Hủy

Thừa nam thiếu nữ: Hiểm họa kinh tế cho châu Á

Bá Ước Thứ Hai | 17/04/2017 18:08

Việc có quá nhiều đàn ông so với phụ nữ đang gây ra hàng loạt vấn đề kinh tế lẫn xã hội cho nhiều nước châu Á.
 

Dựa theo các số liệu dân số hiện nay, châu Á đang bị "dư thừa" tới 100 triệu đàn ông, chủ yếu tại Trung Quốc và Ấn Độ.

Tình trạng chênh lệch giới tính này đang gây ra nhiều vấn đề, từ việc làm chậm lại tăng trưởng kinh tế, cho đến tỷ lệ hôn nhân thấp và tội phạm gia tăng – tất cả những điều trên khiến Châu Á gặp khó khăn trong việc duy trì tăng trưởng một cách bền vững.

Thị trấn Jhajjar cũng giống như nhiều khu vực nông thôn khác tại Ấn Độ: những vỉa hè đầy bụi bẩn nơi người ta ngồi tụ tập tán chuyện, bên cạnh những cửa hàng nhỏ trên con đường chính đi qua thị trấn. Nằm cách thủ đô New Delhi 50km, khu vực đã từ lâu nổi tiếng là có tỷ lệ chênh lệch nam nữ cao bất thường

Tỷ lệ sinh tự nhiên vốn là 105 nam trên 100 nữ. Tuy nhiên, theo khảo sát vào năm 2011, thì số trẻ em dưới 6 tuổi tại Jhajjar lại là 67.380 nam và 52.671 nữ, hay 128 nam/100 nữ. Con số này cao hơn hẳn so với bình quân cả nước là 108 nam/100 nữ, khiến thị trấn này trở thành nơi mất cân bằng giới tính nhất Ấn Độ.

Tới đây vào một buổi trưa, bạn có thể thấy phần người dân tại trung tâm thị trấn là nam. Tờ Nikkei Asian Review đã phỏng vấn 10 người đàn ông trong độ tuổi từ 30 tới 60 tại nơi đây, và tất cả 10 người đều nói với  rằng ho muốn có thêm vài đứa con trai nữa.

Một người đàn ông 43 tuổi, đã có 2 con trai ở tuổi thiếu niên, nói rằng: “Tất cả mọi người đều thích có con trai”. Ông cho biết rằng có người đã phá thai khi biết giới tính thai nhi là nữ, “Con gái sẽ về nhà chồng, và chúng sẽ không chăm sóc chúng tôi trong tương lai”.

Do nhiều nguyên nhân từ văn hóa cho đến chính trị, việc phá thai khi biết giới tính thai nhi vẫn rất phổ biến tại châu Á. Với tần suất hàng triệu lần mỗi năm, hiện tượng này làm phát sinh nhiều vấn đề xã hội và kinh tế về lâu dài.

Thua nam thieu nu: Hiem hoa kinh te cho chau A
Tỷ lệ phụ nữ trên 1.000 đàn ông tại Ấn Độ đã liên tục giảm từ đầu thế kỷ 20 tới nay. Ảnh; The Economist

Cũng giống như Jhajjar, nhiều nơi khác ở Ấn Độ cũng xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính, với nguyên nhân chính là tài chính. Ngoài truyền thống bắt buộc cô dâu phải về nhà chồng sau khi cưới, của hồi môn mà gia đình cô dâu phải đưa cho gia đình chú rể cũng là một gánh nặng. Số tiền này đôi khi còn lớn hơn mức thu nhập mà một gia đình có thể kiểm được trong 1 năm, do đó nhiều bậc cha mẹ đã bắt đầu để dành của hồi môn cho con gái từ lúc vừa sinh ra.

Yuiko Nishikawa, một giá sư về dân số học Ấn Độ tại Đại học Josai (Nhật Bản), bình luận: “Việc có con gái rất là tốn kém, trong khi không đóng góp gì cho gia đình. Điều này là một trong những lý do người Ấn Độ thích có con trai”.

Trong quá khứ, nhiều cặp vợ chồng châu Á thường có gắng sinh để cho đến khi có con trai thì thôi, điều này cũng khiến tình trạng mất cân bằng giới tính thêm trầm trọng. Nhưng với việc chi phí giáo dục tăng lên, người ta lại có xu hướng hạn chế sinh con. Cộng thêm các tiến bộ về công nghệ nhận biết giới tính của thai nhi từ trong bụng mẹ, nguyên nhân này đã khiến cho việc lựa chọn sinh con trai ngày càng trở nên phổ biến, theo Nishikawa.

Và kết quả là Ấn Độ đang bị "dư thừa" hàng triệu đàn ông. Theo dữ liệu dân số thế giới của Liên Hiệp Quốc, tỷ lệ chênh lệch giới tính của nước này là 107,6 nam/100 nữ vào năm 2015.

Vấn đề này cũng xảy ra ở những nước châu Á khác, nhất là Trung Quốc và Việt Nam. Theo ước tính của Liên hợp quốc, có khoảng 2,24 tỷ đàn ông tại Châu Á và Trung Đông trong năm 2015, so với khoảng 2,14 tỷ phụ nữ. Mức chênh lệch này (100 triệu người) đã tăng 70% so với năm 1985.

Trong khi đó tại Châu Âu, nữ giới nhiều hơn nam giới khoảng 26 triệu người, và tại Bắc Mỹ thì nhiều hơn 3 triệu người.

Nhiều cơ hội bị bỏ lỡ

Tại Ấn Độ, lực lượng lao động cũng bị chi phối bởi nam giới. Theo một ước tính của Liên đoàn Lao động Thế giới (ILO), tỷ lệ tham gia lao động của nữ giới nước này chỉ đạt khoảng 27% trong năm 2014, thấp hơn rất nhiều mức trung bình của thế giới là 50%.

Nền kinh tế Ấn Độ đang tăng trưởng nhanh, khoảng 7%/năm. Nhưng sự mất cân bằng giới trong lực lượng lao động đồng nghĩa rằng nước này đã lỡ mất một nguồn tăng trưởng đáng kể.

Theo một báo cáo của McKinsey vào năm 2015, GDP của Ấn độ có thể tăng thêm 60% vào năm 2025 nếu phụ nữ chiếm 50% lực lượng lao động nước này.

Bà Mriganka Dadwal, nhà sáng lập của một tổ chức phi chính phủ chuyên về đấu tranh cho nữ quyền, cho biết: “Phụ nữ có năng suất cao, nhưng năng suất đó chưa được thương mại hóa”.

Nhiều công ty đã nhận ra vấn đề và đang bắt đầu tìm cách giải quyết. Một nhà máy chế tạo thiết bị điện của Motherson Sumi Systems tại bang Uttar Pradesh, đã tuyển dụng khoảng 2.900  công nhân, trong đó có đến 58% là nữ. Công ty này cho biết số công nhân nữ tại đây tăng đều hàng năm.

Một lãnh đạo giấu tên của nhà máy cho biết: “Công nhân nữ có năng suất cao hơn nhiều so với nam công nhân, bởi vì bản chất của công việc tại đây đòi hỏi sự tập trung và kiên định, yếu tố mà bạn dễ tìm thấy ở phụ nữ hơn là nam giới”. Công ty này đã chủ động xây nhà trẻ cho con cái của công nhân, cũng như cung cấp phương tiện đưa đón hàng ngày cho một bộ phận nhân công.

Thua nam thieu nu: Hiem hoa kinh te cho chau A
Tài xế của Bikxie Pink chở khách đi làm. Ảnh: xbhp.com

Các doanh nghiệp tạo cơ hội cho phụ nữ hòa nhập vào lực lượng lao động cũng đang xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Trước một nhà ga tàu điện ngầm ở Delhi, bạn có thể thấy 3 chiếc xe mô tô màu hồng với các lái xe là phụ nữ đeo găng tay và nón bảo hiểm đủ màu, đang đứng cạnh những chiếc xe 3 bánh truyền thống.

Đây là nhân viên của hãng Bikxie Pink, một dịch vụ xe ôm chỉ tuyển nhân viên nữ. Bắt đầu hoạt động vào tháng 1 năm 2016, Bikxie hoạt động tương tự như Uber hay Grab: khách hàng đăng kí đi xe qua phần mềm điện thoại di động, nữ tài xế tới nơi đón khách và chở khách đi.

Tại một đất nước vốn có nhiều vụ quấy rối tình dục trên các phương tiện công cộng, việc bảo đảm an toàn cho những phụ nữ đi làm là rất quan trọng. Bà Divya Kalia, COO của Bikxie, cho rằng các phương tiện giao thông truyền thống tại Ấn Độ hiện nay khá là mất an ninh và trật tự, nhất là với phụ nữ.

Bà nói rằng: “Không ai quan tâm là họ đang đi tuyến nào và ai đang chở họ. Một tài xế nam có thể ngược đãi bằng lời hay bằng hành động với hành khách nữ, và người phụ nữ đó chỉ có thể chịu trận.”

Bước sang năm thứ 2 hoạt động, Bikxie hiện có gần 20 nhân viên nữ làm việc trong 3 thành phố, khoảng 90% hành khách được đưa đi đón về từ văn phòng đến nhà ga tàu điện ngầm gần nhất.

Bikxie áp dụng cước phí 20 rupee (0,31 USD) cho 2km đầu tiên, và mỗi xe phục vụ khoảng 20-25 hành khách một ngày. Bà Kalia cho biết công ty đang nhắm tới mở rộng hoạt động tại thêm 3 thành phố nữa từ giờ tới cuối năm, với dự báo rằng  nhu cầu về dịch vụ của họ đang tăng lên.

Sairee Chahal, CEO của trang web Sheroes chuyên kết nối việc làm cho phụ nữ, nói rằng: “Nhiều doanh nghiệp cần tới tiềm năng phụ nữ”. Bắt đầu hoạt động vào năm 2014, hiện Sheroes có khoảng 1 triệu hồ sơ, và khoảng 16.000 công ty đang tìm kiếm nhân sự qua trang web này, bao gồm cả những vị trí lãnh đạo. Trang web này cũng tổ chức các khóa huấn luyện ở các lĩnh vực như lập trình.

Bà Chahal nói rằng: “Phụ nữ Ấn Độ vẫn bị xem là một gánh nặng cho gia đình”,  và vì thế nhiều phụ nữ Ấn không được thừa hưởng hay quản lý tài sản của gia đình. Bà tin rằng tình trạng mất cân bằng giới tính trong dân số có thể được cải thiện nếu phụ nữ có thể kiếm tiền và trở nên độc lập hơn. Khi đó, phụ nữ sẽ được coi là “một tài sản đáng giá”.

Các doanh nghiệp như Sheroes cho thấy việc giảm chênh lệch giới tính có thể tạo ra tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp. Chính phủ Ấn Độ cũng đã bắt đầu hành động, với mục tiêu hiện tại là cải thiện tỷ lệ sinh từ mức 919 nữ/1.000 nam trong năm 2011 lên 950 nữ/1.000 nam trong năm nay.

Vào tháng 3 vừa qua, Quốc hội Ấn Độ cũng đã thông qua một dự luật tăng thời gian nghỉ thai sản từ 12 tuần lên 26 tuần đối với phụ nữ sinh 2 con đầu, còn những phụ nữ có con thứ 3 trở đi thì thời kì nghỉ sinh vẫn là 12 tuần. Thủ tướng Nerendra Modi đã đăng lên Twitter rằng việc thông qua dự luật này là “một cột mốc trong nỗ lực của Ấn Độ nhằm hướng tới sự phát triển do phụ nữ dẫn đầu”.

Hơn cả tiền bạc

Việc "dư thừa" đàn ông không chỉ gây ra thiệt hại về kinh tế. Các nghiên cứu gần đây cho thấy có sự liên quan giữa mất cân bằng giới tính với tình hình tội phạm và bạo lực gia tăng.

Trung Quốc cũng là một quốc gia bị mất cân bằng giới tính – với 106,2 nam/100 nữ vào năm 2015, theo ước tính của Liên Hiệp Quốc. Tỷ lệ tội phạm của quốc gia này đã gia tăng đồng thời với việc gia tăng tỷ lệ chênh lệch nam nữ trong độ tuổi từ 16-25, theo một cuộc nghiên cứu bởi Đại học Columbia.

Thua nam thieu nu: Hiem hoa kinh te cho chau A
Tình trạng chênh lệch giới tính tại Trung Quốc ngày một gia tăng. Ảnh: turner.com

Mất cân bằng giới tính cũng sẽ “khiến đàn ông không tìm được đối tượng kết hôn và có thể gây ra nhiều vụ xâm hại tình dục, nhiều cô gái cũng sẽ bị bắt cóc và dẫn tới nạn buôn người gia tăng”, theo ông Toru Suzuki, một lãnh đạo của Viện Nghiên cứu dân số và an sinh xã hội của Nhật Bản.

Ảnh hưởng từ việc mất cân bằng giới tính tại Trung Quốc cũng đã lan ra các nước khác. Hiệp hội Phát triển và Nhân quyền của Campuchia cho biết trong năm ngoái, họ nhận được 15 lời cáo buộc rằng phụ nữ Campuchia đã bị bán sang Trung Quốc cho các đối tượng muốn tìm vợ ở nước này. Tổ chức này cho biết các sự vụ được báo cáo trên chỉ là bề nổi của tảng băng chìm.

Ông Chhan Sikunthea, trưởng bộ phận quyền trẻ em và phụ nữ của tổ chức này cho biết: “ Nạn buôn người, bao gồm việc đưa phụ nữ tới Trung Quốc vì mục đích kết hôn, cũng làm thiệt hại tới nguồn nhân lực của Campuchia và giảm đóng góp của phụ nữ vào sự phát triển của đất nước. Thêm vào đó, không giống như di cư, nạn buôn người cũng không đem lại các lợi ích tích cực như là kiều hối. Nạn buôn bán phụ nữ thường đi kèm hành vi xâm hại nhân quyền nghiêm trọng, như là giam cầm, đánh đập, hãm hiếp, bắt lao động cưỡng bức hoặc phải mang thai, và tách ly khỏi gia đình. Thêm vào đó, nhiều người trốn được về nước thì phải chịu sự phân biệt đối xử của cộng đồng”.

Người Trung Quốc, vốn chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Nho giáo, cũng thường ưu tiên con trai. Chính sách một con từ năm 1979 tới 2015 của quốc gia này  cũng dẫn tới việc nhiều gia đình chọn đẻ con trai hơn là con gái. Kết quả là, vài thập kỉ sau, nước này rơi vào tình trạng thiếu phụ nữ trầm trọng.

Một số vùng ở Trung Quốc đã thực hiện kiểu hồi môn ngược, yêu cầu nhà trai phải trao một số tiền cho vợ sắp cưới, thường là bằng vài lần mức lương hàng năm của anh ta. Kết quả là, một số người đàn ông lại nhờ cậy những kẻ buôn người, để tìm vợ với chi phí rẻ hơn. Nhiều nạn nhân nữ là đến từ các quốc gia láng giềng, bao gồm Việt Nam và Campuchia.

Có các dữ liệu gần đây cho rằng chênh lệch nam nữ là không lớn như vẫn nghĩ, bởi vì  có nhiều bậc cha mẹ cố tình không đăng kí khai sinh cho con gái của mình. Nhưng tình trạng buôn người cho thấy rằng nhiều đàn ông Trung Quốc gặp khó khăn thực sự trong việc kết hôn.

Do có nhiều yếu tố văn hóa tương tự Trung Quốc, Việt Nam cũng không tránh khỏi lối mòn này. Sự mất cân bằng giới tính trong sinh đẻ tại Việt Nam đã tăng từ 106,2 nam/100 nữ trong năm 2000 lên 112,8 nam/100 nữ vào năm 2014. Theo dự báo từ Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình, tỷ lệ này sẽ còn tăng lên mức 125 nam/100 nữ vào năm 2020.

Thua nam thieu nu: Hiem hoa kinh te cho chau A
Ảnh: TTXVN

Tình trạng mất cân bằng giới tính không phổ biến tại các nước Thái Lan, Indonesia hay Phillipines, một phần các quốc gia này có văn hóa đề cao phụ nữ hơn.

Tuy nhiên, những thay đổi về cơ cấu dân số tại Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam, vốn chiếm 60% dân số tại Châu Á, có thể tạo ra tác động lớn lên phần còn lại của khu vực. 3 quốc gia này cũng đang có tăng trưởng kinh tế cao. Nếu tình trạng mất cân bằng giới tính cản trở tăng trưởng của 3 nước này, nó sẽ dễ dàng gây ảnh hưởng đến các quốc gia láng giềng.

Thật khó để thay đổi nếp nghĩ xem trọng con trai. Nhưng trường hợp của từ các công ty Motherson Sumi, Bikxie và Sheroes tại Ấn Độ cho thấy, khu vực tư nhân có thể đưa đến một số giải pháp nhằm khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính và giúp phụ nữ phát huy khả năng kinh doanh của mình.

Trong khi đó, các chính phủ nên tiếp tục xóa bỏ tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi, theo bình luận của ông Suzuki. Ông cũng nhấn mạnh rằng cần có một hệ thống phúc lợi xã hội tốt hơn, vì “khi các bậc cha mẹ có thể sống được bằng lương hưu, thì họ cũng không cần con trai để chăm sóc mình lúc về già, từ đó việc cố gắng sinh con trai cũng sẽ giảm đi và vấn đề mất cân bằng giới tính cũng sẽ được giảm bớt”.

Bá Ước

Nguồn Nikkei


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới