Hủy
Tạp chí số 524

Thuế phí sân bay tăng, ai chịu thiệt?

Ngọc Thủy Thứ Tư | 22/03/2017 08:00

Nếu được thông qua, các loại thuế phí ở sân bay sẽ lấy thêm của hành khách 10-20% tổng thuế phí hiện phải trả.
 

Chi phí đi lại bằng máy bay sẽ sớm tăng. Điều này vừa được Cục Hàng không gián tiếp khẳng định lần nữa trong một đệ trình mới đây lên Bộ Giao thông Vận tải, về kế hoạch tăng thuế phí sân bay. Kế hoạch này đã có chút thay đổi so với dự tính ban đầu từ phía Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

Chẳng hạn, đề xuất giá dịch vụ cất/hạ cánh đối với chuyến bay nội địa vẫn là tăng thêm 15% nhưng sẽ triển khai có lộ trình. Giai đoạn 1 dự kiến chỉ tăng 5%, áp dụng từ tháng 7.2017. Giai đoạn 2 sẽ tăng tiếp phần còn lại, tính từ đầu năm 2018. Phí dịch vụ này sẽ còn điều chỉnh tùy vào tải trọng máy bay và dự kiến tăng thêm ở khung giờ cao điểm. Đối với phí sân bay tính cho hành khách di chuyển trong nước, thay vì tăng tối đa 42% lên 100.000 đồng/vé như dự kiến của ACV, con số đề xuất từ Cục Hàng không chỉ tăng khoảng 30%. Cục Hàng không cũng kiến nghị tăng một số phí dịch vụ như phí dịch vụ bảo đảm an ninh hành khách, hành lý...

Cộng lại, nếu được thông qua, các loại thuế phí ở sân bay ước sẽ lấy thêm của hành khách 10-20% so với tổng thuế phí phải trả hiện tại và có thể đẩy thuế phí lên cao hơn cả giá vé. Trong khi đó, trước áp lực chi phí đầu vào tăng, theo tính toán của ACV sẽ tăng thêm 143 tỉ đồng/năm, các hãng hàng không có thể sẽ tăng giá bán vé. Đại diện Jetstar Pacific từng cho rằng, việc tăng phí dịch vụ cảng hàng không, sân bay chắc chắn sẽ tác động đến giá vé máy bay. Đáng chú ý, ACV và Cục Hàng không còn đề xuất sẽ tăng thuế phí sân bay 2 năm/lần. Điều này đe dọa đến chiến lược giá rẻ của các hãng hàng không.

Thue phi san bay tang, ai chiu thiet?
 

Trên thực tế, thuế phí ở sân bay đều đã tăng trong những năm gần đây. Nếu như năm 2010, phí sân bay là 40.000 đồng/vé thì 4 năm sau tăng gần gấp đôi. Dù vậy, theo ông  Bùi Á Đông, phụ trách Ban Tài chính - Kế toán của ACV, mức giá kể trên vẫn rất thấp, chỉ bằng 14,8% so với giá phục vụ hành khách quốc tế và tương đương 47,9% giá thành.

Ông Bùi Á Đông còn cho rằng, nhờ giá nhiên liệu giảm và cũng nhờ chỉ trả mức giá dịch vụ rất thấp mà những năm qua, ngành hàng không tăng trưởng mạnh mẽ, còn các hãng hàng không thì ăn nên làm ra. Điển hình năm 2016, Vietjet Air đạt hơn 27.500 tỉ đồng doanh thu, tăng 38%; lợi nhuận sau thuế đạt 2.300 tỉ đồng, tăng gần 100% so với cùng kỳ.

Cũng nhờ những ưu thế trên mà giá vé máy bay đi lại ở nhiều tuyến như tuyến Hà Nội - TP.HCM của Vietjet, Jetstar thường rẻ hơn giá vé tàu hỏa. Theo ông Đông, điều này là bất hợp lý. ACV đang tìm cách để bất hợp lý không xảy ra, còn các hãng hàng không thì ít nhiều quan ngại.

Thue phi san bay tang, ai chiu thiet?
 

Vài năm gần đây, nhờ giá vé máy bay xấp xỉ vé tàu, thậm chí trong nhiều trường hợp còn rẻ hơn vé tàu, vé ô tô mà Vietjet tạo ra những thay đổi ngoạn mục trong hành vi lựa chọn phương tiện đi lại của hành khách. Hàng triệu người trước đây đi lại bằng ô tô, xe lửa đã chuyển sang dịch vụ hàng không. Kết quả, như ghi nhận của hãng tư vấn S-A-P Group, lượng di chuyển bằng máy bay từ chỗ chỉ chiếm 0,5% tổng dân số Việt Nam năm 2012 lên đến chiếm 0,8% vào giữa năm 2016. Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Bản Việt cũng khẳng định, sự bùng nổ và tăng trưởng kép (2012-2015) về lượng hành khách trong nước, ở mức 20,8%/năm đều đến từ lớp người lần đầu đi máy bay và mua vé hàng không giá rẻ.

Bây giờ, nếu thuế phí tăng thêm, đẩy giá vé máy bay (sau khi đã cộng các chi phí) lên cao, cộng thêm chi phí nhiên liệu (chiếm hơn 21% tổng chi phí) tăng trở lại, dễ khiến chiến lược mở rộng của các hãng hàng không gặp rủi ro. Theo bản cáo bạch mới nhất, năm 2017, Vietjet dự tính tăng trưởng khoảng 49% về doanh thu và 64% về lợi nhuận sau thuế. Vietjet cũng muốn mở rộng thị phần lên trên 50% trong vài năm tới. Cơ sở để Vietjet đạt đến mục tiêu này sẽ dựa vào gia tăng thêm hàng chục máy bay cũng như tăng độ phủ, tăng tổng số các chặng nội địa. Rõ ràng, Vietjet dồn lực đầu tư và đặt nhiều kỳ vọng ở thị trường nội địa.

Thue phi san bay tang, ai chiu thiet?
 

Đối với Vietnam Airlines, dù chiến lược của hãng là tập trung vào phân khúc thương gia, lớp người khá giả nhưng một khi thuế phí gia tăng có thể sẽ ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines. Hiện tại, nếu ngẫu nhiên đặt vé bất kỳ thì chênh lệch giá vé giữa Vietnam Airlines và các hãng khác đã là 40-50%. So với các vé giá rẻ được săn lùng trước vài tháng, chênh lệch còn gấp đôi, gấp ba. Vì thế, khi vé của Vietnam Airlines phải cộng thêm phần thuế phí gia tăng, cơ hội lấp đầy chuyến bay cũng như cạnh tranh của Vietnam Airlines với các hãng khác dự báo sẽ càng khó khăn hơn.

Theo một chuyên gia trong ngành,Vietnam Airlines đang thực hiện một số chương trình giảm giá và có khả năng, nếu mức thuế phí mới áp dụng, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục giảm để giữ cho mặt bằng giá vé sau thuế phí không bị đội lên. Nhưng cách thức này dễ khiến cho bài toán lợi nhuận của Vietnam Airlines thêm phần chật vật. Trong năm 2015, khi giá dầu Brent giảm gần 50% thì biên lợi nhuận gộp của Vietnam Airlines chỉ đạt 13,7%, trong khi con số này ở Vietjet đạt 14,4%.Vietnam Airlines lại định vị ở hạng 4 sao. Thứ hạng này, đặt trong bối cảnh giá thuế phí tăng càng khiến hành khách có cơ hội so sánh. Áp lực lên Vietnam Airlines vì thế sẽ nhiều hơn.

Ngọc Thủy


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới