Hủy
Tạp chí số 604

"Ông hàng phở" đi bán gỗ

Phương Quyên Thứ Ba | 16/10/2018 06:30

Doanh nhân Lý Quí Trung trở lại với lần khởi nghiệp thứ 3 với mục tiêu xây dựng thương hiệu cho gỗ xuất khẩu của Việt Nam.
 

Ông Lý Quí Trung kể chuyện kinh doanh nhà hàng: "Chết nhanh" còn hơn "chết từ từ"

Đích 18-20 tỷ USD cho gỗ, lâm sản xuất khẩu


Gặp Lý Quí Trung ở Toong, một coworking space hiện đại tại TP.HCM. Vẫn nụ cười tự tin nhưng phong thái anh đã ít nhiều thay đổi. Anh lắng hơn, trầm hơn. Bảy năm gần như không xuất hiện trên thương trường, sau khi hoàn tất thương vụ Phở 24 để sang Úc định cư, hôm nay, anh có mặt tại Lễ phát động Hoa Mai, một cuộc thi thiết kế đồ nội thất do Hội Thủ công Mỹ nghệ và Chế biến gỗ (Hawa) tổ chức để nói chuyện với những bạn trẻ về “Từ thiết kế đến thương mại”, về câu chuyện tạo nên sức sống cho những sản phẩm chế biến gỗ Việt Nam.

Đó cũng là chủ đề mà doanh nhân này muốn giải là làm thế nào để gầy dựng thương hiệu cho đồ gỗ Việt Nam, thay cho thị trường thực phẩm mà anh từng dốc nhiều tâm sức và thành danh. 

“Không kể đến chuyện kinh doanh của gia đình thì tôi đã có niềm đam mê với cái đẹp hiện diện trong những sản phẩm nội, ngoại thất từ nhỏ. Trong việc lập thân, điều khiến tôi cảm thấy thú vị là hành trình xây dựng thương hiệu cho một sản phẩm của Việt Nam. Nếu ráp hai yếu tố ấy lại, sẽ thấy nguyên nhân tôi chọn con đường này hoàn toàn dễ hiểu”, Lý Quí Trung bắt đầu câu chuyện như vậy.

Tháng 8.2018, Lý Quí Trung chính thức đảm nhận chức vụ CEO - Tổng Giám đốc AKA Furniture Group, thương hiệu sở hữu các chuỗi cửa hàng phân phối sản phẩm nội thất như Nhà Xinh và độc quyền phân phối các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới như: BoConcept, Calligaris, Arclinea... Đây được xem là điểm mốc cho việc anh chính thức trở lại thị trường trong nước. Anh phân tích: “Tiềm năng từ thị trường nội thất phục vụ hơn 100 triệu dân tại Việt Nam không hề nhỏ. Nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản đang phát triển nóng như hiện nay, kéo theo nhu cầu nội thất cũng phát triển”.

 

Thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, năm 2017, bình quân tiêu dùng đồ gỗ nội địa hiện nay ở Việt Nam đã vào khoảng 31 USD/người, tương đương gần 2,8 tỉ USD doanh thu. Nếu tính cả mức tăng của các dự án nhà ở sẽ thấy, nhu cầu nội thất thị trường nội địa trong thời gian tới không hề nhỏ, có thể lên đến 4 tỉ USD. Tham gia vào một ngành đầy tiềm năng phát triển, cơ hội rất lớn để “ông bán phở” hiện thực hóa được đam mê gầy dựng thương hiệu mang tầm quốc gia với khả năng vươn dài ra thế giới.

“Với tôi, đúng ra đây là lần khởi nghiệp thứ 3. Lần thứ nhất với chuỗi tiệm phở. Lần thứ 2 với cuộc sống mới tại Úc và lần thứ 3 với việc dấn thân vào ngành nội thất. Lần nào cũng đầy thử thách nhưng lần này có vẻ khó khăn hơn vì đây là một lãnh vực hoàn toàn mới lạ. Nhưng chính điều đó mới làm tôi cảm thấy tươi mới và vô cùng thú vị!”, Lý Quí Trung chia sẻ. Theo anh, đây là một hành trình khó, bởi nội thất Việt Nam tuy đang trên đà phát triển mạnh mẽ nhưng chủ yếu vẫn còn nằm ở “chiếu dưới” trong chuỗi cung ứng xuất khẩu gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ có giá trị hơn 8 tỉ USD vào năm 2017. Con số này dự kiến sẽ leo lên mức 9 tỉ USD trong năm 2018. Chiếu dưới ở đây là chủ yếu còn làm gia công thay vì làm thương hiệu, còn thu tiền trên sức lao động của nhân công rẻ thay vì thu tiền trên hàm lượng chất xám bỏ vào trong sản phẩm.

 

Theo doanh nhân nổi tiếng là người tiên phong trong lãnh vực nhượng quyền của Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp làm đồ nội thất Việt không nên tự gò ép mình trong suy nghĩ. Thay vào đó, hãy nương theo nhu cầu thiết thực của khách hàng hay xu thế của thị trường trong và ngoài nước. Thế giới ngày hôm nay với sự tiếp sức của internet đã phẳng rất nhiều rồi, nghĩa là cái gì xảy ra ở ngoài kia trước sau gì cũng xảy ra ở trong nước. Nhất là khi doanh nghiệp Việt Nam có tham gia hay có ý đồ ngắm nghía đến thị trường xuất khẩu.

Song song đó là chiến lược phát triển hệ thống phân phối đủ mạnh để làm chủ cuộc chơi ở thị trường nội địa, Lý Quí Trung cho rằng xây dựng cho bằng được một đặc thù, sắc thái riêng thật đậm nét cho thương hiệu Nhà Xinh sẽ là một trong những công việc hàng đầu của anh trong thời gian tới. Một công việc đường dài và tốn nhiều nỗ lực và công sức, mà trong đó phòng nghiên cứu và phát triển R&D sẽ là nơi khởi sự.

 


Khi được hỏi về kế hoạch phát triển của Nhà Xinh và cả một hệ thống thương hiệu nội thất trực thuộc Tập đoàn AKA Furniture Group, Lý Quí Trung không ngần ngại chia sẻ là sẽ không dừng lại ở con số 20 cửa hàng trưng bày và bán lẻ khắp nước. Cụ thể trong cuối năm nay Tập đoàn sẽ khai trương 2 showroom rất lớn với hàng ngàn mét vuông tại khu vực Thụy Khuê và Lương Yên của Hà Nội. Còn thị trường các nước trong khu vực có gu nội thất tương đồng với Việt Nam thì đã nằm trong kế hoạch cho năm sau.

Anh nhận định: “Làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc, quốc gia đứng đầu về xuất khẩu sản phẩm gỗ của thế giới sang Việt Nam là khó tránh. Nếu chúng ta không kịp thời tổ chức tốt câu chuyện phân phối, thị trường nội địa đầy tiềm năng có thể sẽ vuột khỏi tay doanh nghiệp Việt”.

 



Chúng tôi kết thúc buổi nói chuyện bằng câu hỏi vậy thử thách lớn nhất đối với anh lúc này là gì? Chậm lại vài giây, Lý Quí Trung cho rằng nó không hẳn chỉ đến từ công việc mà còn đến từ chuyện riêng tư của mình. Đó là làm sao vừa điều hành tốt công việc kinh doanh, vừa giữ được sợi dây gắn bó với gia đình nhỏ của mình còn đang ở nước ngoài. Chưa kể đang thong dong thư thả trong một thời gian khá dài ở bên ngoài, đùng một cái nhảy trở vào “chảo lửa” của thương trường Việt Nam đầy dâng trào, sống động. Quản trị sự thay đổi chưa bao giờ dễ dàng cả.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới