Hủy

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trả lời phỏng vấn Reuters

Thứ Sáu | 23/01/2015 17:08

Phó Thủ tướng đã chia sẻ về những đổi thay, triển vọng của Việt Nam, quan hệ với các đối tác lớn, về WEF...
 

Chiều 22/1 (giờ địa phương), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của Hãng tin Reuters về những đổi thay và triển vọng của Việt Nam, quan hệ của Việt Nam với các đối tác lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, cũng như tầm quan trọng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF Davos) đối với Việt Nam.

Phó Thủ tướng Phạm Mình Minh cho hay, Việt Nam đã thay đổi rất nhiều trong hơn 20 năm qua. Hiện Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hơn 180 nước, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nhiều quốc gia, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược và quan hệ đối tác toàn diện với cả 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Điều đó làm thay đổi rất nhiều vai trò của Việt Nam và “Việt Nam được tôn trọng”.

Một thay đổi ấn tượng nữa là Việt Nam ngày nay thịnh vượng hơn, trong đó đáng chú ý là sự phát triển của tầng lớp trung lưu với trên 30 triệu người so với dân số 90 triệu.

Trên cơ sở những thành tựu phát triển của đất nước, Phó Thủ tướng bày tỏ lạc quan về triển vọng phát triển của Việt Nam với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa trong thập kỷ tới.

Về những ưu tiên của Chính phủ thúc để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết kinh tế của Việt Nam đã phục hồi trong năm 2013 và đạt mức tăng trưởng gần 6% năm 2014.

Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 6%, tập trung vào cải cách doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời hoàn tất tiến trình đàm phán một số Hiệp định thương mại tự do (FTA), góp phần tạo môi trường thuận lợi cho phát triển.

Chính phủ cũng đang tập trung tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, các ngân hàng hoạt động không hiệu quả sẽ được yêu cầu sáp nhập. Nợ công vẫn nằm trong giới hạn cho phép, có thể kiểm soát được.

Chính phủ vừa tập trung ổ định kinh tế vĩ mô vừa kiềm chế lạm phát để bảo đảm nền kinh tế đi đúng hướng.

Về các giải pháp thúc đẩy tổng cầu, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đang tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng tới nền kinh tế tri thức; thực hiện ba đột phá chiến lược, trong đó có xây dựng thể chế để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Liên quan đến tiến trình đàm phán và tác động của FTAs đối với nền kinh tế Việt Nam, Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam đã kết thúc đàm phán với Hàn Quốc và Liên minh Hải quan, hi vọng sẽ ký kết những hiệp định này trong đầu năm nay.

Việt Nam hiện đã ký FTA với 8 đối tác và đang đàm phán 6 FTA, qua đó thể hiện sự cởi mở trong việc thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam.

Về thông điệp của Phó Thủ tướng tại Davos, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng Việt Nam đang trở thành một địa chỉ đầu tư hấp dẫn vì nhiều lý do. Trước hết, Việt Nam nằm trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương phát triển năng động. Bên cạnh chính trị ổn định, Việt Nam là một thị trường hấp dẫn với 90 triệu dân, trong đó có trên 30 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu. Mặt khác, Chính phủ cam kết thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp bằng những chính sách đầu tư thông thoáng.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời phỏng vấn của Hãng tin Reuters.
Ảnh: VGP/Hải Minh

Phó Thủ tướng cho rằng WEF có vai trò quan trọng bởi đây là diễn đàn thu hút sự quan tâm của các nhà lãnh đạo thế giới, lãnh đạo doanh nghiệp đến chia sẻ những sáng kiến, tầm nhìn về các vấn đề toàn cầu nhằm làm cho thế giới ngày càng tốt đẹp hơn.

Đối với quan hệ Việt-Trung, Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc. Điều đó đồng nghĩa hai bên có quan hệ tốt về mặt chính trị, kinh tế. Về mặt kinh tế, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch khoảng 60 tỷ USD.

Giữa hai nước còn tồn tại vấn đề trên biển. Quan điểm của Việt Nam là giải quyết vấn đề thông qua đàm phán hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc năm 1982.

Việt Nam và Trung Quốc đã giải quyết vấn đề biên giới trên bộ sau 30 năm đàm phán. Vấn đề trên biển khó khăn hơn. Việc phân định biển cần nhiều thời gian nhưng hiện tại Việt Nam mong muốn duy trì nguyên trạng trên Biển Đông.

Đánh giá về sự kiện Hoa Kỳ dỡ bỏ một phần cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói rằng năm nay là năm hai nước kỷ niệm 20 năm bình thường hóa. Quan hệ hai nước là bình thường nhưng cấm vận vũ khí là điều không bình thường. Do đó, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận là bước cuối cùng hướng tới việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai nước.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và rất quan trọng của Việt Nam, vì vậy Việt Nam tham gia đàm phán TPP.

Về triển vọng quan hệ Việt Nam-Ấn Độ, Phó Thủ tướng cho biết quan hệ hai nước luôn tốt đẹp trong cả quá khứ lẫn hiện tại. Ấn Độ đang là đối tác chiến lược của Việt Nam. Ấn độ là đối tác quan trọng về chính trị, kinh tế và hai bên còn có quan hệ tốt trong lĩnh vực quốc phòng.

Nguồn Chinhphu.vn


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới