Hủy

Tăng trưởng xuất khẩu khó đạt mục tiêu 10%

Thứ Tư | 29/06/2016 09:40

Tình hình thế giới có thể khiến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% trong năm nay khó hoàn thành.
 

Báo cáo về tình hình xuất nhập khẩu sau 6 tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước xuất siêu 1,5 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,7 tỷ USD, còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 11,2 tỷ USD.

"Tuy nhiên, nếu giá cả hàng hóa trên thế giới tiếp tục giảm, cùng với những khó khăn của kinh tế thế giới và sự chững lại về nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước sẽ khiến tăng trưởng xuất khẩu năm nay khó đạt mục tiêu 10%", cơ quan thống kê nhận định.

Tính chung 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 82,2 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng gia công, lắp ráp có kim ngạch tăng so với cùng kỳ năm trước như điện thoại và linh kiện đạt 17,1 tỷ USD, tăng 16,7%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 7,9 tỷ USD, tăng 7,1%; giày dép đạt 6,3 tỷ USD, tăng 8,8%...

Cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay không có nhiều thay đổi khi nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản chiếm 45,5% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu với kim ngạch ước tính đạt 37,4 tỷ USD. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp đứng thứ hai khi chiếm 40,7%.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 17,7 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là EU đạt 16,3 tỷ USD, tăng 9,8%. Trung Quốc đứng thứ ba với 9,2 tỷ USD, tăng 14,3%.

Về nhập khẩu, cả nước nhập 80,7 tỷ USD hàng hóa, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhập khẩu xăng dầu tăng 28% về lượng nhưng về giá trị đạt 2,4 tỷ USD, giảm 17,5% do giá dầu giảm. Nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 878 triệu USD, giảm 19,4%. Nhập khẩu một số mặt hàng tăng cao như: điện tử, máy tính và linh kiện đạt 12,5 tỷ USD, tăng 12,1%; kim loại thường khác đạt 2,2 tỷ USD, tăng 24,1%; sản phẩm chất dẻo đạt 2,1 tỷ USD, tăng 17,3%.

Nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 91,3% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu, trong đó nhóm nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 50%; nhóm máy móc, thiết bị và dụng cụ, phụ tùng chiếm 41%.

6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với 23,3 tỷ USD, giảm 2,9%. Tiếp theo là Hàn Quốc đạt 14,9 tỷ USD, tăng 7,9%; ASEAN đạt 11,5 tỷ USD, giảm 3,4%.

Nhật Duy


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới