Hủy

Đã tới lúc “rút bình thở” các đại dự án thua lỗ?

Hoàng Hạnh Thứ Ba | 25/07/2017 07:30

cafeland.vn

Tình trạng đầu tư yếu kém của các doanh nghiệp nhà nước, dẫn đến nguy cơ thua lỗ và mất vốn nhà nước hàng chục ngàn tỉ đồng.
 

Nếu không cổ phần hóa triệt để, lời đe doanh nghiệp nhà nước tự vay tự trả theo tinh thần của dự thảo Luật Quản lý nợ công sửa đổi chỉ là răn đe yếu ớt của bố mẹ với những đứa con khó bảo.

12 dự án vay 42.000 tỉ đồng, lỗ 16.100 tỉ đồng

Không có thêm sự nhân nhượng nào nữa với 12 đại dự án thua lỗ ngành công thương. Theo chỉ đạo, Nhà nước sẽ không bỏ thêm tiền để xử lý thua lỗ. Quyết định này được đánh giá là hợp tình, hợp lý, bởi lẽ những sự ưu ái cho nhóm dự án nói trên dù muốn hay không cũng đã tước đoạt cơ hội và nguồn lực của các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế. Không thể một lần nữa tận dụng nguồn lực chung của xã hội để tiếp sức cho con bệnh nặng. Hơn nữa, cân đối ngân sách nhà nước đang khó khăn, thì tiền đâu để nuôi những doanh nghiệp “phá gia” này?

Tuy nhiên, vẫn còn một nửa bài toán chưa có lời giải: những khoản nợ các dự án trên sẽ được xử lý ra sao? Phải lưu ý rằng, đây là con số không hề nhỏ. Theo số liệu do Bộ Công Thương công bố, tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án là hơn 43.673 tỉ đồng, sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên hơn 63.610 tỉ đồng (tăng 45,65%); tổng số lỗ lũy kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm 31.12.2016 lên tới hơn 16.126 tỉ đồng, trên tổng số vốn chủ sở hữu của các nhà máy này còn lại là hơn 3.985 tỉ đồng.

Đạm Ninh Bình là dự án đầu tiên mạnh dạn đề xuất giải pháp xử lý vấn đề này. Đầu tháng 7, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đề nghị Chính phủ đứng ra trả nợ thay cho Đạm Ninh Bình khoản vay 125 triệu USD từ Ngân hàng China Eximbank của Trung Quốc. Ngay lập tức, dư luận đã phản đối mạnh mẽ vì những sự phi lý trong đề xuất này của Vinachem. Thứ nhất, Vinachem dù được đánh giá là vẫn có khả năng thu xếp vốn nhưng lại không nhận trách nhiệm trả nợ. Thứ hai, việc Nhà nước trả nợ thay cho doanh nghiệp không chỉ phi thị trường, khoét sâu vào sự bất bình đẳng giữa các khối doanh nghiệp mà còn tạo nên tiền lệ xấu.

Chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực thống kê Vũ Quang Việt đã khẳng định, khu vực công theo định nghĩa của Hệ thống Tài khoản quốc gia của Liên hiệp Quốc 2008 bao gồm cả Chính phủ và doanh nghiệp nhà nước nên có thể coi nợ công là tổng của nợ chính phủ và nợ của doanh nghiệp nhà nước. Đồng nghĩa, chủ thể phải chịu trách nhiệm cho những khoản nợ nói trên vẫn là Nhà nước.

Da toi luc “rut binh tho” cac dai du an thua lo?

Điều này hoàn toàn dễ hiểu, bởi lẽ, chẳng có ai lại mơ hồ đến mức cấp vốn cho những dự án đã nhiều lần đội vốn, máy móc lạc hậu, lỗ liên tiếp nhiều năm. Mặt khác, trừ trường hợp làm ăn có lãi, điều gần như không có khả năng với 12 đại dự án tai tiếng nói trên, việc thu xếp vốn để trả nợ cho những dự án này suy cho cùng vẫn là rút tiền từ túi Nhà nước. Để doanh nghiệp và cơ quan chủ quản “đóng cửa bảo nhau” có thể còn tiềm ẩn những rủi ro tham nhũng khó kiểm soát, đây nhiều khi cũng là cơ hội lập lờ đánh lận con đen. Vậy đâu là lối thoát cho ma trận này?

Hóa giải những nghịch lý

Tình trạng đầu tư yếu kém của các doanh nghiệp nhà nước, dẫn đến nguy cơ thua lỗ và mất vốn nhà nước hàng chục ngàn tỉ đồng. Trao đổi với NCĐT, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Cao Đoàn, Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng trước hết, phải thẳng thắn, nguyên nhân khiến các dự án, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ trầm trọng và kéo dài là do chúng được vận hành theo cách thức phi thị trường. Quy luật thông thường của nền kinh tế là tiền phải sinh ra lợi nhuận. Trong trường hợp tiền không sinh lời mà lại còn có nguy cơ mất vốn, doanh nghiệp buộc phải phá sản. Thế nhưng, trong trường hợp các đại dự án thua lỗ nói trên, làm ăn thua lỗ không đi kèm với sự trừng phạt và trả giá. Phi lý hơn, chúng vẫn được bơm tín dụng để duy trì tình trạng bết bát.

Nhìn từ phía các doanh nghiệp, dù các nhà lãnh đạo được chỉ định thực sự có trình độ, động lực thành công của họ cũng bị hạn chế do quy định về nhiệm kỳ. Quan trọng hơn, họ cũng không có quyền tự quyết với doanh nghiệp họ được quản lý. Công không hưởng, tội không chịu, kinh doanh thua lỗ thì được rót thêm tiền. Sự nhập nhèm này đồng thời cũng mở ra cánh cửa cho thân hữu, lợi ích nhóm, đi liền với thất thoát, lãng phí, tham nhũng.

“Nền kinh tế Việt Nam đang cấu trúc lại trên cơ sở nền kinh tế thị trường nhưng giữa khu vực kinh tế tư nhân và Nhà nước vẫn đang xảy ra trình trạng lộn xộn như vậy. Nó không chỉ kéo dài tuổi thọ của trạng thái kinh tế cũ mà còn không hy vọng có sự phát triển được’’, vị chuyên gia nhấn mạnh. Vẫn tiếp tục tình trạng này, việc khoanh vùng hay yêu cầu doanh nghiệp tự vay tự trả với mong muốn các doanh nghiệp nhà nước độc lập hóa không thể có hiệu quả. Cái lợi nhìn thấy duy nhất chỉ là nợ công theo cách tính của riêng Việt Nam sẽ nhỏ đi, điều có thể khiến dư luận được an ủi. Cổ phần hóa được coi là giải pháp cấu trúc lại nền kinh tế, tạo ra sân chơi bình đẳng và minh bạch cho doanh nghiệp, làm ăn không có lãi thì mất vốn, rồi phải chịu phá sản. Chỉ có như vậy, năng suất và hiệu quả mới trở thành kim chỉ nam của mọi hoạt động kinh doanh, nền kinh tế mới thực sự có sức sống.

Dù thừa nhận những lo ngại quá trình chuyển hóa này có thể tạo ra không gian cho việc tư hữu tài sản công, chuyên gia Lê Cao Đoàn vẫn khẳng định, phải kiên quyết cổ phần hóa. Mất mát là điều không thể tránh khỏi nhưng quan trọng nhất là phải làm triệt để, từ đó có một nền kinh tế thị trường thực sự, chứ không phải chỉ do một số nước công nhận như hiện nay. Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lê Trọng Nhi cho rằng ngoài minh bạch hóa nợ công, đẩy nhanh cổ phần hóa thì Nhà nước nên giảm tỉ lệ nắm giữ dưới 50% đối với những doanh nghiệp nhà nước thuộc các lĩnh vực không cần thiết phải có vai trò điều tiết của Nhà nước.

Hoàng Hạnh 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới