Hủy
Tạp chí số 562

Vinacafé Biên Hòa giải cơn khát của Masan

Hằng Nguyễn Thứ Hai | 11/12/2017 16:00

Ngày 5.12, Công ty cổ phần Vinacafé Biên hòa công bố việc nhận được lời chào mua công khai từ Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Masan Beverage.
 

Đây là công ty con của Masan Consumer, thuộc Tập đoàn Masan. Masan Beverage chào mua 8.383.372 triệu cổ phiếu, tương đương 31,5% cổ phần còn lại của Vinacafé Biên Hòa với giá 202.000 đồng/cổ phần, nhằm nâng sở hữu tại Vinacafé Biên Hòa lên 100%.

Như vậy, nếu thành công mua được 100% cổ phần và hoàn tất vào quý I/2018, Vinacafé Biên Hòa sẽ không còn là công ty đại chúng và sẽ rời khỏi sàn giao dịch chứng khoán sau 6 năm niêm yết. Trước thông tin này, cổ phiếu VCF của Công ty Vinacafé Biên Hòa tăng trần 3 phiên liên tiếp, ở mức 246.100 đồng, đứng vị trí thứ 2 trong top 5 mã cổ phiếu đắt nhất sàn chứng khoán Việt Nam, chỉ sau Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - mã SAB)...

Tại sao Masan lại muốn thâu tóm Vinacafé Biên Hòa? Quá trình thâu tóm một trong những hãng cà phê hàng đầu của Việt Nam đã diễn ra như thế nào?

Mảnh ghép mảng hàng tiêu dùng cho Masan

Hãy quay trở lại bối cảnh năm 2011. Khi đó, Tập đoàn Masan đã nắm giữ lượng lớn tiền mặt trong tay lên tới gần 5.000 tỉ đồng, với sản phẩm chủ lực là gia vị và mì gói. Trong khi nước mắm và nước tương áp đảo thị trường, thì mì gói chiếm vị trí thứ 2. Dư địa tăng trưởng trong 2 ngành không nhiều do các đối thủ hàng đầu luôn kèm sát. Do đó, Masan phải tìm hướng tăng trưởng ở ngành hàng khác. Tập đoàn đã có ý định thâu tóm ngành hàng tiêu dùng Việt Nam, lần lượt từng mặt hàng với các doanh nghiệp chủ chốt tương ứng (cà phê, thức ăn chăn nuôi, nước khoáng...).

“Tăng trưởng thông qua M&A luôn được đề cao trong chiến lược hoạt động của Tập đoàn Masan. Một thương vụ M&A tích hợp theo kiểu tổ hợp (conglomerate integration - kết hợp giữa các doanh nghiệp cùng thị trường, không cạnh tranh nhau về sản phẩm) sẽ giúp Masan gia tăng sự phong phú trong ngành hàng tiêu dùng và có được nguồn cung yếu tố đầu vào để bổ trợ cho hoạt động của Tập đoàn”, bà Minh Hà, nghiên cứu về mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, phân tích.

Vinacafé Biên Hòa hội đủ 3 yếu tố về tiềm năng tăng trưởng, bổ sung giá trị cho Masan và có thể thâu tóm được. Khi đó, Vinacafé Biên Hòa đang dẫn đầu thị trường cà phê hòa tan tại Việt Nam với hơn 40% thị phần. Cà phê cũng là sản phẩm tiêu dùng đại chúng, phù hợp với cơ cấu ngành hàng của Tập đoàn. Đồng thời, Masan và Vinacafé Biên Hòa có thể tận dụng hệ thống phân phối của nhau để mở rộng thị trường. Thâu tóm được Vinacafé Biên Hòa, Masan tiến thẳng vào thị trường cà phê đầy tiềm năng tại Việt Nam ở vị trí thuận lợi. Vinacafé Biên Hòa tiền thân là nhà máy cà phê Coronel, ra đời từ năm 1969.

Sau nhiều thăng trầm lịch sử, đây chính là công ty đã tạo ra thương hiệu Vinacafé và đưa thương hiệu vươn ra quốc tế trước khi về với Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafé). Khi niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán vào năm 2011, Vinacafé là cổ đông lớn nhất nắm giữ hơn 50% cổ phần của Vinacafé Biên Hòa. Hiện nay, Vinacafé Biên Hòa sở hữu nhà máy sản xuất cà phê hòa tan có công suất 4.500 tấn/năm, tương đương với công suất nhà máy lớn nhất của 2 đối thủ Nestlé và Trung Nguyên.

Vinacafe Bien Hoa giai con khat cua Masan
 

Dưới sự quản lý của Masan, doanh thu của Vinacafé Biên Hòa đã tăng từ 2.141 tỉ đồng vào năm 2012 lên mức 3.393 tỉ đồng vào năm 2016, đạt tốc độ tăng trưởng kép 12%. Biên lợi nhuận gộp cũng tăng từ 27,3% lên 35,3% trong cùng thời gian. Đóng góp của Vinacafé Biên Hòa vào Masan không quá nhiều, nhưng cũng không ít, với lợi nhuận sau thuế năm 2016 của Vinacafé Biên Hòa đạt 381 tỉ đồng so với 3.772 tỉ đồng mà Masan đạt được. Như vậy, năm 2016, Vinacafé Biên Hòa đóng góp khoảng 7% doanh thu và 10% lợi nhuận sau thuế vào con số tổng tương ứng của Masan.

Tập đoàn Masan thâu tóm toàn bộ Vinacafé Biên Hòa với niềm tin “cà phê và các sản phẩm từ cà phê sẽ là một trong các nền tảng trụ cột trong chiến lược phát triển ngành hàng đồ uống và tạo ra “giá trị gia tăng” cao cho ngành cà phê của Việt Nam”.

“Việc mua thành công có tác động tích cực lên Masan vì Tập đoàn sẽ gia tăng giá trị và có vị trí quan trọng trong thị phần của ngành cà phê Việt Nam. Về phía Vinacafé Biên Hòa, khó nhận định đây là điều tốt hay không. Nhưng rõ ràng khi Masan điều hành thì kết quả kinh doanh có nhiều dấu hiệu khả quan hơn, giá cổ phiếu cũng tăng liên tục dù thanh khoản không đáng kể”, bà Minh Hà nhận định.

Thâu tóm trong 6 năm

Tháng 10.2011, Tập đoàn Masan tuyên bố chính thức trở thành cổ đông Vinacafé Biên Hòa sau khi chào mua công khai 50,1% vốn điều lệ Vinacafé Biên Hòa thông qua công ty con Masan Consumer ở mức giá 80.000 đồng/cổ phần. Trong đó, 16,3% vốn điều lệ được 2 cổ đông lớn là ông Trần Quang Lộc và Công ty Chứng khoán Beta bán trực tiếp, phần còn lại được một bên thứ 3 thu mua giúp cho Masan Consumer (được cho là Công ty Chứng khoán Bản Việt - đơn vị tư vấn cho Masan) từ các cổ đông tổ chức khác như Vinacafé, VinaCapital, VF1, Quỹ Vietcombank, Vietnam Holding.

Vinacafe Bien Hoa giai con khat cua Masan
Masan và Vinacafé Biên Hòa có thể tận dụng hệ thống phân phối của nhau để mở rộng thị trường.

Sau đó, thông qua giao dịch trên sàn chứng khoán, Masan Consumer nâng sở hữu tại Vinacafé Biên Hòa lên 53,2% vốn điều lệ. Tháng 2.2015, Masan Consumer chuyển toàn bộ 53,2% cổ phần của Vinacafé Biên Hòa qua cho Masan Beverage. Tiếp đó, vào tháng 2.2016, thông qua giao dịch thỏa thuận, Masan Beverage nâng sở hữu của mình lên 60,2%. Lần gần đây nhất vào tháng 12.2016, Masan Beverage chào mua công khai để nâng sở hữu tại Vinacafé Biên Hòa lên 68,5% ở mức giá 170.000 đồng/cổ phần.

→Masan dự kiến doanh thu năm 2017 tăng trưởng 15-20%

Lần này, Masan công bố giá chào mua công khai mỗi cổ phần là 202.000 đồng. Tuy nhiên, Vinacafé Biên Hòa sẽ trả cổ tức tiền mặt 66.000 đồng/cổ phần. Công ty Cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) ước tính Masan sẽ chi trả 1.693 tỉ đồng để mua 8.383.372 cổ phiếu VCF. Vinacafé Biên Hòa ước chi 1.700 tỉ đồng để chi trả cổ tức tiền mặt, từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối dự kiến khoảng 2.000 tỉ đồng tính đến ngày 31.12. Với mức giá chào mua và tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt này thì tỉ suất sinh lời cho cổ đông trong giai đoạn 2012-2017 từ khi Masan sở hữu cổ phần chi phối là 3,4 lần.

Tại giá chào mua, cổ phiếu VCF được định giá theo P/E (thị giá trên thu nhập mỗi cổ phiếu) là 21 lần. HSC đánh giá mức cổ tức tiền mặt chi trả là một động lực thu hút được phần lớn cổ đông thiểu số bán cổ phần vì giá chào mua sau cổ tức là khá hấp dẫn. Trong số 31,5% số cổ phần chào mua còn lại, 24,5% đang được Gaoling Fund, L.P và tổ chức liên quan, YHG Investment, L.P nắm giữ.

Đã có nhiều trường hợp tự nguyện hủy niêm yết khi sáp nhập với một công ty niêm yết khác, nhưng trường hợp hủy niêm yết vì bị thâu tóm toàn bộ công ty thì đây là lần đầu tiên. Không thể nói đây là một thương vụ thâu tóm điển hình. “Doanh nghiệp niêm yết nên chú trọng các biện pháp phòng thủ đối với chào mua công khai và giữ mối liên kết chặt chẽ với các cổ đông hiện hữu, đặc biệt là cổ đông lớn”, bà Minh Hà tư vấn.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới