóng TPP.

Trong báo cáo của Dragon Capital nhận định: "Nếu TPP được kí kết, kinh tế Việt Nam sẽ có bước chuyển mình và tăng trưởng cao. TPP sẽ giúp thị trường chứng khoán đi lên trong dài hạn, chứng khoán VN sẽ đặc biệt sôi động".

Nghiên cứu của VEPR cho hay, Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi lớn nhất khi gia nhập vào cộng đồng này. GDP tăng lên 2%,xuất khẩu liên tục tăng nhanh; hiện ở mức 38-39% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, Mỹ và Nhật hiện là 2 thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam trong TPP.

Thực tế trong suốt quá trình 5 năm đàm phán, TPP đã có nhiều vòng đàm phán thất bại tồi tệ hơn, nhưng sự thất bại ở Hawaii khiến nhiều nhà đầu tư vỡ mộng do kỳ vọng trước đó quá lớn, đặc biệt sau khi Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Quyền đàm phán nhanh TPA. Kết quả là lệnh bán ra ồ ạt bởi nhà đầu tư hoài nghi về khả năng kí kết TPP được hoàn tất trong năm nay.

Trong dự báo ngắn hạn, các CTCK thậm chí còn nhận định thất bại ở Hawaii sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường mặc dù các vòng đàm phán sẽ được nối lại vào cuối tháng 8/2015

Có TPP trong năm nay hay không?

Thực chất không ai có thể trả lời câu hỏi này được bởi phụ thuộc vào sự thoả hiệp của các nước trong cuộc đàm phán cấp Bộ trưởng sắp diễn ra vào cuối tháng 8 tới đây.

Tuy nhiên, NDH có tham vấn một số ý kiến của các chuyên gia nhận định riêng về khả năng kí kết TPP.

TS. Lê Đăng Doanh: TPP phải chạy nước rút trong tháng 8 nếu không sẽ bị Mỹ lãng quên!

TPP đã kết thúc 98% chặng đường, còn 2% nữa các nước chưa thống nhất được. Có câu tục ngữ là "Đường đi 100 dặm, đi được 90 dặm mới là nửa đường". Điều này có nghĩa là, 2% còn lại của Hiệp định nếu không được thông qua thì chúng ta sẽ không có không có TPP. Tôi cho rằng 2% đó là xương xẩu nhất của Hiệp định.

Hi vọng tới cuối tháng này khi Bộ trưởng đàm phán lại và sẽ kết thúc. Lợi ích từ TPP rất lớn nên mong rằng các nước có thể thống nhất với nhau.

Nếu như sau tháng 8 này các bên không thống nhất được thì nước Mỹ sẽ đi vào chiến dịch tranh cử Tổng Thống cho nhiệm kì mới, lúc này người Mỹ không quan tâm đến TPP nữa. Còn việc Tổng thống mới đắc cử có chịu làm TPP nữa không thì là việc chưa nói trước được nhưng mức độ rủi ro sẽ lớn hơn.

Còn việc, các nước không đạt được tiếng nói chung cũng không có gì bất ngờ bởi mỗi một nước chọn một con đường mình có lợi nhất. Chẳng hạn, New Zealand xuất khẩu sữa thì đòi Mỹ, Nhật Bản mở cửa thị trường sữa.

Hay như Mỹ bảo hộ thị trường dược phẩm bằng cách giữ bản quyền bằng phát minh, thời hạn kéo dài 12 năm. Thị trường dược phẩm Việt Nam như hiện nay thì giá thuốc tăng lên, chi phí tăng lên, người nghèo sẽ khó tiếp cận chữa bệnh. Nhiều nhà bác học, nổi tiếng ở Mỹ đã lên tiếng phản đối, tôi cũng phản đối sự vô lý đó đối với những công ty độc quyền của Mỹ.

Đối với Việt Nam, vấn đề người lao động được quyền tự do lựa chọn công đoàn nhưng Việt Nam đã kí kết về công ước về người lao động của ILO. Vừa rồi trong thông cáo chung khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Mỹ thì hai bên đã có thống nhất rồi. Có nguồn tin cho biết, hai bên Việt-Mỹ đã đàm phán song phương và đi đến thống nhất.

TS. Nguyễn Đức Thành: Vẫn có khả năng kí kết TPP trong năm nay

Vừa rồi vòng đàm phán ở cấp Bộ trưởng ở Hawaii tôi rất hi vọng có thể kết thúc được, nhưng đến bây giờ vẫn chưa hoàn thành. Việc này có thể làm tiến trình kí kết TPP chậm lại, liên quan đến chu kỳ chính trị của Mỹ, sự nghiệp của Tổng thống Obama.

Về mặt dài hạn, tôi vẫn cho rằng TPP sẽ tiếp tục được phát triển và sẽ hướng đến một khu vực kinh tế tự do chung. Tuy nhiên, ngay trong những tháng tới, tình hình đàm phán có thể sẽ vấp và lui lại một thời gian. Trong năm nay vẫn có khả năng kết thúc được TPP nhưng tuỳ thuộc rất nhiều vào nỗ lực và sự thoả hiệp của phía Mỹ và Nhật Bản.

Điểm vướng mắc lớn nhất của TPP hiện nay là những quyền lợi cốt lõi của những khu vực kinh tế, ngành kinh tế, sản xuất công nghiệp…của các nước tham gia vào đàm phán. Mỗi nước đều có những "tử huyệt” có thể gọi là giá trị cốt lõi ở trong những nhóm công nghiệp, nông nghiệp… Hiện nay các nước vẫn chưa tìm được những tiếng nói chung, ví dụ như Nhật là vấn đề nông nghiệp.

Mỗi nước đều tìm cho mình một đòi hỏi, yêu sách để đàm phán. Tôi nghĩ rằng các nước sẽ thoả hiệp lẫn nhau để đi tới kí kết. Theo tôi biết, Việt Nam rất tích cực đàm phán để gia nhập TPP trong năm nay mặc dù vẫn còn những rào cản trong các ngành sản xuất liên quan đến dược phẩm, y tế, nông nghiệp, mua sắm công, lao động, bản quyền sở hữu trí tuệ...

Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương: Đã kết thúc đàm phán song phương với các nước trong khối TPP

Ngày 3/8,Vụ chính sách thương mại đa biên cho biết, từ ngày 28- 31/7 tại Hawaii, Bộ trưởng 12 nước tham gia TPP đã nhóm họp để kết thúc đàm phán Hiệp định TPP.

Theo đó,các nước TPP đã đạt được tiến bộ đáng kể, chỉ để lại một số ít các vấn đề cần thêm thời gian tham vấn trong nước. Đồng thời, các nước TPP cam kết sẽ tiếp tục duy trì động lực đàm phán để giải quyết các vấn đề còn tồn tại này.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã làm việc và đàm phán song phương với Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Michael Froman, Bộ trưởng Amari phụ trách đàm phán TPP của Nhật Bản,... Sau cuộc đàm phán này, Việt Nam đã kết thúc tất cả các đàm phán song phương với các nước trong khối.

Nguồn NDH


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới