Hủy

Ai là người phụ nữ đã đưa ra quyết định phạt Google 2,7 tỷ euro?

Thứ Tư | 19/07/2017 18:26

Wikimedia

Margrethe Vestager đã và đang đối đầu với những công ty thuộc hàng lớn nhất thế giới như Amazon, McDonald's, Apple, Starbucks và Gazprom.
 

Bạn có thể chưa bao giờ nghe nói về bà Margrethe Vestager (49 tuổi), một chính trị gia người Đan Mạch đang làm Cao ủy viên phụ trách vấn đề cạnh tranh của Ủy ban Châu Âu (EC).

Tuy nhiên, chắc chắn bạn đã từng nghe nói về một số việc mà bà Vestager đã làm.

Vestager đã và đang đối đầu với những công ty thuộc hàng lớn nhất thế giới như Amazon, McDonald's, Apple, Starbucks và Gazprom. Nhưng phải đến gần đây, thì thế giới mới bắt đầu chú ý về người phụ nữ này.

Cuộc điều tra kéo dài 7 năm của EC về việc Google lạm dụng thế độc quyền trên thị trường dịch vụ tìm kiếm cuối cùng đã chấm dứt vào tháng trước. Kết quả của cuộc điều tra là Google phải chịu mức phạt chống độc quyền lớn nhất từ trước tới nay của EU là 2,7 tỷ USD.

Phía EC phát hiện ra rằng Google đã ưu ái ưu ái các dịch vụ mua sắm của họ một cách bất hợp pháp khi hiển thị các kết quả tìm kiếm trên Google.

Trước đó, vào tháng 8 năm ngoái, Vestager cũng đã yêu cầu Apple phải thanh toán 13 tỷ euro tiền nợ thuế ở Ireland. CEO Tim Cook của Apple đã gọi đây là "chuyện chính trị hoàn toàn vớ vẩn".

Về phía Vestager, bà tin rằng xã hội sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ một nền kinh tế được kiểm soát tốt, và hiện nay một số tập đoàn lớn đang lạm dụng quá mức quyền lực của họ.

Khi đối đầu với những gã khổng lồ như Google và Apple, Vestager đã phải đưa ra những quyết định lớn nhất trong sự nghiệp chính trị của bà.

Ai la nguoi phu nu da dua ra quyet dinh phat Google 2,7 ty euro?
Margrethe Vestager đã được chọn vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới trong năm 2017 của tạp chí Time. Ảnh: Financial Times

Trao đổi với CNBC, Vestager đã chia sẻ về cách bà xử lý các trường hợp phức tạp như vậy và đi đến quyết định sau cùng như thế nào.

Bà nói: "Bạn phải nhìn nhận những chi tiết thực tế. Điều mà chúng ta cần giải quyết là gì? Nó không thể dựa trên cảm giác hoặc thời tiết hoặc thời điểm trong ngày. Bạn cần có lời khuyên từ những người có kinh nghiệm đến từ nhiều lĩnh vực, và sau đó bạn có thể đưa ra quyết định. Nhưng bạn cũng cần những người mà bạn đủ tin tưởng để cho bạn lời khuyên, và bạn cần phải chắc chắn rằng các sự thật về vụ việc phải được đưa ra ánh sáng".

Quá trình ra quyết định của Vestager có thể được áp dụng cho bất kì sự việc quan trọng nào.

Bà nói thêm: "Tôi đã tự hỏi bản thân mình về điều tồi tệ nhất có thể xảy ra nếu tôi thực hiện quyết định này và theo đuổi nó tới cùng. Thường thì nếu tôi cảm thấy mình chấp nhận được điều xấu nhất có thể xảy ra thì tôi sẽ tiếp tục".

"Nhưng nếu tôi thấy rằng điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là điều gì đó mà tôi không thể chấp nhận được, thì tôi phải xem xét lại và tìm hiểu xem nên làm gì khi đó".

Sinh ra trong một gia đình mà cả cha lẫn mẹ đều là mục sư Tin lành, từ nhỏ Vestager đã quen với lối sống có kỷ luật và nghiêm khắc về mặt đạo đức. Là một chính trị gia chuyên nghiệp từ năm 21 tuổi, bà Vestager đã đảm nhiệm cương vị bộ trưởng đầu tiên trong chính phủ Đan Mạch ở tuổi 30. Bà lần lượt làm Bộ trưởng Các vấn đề tôn giáo, Bộ trưởng Giáo dục và Bộ trưởng Kinh tế trước khi trở thành Phó Thủ tướng vào năm 2011, ở tuổi 43. Tới năm 2014, bà trở thành Cao ủy viên phụ trách vấn đề cạnh tranh của EC.

Mới đây, tạp chí New Statesman (Anh) đã gọi Vestager là "người phụ nữ quyền lực nhất Brussels". Trên một chiếc bàn trong văn phòng của bà, người ta có thể thấy một tác phẩm điêu khắc hình một bàn tay nắm chặt với ngón giữa giơ lên. Đây là một "món quà" mà một công đoàn ở Đan Mạch đã gửi cho Vestager, lúc bà đang tìm cách cắt giảm chế độ phúc lợi trong vai trò Phó Thủ tướng. Với Vestager, đây là thứ để nhắc nhở rằng những quyết định của bà sẽ luôn làm một ai đó phật lòng.

Ai la nguoi phu nu da dua ra quyet dinh phat Google 2,7 ty euro?
Tranh biếm họa về Vestager trên tạp chí The Economist. Họa sĩ: David Parkins

Không giống như đa số chúng ta, những quyết định của Vestager sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến toàn thế giới. Nhưng khi suy nghĩ về những người sẽ chịu ảnh hưởng từ quyết định của mình, cũng là lúc mà bà thấy mọi việc trở nên rõ ràng hơn.

"Tôi thường nghĩ về những người mà tôi đại diện. Tôi đã gặp những doanh nhân có trong tay hàng ngàn nhân viên, hàng triệu khách hàng và cũng kiếm được rất nhiều tiền. Nhưng tôi cũng nghĩ về hàng triệu người châu Âu mà tôi đang đại diện, để cố gắng cân bằng giữa 2 bên và bảo đảm là có thể gặp gỡ nhau trên cơ sở bình đẳng".

"Tôi nghĩ đến những người ở nhà, hay những người tôi gặp khi đi du lịch vòng quanh Châu Âu. Họ cần có ai đó để đảm bảo rằng mọi việc được thực hiện đúng theo luật chơi chung".

Là cơn "ác mộng" của những gã khổng lồ ở Thung lũng Silicon, không có gì ngạc nhiên khi Vestager cũng là người cực kỳ cẩn thận trong việc bảo mật thông tin. Bà tắt chức năng theo dõi vị trí trên cả 2 chiếc điện thoại của mình, và chỉ sử dụng công cụ tìm kiếm DuckDuckGo, vốn không có chức năng thu thập thông tin và tùy biến kết quả như những công cụ khác.

Trong vài tháng tới, Vestager sẽ tiếp tục phải ra quyết định về 2 vấn đề lớn khác: liệu hãng hóa chất Bayer của Đức có được quyền thâu tóm Monsanto (Mỹ) với giá 66 tỷ USD hay không, cũng như về hoạt động tránh né thuế của McDonald's ở Luxembourg.

Bá Ước

Nguồn CNBC/New Statesman


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới