Hủy

Kiện bán phá giá thời TPP

Thứ Tư | 28/10/2015 09:29

Dù Việt Nam chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường thì Ủy ban châu Âu vẫn có thể cho từng doanh nghiệp được hưởng quy chế MET.
 

Đến nay, EU và Mỹ vẫn nằm ngoài danh sách gần 40 quốc gia đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường - MET. Kể từ lần đầu tiên (năm 2002) các doanh nghiệp Việt xuất khẩu cá fillet da trơn bị thua kiện và Mỹ áp mức thuế chống bán phá giá lên tới gần 64%, tính đến tháng 5.2015 doanh nghiệp Việt đã là bị đơn của tổng số 67 vụ kiện bán phá giá, theo Cục Quản lý cạnh tranh. Trong đó, “nền kinh tế quốc doanh” - phi thị trường đang bị coi là nguyên nhân chính. Đây thật sự là nỗi oan của “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Bởi lẽ, còn rất nhiều nguyên nhân khác dẫn đến việc doanh nghiệp Việt bị xử thua.

Về mặt bản chất kinh tế học, bán phá giá được chia làm 2 phân nhánh chính: bán phá giá theo giá (định giá bán thấp hơn so với giá bán thông thường - sự phân biệt giá quốc tế) và bán phá giá theo chi phí sản xuất. Khi là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007 tức là Việt Nam đã tự nguyện đồng thuận trong vòng 12 năm bị coi là nền kinh tế phi thị trường cho đến hết năm 2018. Hệ quả nặng nề nhất từ cam kết này là quá trình áp giá đối chiếu từ nước thứ ba gây bất lợi lớn trong các vụ kiện bán phá giá theo chi phí.

Hiệu ứng “kiện liên hoàn” sẽ xảy ra khi doanh nghiệp Việt bị xử thua tại một nước thì sẽ ngay lập tức trở thành bị đơn cùng mặt hàng ấy tại nước khác. Điều đó giải thích vì sao những năm gần đây những nước không phải là cường quốc như Thái Lan và Indonesia (năm 2015 kiện thép cán nguội), Thổ Nhĩ Kỳ (năm 2014 kiện ống thép hàn không gỉ cán nguội), Ấn Độ (năm 2013 kiện máy chế biến nhựa) đều kiện doanh nghiệp Việt Nam ra tòa án quốc tế.

Hiển nhiên, bán phá giá chỉ là một trong hàng ngàn biện pháp phòng vệ thương mại trong môi trường kinh doanh phi biên giới mà các doanh nghiệp Việt phải đối mặt khi mở rộng thị phần xuất khẩu.

Đối với thị trường EU, giai đoạn điều tra thường kéo dài 6 tháng với bước đầu tiên là các bị đơn được cung cấp thông tin về tình hình sản xuất và hoạt động lên Ủy ban châu Âu trong vòng 15 ngày kể từ ngày thông báo khởi xướng điều tra có hiệu lực. Thực tế cho thấy, giai đoạn “trình diện” này đóng góp vai trò tiên quyết và tối quan trọng ảnh hưởng đến cục diện của cả vụ kiện, nhưng lại là khâu mà các doanh nghiệp Việt lơ là nhất. Ít doanh nghiệp biết được rằng cho dù Việt Nam không được công nhận là nền kinh tế thị trường thì Ủy ban châu Âu vẫn có thể cho từng doanh nghiệp bị đơn được hưởng quy chế MET, miễn là doanh nghiệp đó chứng minh được các tiêu chí theo quy định.

Trong trường hợp được chấp thuận, giá sử dụng để tính toán biên độ phá giá sẽ hoàn toàn có thể tham chiếu tại Việt Nam thay vì chọn một nước thứ ba như thông lệ. Mặc dù các tiêu chí mà EU quy định là rất rõ ràng và khả thi, nhưng lại nằm trong “vùng” yếu điểm từ lâu của các nhà xuất khẩu Việt, xoay quanh tính minh bạch trong hạch toán sổ sách kế toán, kê khai chi phí sản xuất, đóng thuế thu nhập doanh nghiệp đúng quy định và kỹ thuật công nghệ đang sử dụng.

Giai đoạn tiếp theo của quá trình điều tra về thiệt hại đối với ngành sản xuất nội địa và cộng đồng. “Khe hở” của giai đoạn này chính là các quyết định liên quan đến việc áp thuế chống bán phá giá phải tuân thủ theo nguyên tắc đa số phiếu. Các mâu thuẫn lợi ích nội tại giữa 27 quốc gia thành viên là điểm sáng để các doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể chủ động tiếp cận, tìm kiếm sự ủng hộ ở các quốc gia thành viên.

Một mặt hàng có thể vượt quá 2% thị phần tại một nước không có nghĩa là gây ra thiệt hại đối với một nước khác, tức là đem lại lợi ích cộng đồng người tiêu dùng. EU quy định chặt chẽ rằng 1 trong 4 điều kiện xem xét trong quá trình ra quyết định áp thuế chống bán phá giá là “việc áp thuế không mâu thuẫn với lợi ích cộng đồng”. Một vụ kiện chống bán phá giá có thể xảy đến với hàng hóa Việt Nam mà động cơ không phải vì chính hàng hóa Việt Nam bán phá giá mà vì mối đe dọa từ những nước láng giềng có sản phẩm tương tự Việt Nam xuất sang cùng một thị trường. Rõ ràng, áp dụng cách tư duy mới cho một bài toán cũ sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tìm được giải pháp hiệu quả hơn để bảo vệ quyền lợi kinh doanh chính đáng.

Là đối tác thương mại lớn thứ hai với 36,8 tỉ USD kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều năm 2014, Việt Nam đã đạt được 3 trong tổng số 5 tiêu chí để EU công nhận nền kinh tế thị trường bao gồm: sự ổn định của đồng tiền; đối xử công bằng giữa các khu vực doanh nghiệp; giảm các khoản chi phí chính thức. Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) đã đàm phán thành công hồi tháng 8.2015 cho thấy EU đã “ngầm” chấp thuận 2 tiêu chí còn lại là tính minh bạch trong môi trường đầu tư kinh doanh và tính tuân thủ pháp luật một cách toàn diện.

“EU không có bất cứ sự do dự nào trong việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường”, Tiến sĩ Franz Jessen, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu, đã khẳng định.

Đàm phán thành công Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với hàng rào thuế quan giảm về 0%, mà Mỹ là 1 trong 12 thành viên chủ chốt, càng cho thấy vận hội được công nhận nền kinh tế thị trường đang rất gần. Đối với doanh nghiệp, điều này đồng nghĩa với việc “khi hàng rào thuế quan càng hạ thấp, các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng hóa nội địa sẽ được các nước dựng lên càng nhiều”, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, cho biết.

Kinh doanh thời TPP, thuế suất ưu đãi 0% chỉ là tấm vé vào cửa cho cuộc so găng thật sự bắt đầu. Ba công cụ phòng vệ thương mại gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ chắc chắn sẽ được các nước thành viên “biến hóa” áp dụng để bảo hộ các doanh nghiệp nội địa. Phân tích của nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc doanh nghiệp Việt phải xuyên qua khó khăn bằng cách tích hợp 3 trục liên kết đa chiều bao gồm: nội lực doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và Chính phủ.

Tại Mỹ, trước vụ việc kiện bán phá giá, những cuộc chiến vận động hành lang của nguyên đơn là tất yếu, nhưng đáng nói là doanh nghiệp Việt lại hoàn toàn bị động. Sẽ không còn chuyện gặp may như trong vụ kiện tôm vào năm 2008 khi Liên minh Hành động ngành thương mại công nghiệp tiêu dùng Mỹ (CITAC), Hiệp hội Các nhà nhập khẩu và phân phối tôm Mỹ (ASDA) đứng về phía các doanh nghiệp Việt Nam chống lại vụ kiện bán phá giá của Mỹ.

An Cầm


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới