Hủy
Tạp chí số 617

Gido Cainiao phiên bản Việt

Huy Vũ Thứ Sáu | 18/01/2019 09:09

Ông Võ Hoàng Hải, Giám đốc Điều hành Gido. Ảnh: Quý Hòa

Gido đặt mục tiêu là đơn vị vận chuyển hàng thương mại điện tử xuyên biên giới theo đường chính ngạch đầu tiên ở Việt Nam.
 

Theo báo cáo của Công ty DHL, tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử xuyên biên giới trên toàn cầu sẽ giữ vững ở mức 25% trong suốt 3 năm tới, gấp đôi so với thương mại điện tử nội địa. Theo đó, tổng giá trị các giao dịch sẽ tăng từ 300 tỉ USD năm 2015 lên ngưỡng 900 tỉ USD, chiếm đến 22% tổng giá trị thương mại điện tử toàn cầu vào năm 2020.

Khu vực Đông Nam Á, theo báo cáo của Google - Temasek, năm 2018, doanh thu thương mại điện tử xuyên biên giới là 2,32 tỉ USD, chiếm khoảng 10% doanh thu thương mại điện tử khu vực này. Ước tính năm 2019, doanh thu thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ vào khoảng 3,1 tỉ USD, với giá trị trung bình là 30 USD/đơn hàng.

Tại Việt Nam, ước tính doanh thu thương mại điện tử xuyên biên giới vào khoảng 28 triệu USD năm 2018, chiếm chưa tới 1% so với tổng doanh thu toàn ngành thương mại điện tử, cho thấy tiềm năng phát triển còn rất lớn. Do đó, khi nhu cầu mua hàng tăng, nhu cầu vận chuyển cũng tăng theo. Ước tính thị trường hậu cần thương mại điện tử xuyên biên giới chiếm khoảng 10% tổng giá trị giao dịch.

Gido Cainiao phien ban Viet
 

Ông Võ Hoàng Hải, Giám đốc Điều hành Gido, cho biết, Công ty đặt mục tiêu sẽ xây dựng hệ thống thông tin minh bạch trong suốt quá trình món hàng được gửi đi. Có thể lấy ví dụ, khi người mua hàng trên các website trong nước, họ có thể biết được món hàng đang trong tình trạng lưu kho, nhập kho hay vận chuyển và ai là người vận chuyển. “Chúng tôi muốn đem trải nghiệm này vào các món hàng xuyên biên giới”, ông Hải nói.

Thành lập tháng 7.2017, Gido là công ty vận chuyển thương mại điện tử xuyên biên giới trực thuộc Scommerce (công ty mẹ của Giao Hàng Nhanh, Ahamove). Điểm nổi bật của Gido là đầu tư hạ tầng công nghệ để kết nối tất cả các nhà vận chuyển. Bằng cách làm này, Công ty không phải đầu tư cơ sở hạ tầng như kho bãi, thiết bị vận chuyển nhưng vẫn có thể đáp ứng lượng đơn hàng và mở rộng quy mô trong thời gian ngắn.

Mô hình Gido có thể xem như Cainiao (Alibaba) phiên bản Việt Nam. Các công ty hậu cần truyền thống tại Trung Quốc cần rất nhiều nhân công và trang thiết bị để vận hành. Như Jingdong cần từ 70.000-80.000 nhân viên để xử lý 1 triệu kiện hàng/ngày; trong khi SF Express cần gần 400.000 người để xử lý 4 triệu kiện hàng/ngày. Trong khi đó, chỉ bằng việc kết nối, số liệu hồi tháng 9.2016 cho thấy, Cainiao chỉ có khoảng 1.400 nhân viên để cáng đáng gấp nhiều lần lượng công việc của cả Jingdong và SF Express cộng lại.

Không chỉ mình Gido, ở Đông Nam Á và thế giới, 4PX và wnDirect cũng hướng theo mô hình Cainiao để tận dụng sức mạnh của việc kết nối. Thử nghiệm trong một năm, tháng 3.2018, Gido bắt đầu khai thác nhập hàng từ Mỹ về Việt Nam. Tận dụng ưu thế công nghệ, trong vòng 6 tháng kế tiếp, Công ty nhanh chóng khai thác tiếp tuyến Trung Quốc và Hàn Quốc.

Gido Cainiao phien ban Viet

Ước tính, hiện nhu cầu thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới  tại Việt Nam là 20.000 đơn hàng/ngày, đến cuối năm 2019 sẽ tăng đến 100.000 đơn hàng/ngày. Thực tế, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử xuyên biên giới đã thu hút nhiều đơn vị hậu cần trong khu vực tham gia như aCommerece.asia (Thái Lan), Anchanto.com, Specommerce.com (Singapore).

Ngoài Gido cũng có nhiều đại diện tham gia nhưng chia làm 2 nhóm khác biệt rõ rệt về công nghệ. Nhóm thứ nhất là các công ty có kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và họ mở thêm nhánh giao hàng xuyên biên giới để mở rộng thị phần. Đại diện nhóm này là Fado của Tập đoàn Miczone.

Thứ 2 là nhóm sử dụng công nghệ làm nền tảng kết nối các bên với nhau, điển hình là Công ty Peacesoft. Công ty sở hữu Boxme (kết nối các nhà cung cấp kho bãi dịa phương), Shipchung (kết nối các nhà vận chuyển địa phương) và gần đây Công ty ra mắt Weshop (website nhận đặt hàng từ Mỹ, Nhật và Anh).

Mô hình như Gido, kết nối các nhà vận chuyển xuyên biên giới, tạm thời được xem là duy nhất ở Việt Nam. Vấn đề là khác với Alibaba, vốn có hàng chục triệu đơn hàng xuyên biên giới để làm nam châm thu hút các công ty hậu cần tham gia Cainiao. Gido có gì? Theo ông Hải, Gido hướng đến tập khách hàng là các sàn thương mại điện tử do đó hệ thống được thiết kế để theo dõi chính xác đến từng bưu kiện đơn lẻ, quản lý hàng hóa ở các kho ngoại.

Một điểm thu hút đối tác tham gia là Gido được hậu thuẫn bởi hệ thống của Giao Hàng Nhanh và Ahamove, hiện có 1.000 điểm giao nhận hàng và 30.000 tài xế trên toàn quốc giúp rút ngắn thời gian nhận hàng. Nhiều khả năng cuối năm 2019, Gido sẽ thử nghiệm dịch vụ xuất hàng từ Việt Nam sang nước khác.

“Chúng tôi tin rằng khi thị trường ngày càng phát triển, giải pháp chuyên nghiệp và minh bạch là những điều người kinh doanh phải hướng đến”, ông Hải nói.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới