Hủy

Cơ khí nông nghiệp đón sóng đầu tư lớn

Thiên Phong Thứ Ba | 21/02/2017 12:30

Mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp của Việt Nam còn thấp, trung bình chỉ đạt 1,6 mã lực/ha canh tác.
 

Có đến 95% thị trường máy xay xát lúa gạo nằm trong tay các công ty tư nhân ở đồng bằng sông Cửu Long, nhưng con số này không thể là minh chứng cho sức mạnh của nền cơ khí nông nghiệp Việt Nam, khi đất nước vẫn phải nhập khẩu gần như toàn bộ các loại máy móc phục vụ cho các khâu hoạt động khác. Một đất nước nông nghiệp có nền cơ khí nông nghiệp còn yếu, nhưng đây cũng là cơ hội cho các nhân tố mới. Liệu điều này có thay đổi khi các nhà đầu tư lớn bắt đầu nhảy vào?

Nhân tố mới

Cuối năm 2016, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco), tuyên bố sẽ nhảy vào cuộc chơi nông nghiệp, có thể là một khởi đầu bằng mô hình cánh đồng mẫu lớn áp dụng công nghiệp hóa mọi khâu sản xuất. Tuy nhiên, đầu năm 2017, Thaco lại tuyên bố sẽ làm nông nghiệp bắt đầu từ cơ khí.

Câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn, bởi trong làn sóng các tập đoàn tư nhân lớn đầu tư nông nghiệp thường chọn trồng cây, nuôi cá, thì Thaco lại bắt đầu với các máy nông cơ.

Lý giải cho việc lấn sân sang máy nông nghiệp, theo ông Dương, là do nền nông nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, theo hướng công nghiệp hóa và tăng mức độ cơ giới trong sản xuất. Giống như lĩnh vực sản xuất xe ô tô, Thaco chọn cách bắt tay với một tập đoàn nước ngoài để lắp ráp và phân phối sản phẩm độc quyền ở Việt Nam, được mang thương hiệu Thaco. Theo đó, Thaco đã ký kết hợp tác với Tập đoàn LS Mtron (Hàn Quốc). Dù nói là lấn sân sang lĩnh vực mới nhưng trên thực tế, mảng máy móc nông nghiệp này vẫn nằm trong cốt lõi ngành cơ khí của Thaco. Nhà máy sản xuất máy nông nghiệp sẽ được đặt tại Khu kinh tế mở Chu Lai, Quảng Nam, cũng là đại bản doanh của Thaco.

Thaco không phải là nhân tố tư nhân duy nhất được kỳ vọng sẽ góp phần làm thay đổi nền cơ khí nông nghiệp Việt Nam. Năm ngoái, doanh nghiệp lớn nhất trong ngành là Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM) cũng vừa cổ phần hóa, sau khi bán được gần 90% số cổ phần đấu giá trong phiên IPO. Trong đó, khối ngoại mua 30 triệu cổ phần, còn nhà đầu tư nội địa mua gần 80 triệu cổ phần. Cho đến nay, vẫn chưa rõ nhà đầu tư nội địa chiến lược của VEAM là ai, nhưng trước phiên đấu giá, Công ty Motor N.A Việt Nam (một công ty có quan hệ với Tập đoàn BRG) tỏ ý mua tối thiểu 36% cổ phần.

VEAM hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, sở hữu nhiều công ty con, công ty liên kết là các nhà sản xuất cơ khí nằm rải rác ở Việt Nam, phân khúc sản phẩm rộng và bao phủ tất cả các khâu trong chuỗi giá trị của ngành nông nghiệp (nhưng chủ yếu vẫn là cây lúa). Dựa vào doanh thu hợp nhất năm 2016 đạt 11.315 tỉ đồng, có thể ước lượng quy mô thị trường mà VEAM đang tham gia cũng vào khoảng gần 50.000 tỉ đồng.

Đối lập với các công ty tư nhân lớn và công ty nhà nước là các công ty gia đình chiếm lĩnh thị trường địa phương với quy mô nhỏ. Ở miền Nam, một doanh nghiệp tư nhân nổi tiếng có thể kể đến là Công ty Bùi Văn Ngọ, nhưng quy mô doanh thu mảng cơ khí năm ngoái chỉ khoảng hơn 500 tỉ đồng. Trong khi đó, một nhóm người chơi chính trong lĩnh vực nông cơ hiện nay lại là các... nhà nông. Các thợ cơ khí nông thôn phần lớn xuất thân từ những người thợ sửa chữa máy cày, máy kéo tự học. Những người thợ này tự tu bổ, phục hồi và bổ sung chức năng các loại máy động lực nhập khẩu đã sử dụng (chủ yếu từ Nhật), sau đó bán ra thị trường.

Thị trường cũ

Thị trường nông cơ còn đủ chỗ cho tất cả các nhà đầu tư vì tỉ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp còn rất thấp. Theo số liệu của Bộ nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp của Việt Nam trung bình đạt 1,6HP/ha canh tác, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (4HP/ha), Trung Quốc (8HP/ha), Hàn Quốc (10HP/ha). Hiện nay, Việt Nam phải nhập khẩu gần 70% số máy móc phục vụ nông nghiệp, phần lớn trong số đó có nguồn gốc từ Trung Quốc (60%). Thị phần còn lại dành cho các doanh nghiệp Việt, trong đó VEAM chiếm khoảng 25%.

Co khi nong nghiep don song dau tu lon
Tỉ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp ở Việt Nam còn rất thấp. Ảnh: veam.com.vn

Ở đồng bằng sông Cửu Long, việc cơ giới hóa canh tác được thực hiện chủ yếu trong ngành trồng lúa, mía đường. Ngược lại, tỉ lệ này còn rất thấp với các cây trồng cạn khác ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên. Trên thực tế, có rất nhiều loại máy nông nghiệp, phụ thuộc vào quy trình canh tác, thu hoạch các loại cây trồng khác nhau, điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của từng vùng miền.

Dù tiềm năng nhưng lĩnh vục nông cơ vẫn là cuộc chơi chính của những nhân tố nước ngoài, trong khi VEAM và các công ty con cũng chỉ là sản xuất theo đơn đặt hàng chứ chưa có gì đổi mới trong nhiều năm qua, theo các chuyên gia trong ngành. Bản thân Thaco hiện cũng chỉ sản xuất theo mẫu mã, công năng của Hàn Quốc.

Các công ty Nhật cũng đang tăng cường đầu tư tại Việt Nam, thể hiện rõ qua bài học ở đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, các xưởng cơ khí nông thôn đã giải quyết được 3 điểm yếu của máy gặt đập liên hợp (cũng được chế tạo lại từ máy đã sử dụng của Nhật) là chạy được trên nền đất yếu, gặt được lúa đổ ngã, tỉ lệ gặt sót thấp. Tuy nhiên, vì năng lực sản xuất nhỏ, trình độ chế tạo máy thủ công và không có nguồn vốn nên các xưởng cơ khí nông thôn không thể sản xuất đồng loạt, đồng nhất mẫu mã, năng suất và chất lượng máy. Ngược lại, tập đoàn Kubota (Nhật) đã tận dụng được điều này và chiếm lĩnh thị trường máy gặt đập liên hợp.

“Các xưởng cơ khí nhỏ ở đồng bằng sông Cửu Long đã thua trên ruộng nhà, bằng chính các giải pháp kỹ thuật thích nghi của mình vì không ai giúp đỡ tài chính và các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí chế tạo máy nông nghiệp”, kỹ sư Nguyễn Thể Hà, chủ nhiệm Câu lạc bộ hỗ trợ nông gia đồng bằng sông Cửu Long, Ủy viên Ban chế tạo máy Động lực và máy nông nghiệp, Hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, cho biết.

Theo ông Hà, lĩnh vực nông cơ đối mặt với 2 vấn đề quan trọng cần giải quyết. Thứ nhất là chất lượng kim loại của chi tiết máy nông nghiệp chưa được đầu tư đúng mức, chủ yếu ở các khâu công nghệ rèn, đúc chi tiết máy, công nghệ gia công và công nghệ nhiệt luyện để tăng độ bền và tuổi thọ chi tiết máy. Bài toán thứ hai quan trọng không kém là chất lượng nguồn nhân lực, hiện chủ yếu chỉ đào tạo theo kiểu “cầm tay chỉ việc” tại các xưởng cơ khí nông thôn, trong khi bao lâu nay các trường đại học thu hẹp quy mô đào tạo lĩnh vực cơ khí vì đầu tư cơ sở vật chất tốn kém (các loại máy để thực hành).

Thực tế này cho thấy ngành nông cơ hiện nay chưa nhận được sự đầu tư đúng mức. Bản thân Nhà nước đề ra nhiều chủ trương và chính sách tốt thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nhưng việc tổ chức thực thi chưa đem lại kết quả như mong đợi, ông Hà cho hay.

Những khó khăn này yêu cầu sự thay đổi ở tầm vĩ mô. Trong khi đó, sự tham gia của những nhân tố tư nhân trường vốn như Thaco là điều thị trường đang mong đợi “làm mới” thị trường cũ, dù cho hướng đi về mặt sản phẩm còn chưa rõ ràng. Thaco cho biết sẽ tham gia nghiên cứu quy hoạch canh tác và nghiên cứu thiết bị chuyên dùng phục vụ cho chuỗi giá trị của ngành nông nghiệp.

“Nông nghiệp Việt Nam phải được cơ giới hóa bằng các loại máy cày kéo, máy làm đất, máy bơm nước mới, máy sạ lúa do ngành cơ khí nông nghiệp trong nước sản xuất. Không làm được điều này, ngành công nghiệp chế tạo máy nông nghiệp còn nợ nông dân”, ông Hà kết luận.

Thiên Phong


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới