Hủy
Tạp chí số 554

Campuchia đã tới Oscar, bao giờ đến lượt Việt Nam?

Lê Phan Thứ Ba | 17/10/2017 08:00

vtv.vn

Thành công của Mùi Đu Đủ Xanh chứng tỏ con người thuần Việt trong phim có thể tạo được dấu ấn và ghi nhận tại giải thưởng danh giá này.
 

Như thông lệ, mỗi khi Oscar vào mùa, luôn có một câu hỏi đặt ra: Phải chăng Oscar quá xa tầm với của các nhà làm phim Việt?

Câu chuyện bề nổi

Vượt Qua Sút (Việt Max) và Đảo Của Dân Ngụ Cư (Hồng Ánh), bộ phim Cha Cõng Con trở thành đại diện của Việt Nam tham dự vòng sơ loại hạng mục “Phim nước ngoài hay nhất” tại Oscar 2018. Phim chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của đạo diễn Lương Đình Dũng kể về câu chuyện hai cha con Mộc và Cá, sống tại một vùng núi nghèo, bão lũ tàn phá quanh năm. Giấc mơ tuổi thơ của Cá chưa kịp bay thì cậu bé mắc bệnh ung thư máu. Người cha nghèo gói ghém đưa con về xuôi, tìm cách chữa bệnh. Mặc dù đã chinh phục được khá nhiều liên hoan phim quốc tế nhưng quy mô và uy tín của các liên hoan phim này có vẻ không thuyết phục được giới làm phim. Khi trình chiếu trong nước, Cha Cõng Con khiến khán giả khó lòng chấp nhận bởi tính ước lệ trong phim sai về mặt địa lý. Không ít ý kiến cho rằng, Đảo Của Dân Ngụ Cư xứng đáng hơn.

Tuy nhiên, dẫu phim nào được chọn đi chăng nữa thì cơ hội chen chân vào vòng trong không hề đơn giản bởi hạng mục này quy tụ tinh hoa từ các quốc gia khắp nơi trên thế giới. Nguyên nhân của sự kém duyên này, theo đạo diễn Phan Đăng Di: “Oscar là nơi tập trung tất cả những tinh hoa, những xu hướng điện ảnh, những nhà làm phim lớn nhất. Với sự cạnh tranh này, nền điện ảnh phải mạnh, có sự thu hút và những tài năng lớn. Đó là cái chúng ta đang thiếu. Một mặt, chúng ta phải nhìn vào đó để nỗ lực. Mặt khác, chúng ta phải nhìn nhận nó một cách bình thản. Một nền điện ảnh có thể ghi dấu ấn ở Oscar phải là nền điện ảnh có bề dày, đằng sau nó cần cả nền văn hóa. Những thành công của châu Á tại Oscar cũng là những nước có nền văn hóa lớn. Chúng ta có nhiều chất liệu hay để làm phim, nhưng tiếc rằng những hạn chế về mặt tài năng, về kiểm duyệt... còn ảnh hưởng. Do đó, nền điện ảnh của chúng ta vẫn đang nằm ở nấc thang tương đối thấp so với thế giới”.

Tính đến thời điểm hiện tại, có 8 phim đại diện Việt Nam tham dự Oscar là: Chuyện Của Pao (2007), Áo Lụa Hà Đông (2008), Đừng Đốt (2010), Khát Vọng Thăng Long (2012), Mùi Cỏ Cháy (2013), Trúng Số (2015), Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh (2016) và Cha Cõng Con (2018). Oscar các năm 2009 và 2013, dù nhận được thư mời nhưng hai phim Rừng Đen và Thiên Mệnh Anh Hùng đều không đáp ứng được điều kiện chiếu thương mại liên tiếp trong 7 ngày theo khoảng thời gian quy định. Năm 2011 không có đại diện nào của Việt Nam được gửi đi nhưng liên tiếp hai năm 2013, 2014 Việt Nam được mời dự Oscar.

Campuchia da toi Oscar, bao gio den luot Viet Nam?

Mẫu số chung để một phim nhận được giải thưởng danh giá này là kịch bản chặt chẽ, câu chuyện mang tính toàn cầu, có sự lay động bởi sự vươn lên của nhân vật. Điều này không có nghĩa là Oscar nằm ngoài tầm với của các nhà làm phim Việt Nam. Thành công của Mùi Đu Đủ Xanh (đạo diễn Trần Anh Hùng, phim lọt vào vòng đề cử 1 trong 5 phim nước ngoài xuất sắc nhất Oscar 1994) dẫu là phim của một đạo diễn người Pháp, gốc Việt được sản xuất tại Pháp, chứng tỏ con người thuần Việt trong phim có thể tạo được dấu ấn và ghi nhận tại giải thưởng danh giá này.

Những mạch ngầm bị bỏ quên

Trở lại sự lựa chọn của Hội đồng Tuyển phim, có thể thấy điểm sáng trong vài năm gần đây trong tiêu chí chọn giải: các phim do tư nhân sản xuất (mở đầu là Trúng Số), những câu chuyện giản dị, xúc động bắt đầu được chú ý thay vì các phim Nhà nước đặt hàng hay khu biệt đề tài chiến tranh, hậu chiến như trước đây. Song, cũng cần phải nói rằng, trong nhiều năm không chọn được phim tham dự, hoặc so bó đũa chọn cột cờ vì không còn phim nào khác, tồn tại một thực trạng, nhà sản xuất không mặn mà lắm với Oscar bởi họ hiểu rõ phim của họ được làm nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí, thương mại. Còn các nhà làm phim độc lập hầu như bị ngó lơ, trong khi chính tiếng nói độc đáo và khác biệt của họ mới là thứ điện ảnh thế giới tìm kiếm và biết đến Việt Nam. Họ không chỉ bị bỏ quên trên con đường tìm ra thế giới, mà còn trở thành người đứng ngoài lề với điện ảnh trong nước: chật vật với kinh phí, với kiểm duyệt, phát hành và vô vàn khó khăn khác.

Để giữ tình yêu và khát khao làm phim, họ chọn cách lội ngược dòng. 2017 là một năm vui cho phim độc lập, bởi tiếp nối những cái tên gạo cội như Phan Đăng Di, Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Nguyễn Hoàng Điệp, một thế hệ mới đã rục rịch trưởng thành. Là Trần Dũng Thanh Huy với Thằng Ròm sau phim ngắn 16:30, là Culi Không Bao Giờ Khóc của Phạm Ngọc Lân và Vị của Lê Bảo vinh dự có mặt cùng 14 dự án khác tham dự giải L’Atelier - Quỹ Điện ảnh Cinéfondation, hạng mục giới thiệu các dự án phim mới đến từ khắp nơi trên thế giới tại Cannes để gặp gỡ các nhà làm phim và đầu tư uy tín.

Năm 2013, The Missing Picture của đạo diễn Rithy Panh lọt vào vòng đề cử Oscar 2014, khiến người yêu điện ảnh nức lòng. Năm nay, First They Killed My Father, câu chuyện về đất nước và con người Campuchia do Angelina Jolie đạo diễn, đại diện nước này ở hạng mục Phim nước ngoài hay nhất tại Oscar 2018. Để có được thành quả ngọt ngào này, trước đó, các nhà lãnh đạo điện ảnh Campuchia đã đưa ra nhiều chính sách thu hút các nhà làm phim nước ngoài: đơn giản thủ tục hành chính, đầu tư mua trang thiết bị âm thanh, ánh sáng và cho thuê với giá phải chăng, ký kết Hiệp định sản xuất điện ảnh với Chính phủ Pháp nhằm tận dụng sự hỗ trợ từ phía Pháp, sửa đổi luật thuế để hỗ trợ sản xuất cho nhà làm phim nước ngoài...

Oscar có phải là giải thưởng vinh dự cho người làm phim không? Chắc chắn là có! Nhưng Oscar không phải là đích đến cuối cùng. Điều quan trọng, làm sao để phát triển một nền điện ảnh giàu nội lực, đủ tự tin chinh phục thế giới bằng câu chuyện của chính mình, về đất nước mình. Sự chuyển dịch này, chắc chắn không thể chỉ bắt đầu bằng nỗ lực vượt khó của các nhà làm phim độc lập.

Lê Phan


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới