Hủy

Rượu khai vị: Những chai rượu Mỹ đáng nếm nhất

Thứ Bảy | 20/07/2013 11:43

Rượu khai vị vốn là món "tủ" của Ý và miền Nam nước Pháp. Nhưng một số chai rượu đậm chất Mỹ dưới đây đang làm bão trong giới rượu ngon.
 

Nhấm nháp rượu khai vị như một kiểu xoa dịu những mỏi mệt sau một ngày dài bận rộn. Trở về nhà, bỏ đôi cao gót chật chội hay nới lỏng chiếc cà vạt bí bách, rồi thưởng cho mình vài ngụm mát lạnh nồng nàn thực sự là một phương thức thư giãn lý tưởng.

Rượu khai vị (Aperitif, hay “Aperitivo” trong tiếng Ý) - mang ý nghĩa mở màn cho mỗi bữa ăn. Đây là thứ rượu truyền thống ở châu Âu, nhất là ở Ý và miền nam nước Pháp.

Công thức làm ra rượu khai vị có thành phần hương thơm đa dạng và thảo mộc được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, mang nhiều màu sắc thành kính và tôn nghiêm. Phải chăng chính vì như thế, mà trước đây, rượu khai vị của châu Âu là điều gì đó thật xa lạ, bí ẩn với những tín đồ rượu ngon đến từ Tân thế giới?!

Nhưng rõ ràng bây giờ, sự xa cách và bí ẩn đó không còn nữa. Người Mỹ đem tới cho thế giới những thứ rượu khai vị làm từ trái quả ngọt ngào, êm mượt có nốt vị thảo mộc độc đáo. Dù lấy cảm hứng từ thứ thức uống cổ điển của châu Âu, những chai rượu khai vị mới mẻ này mang đậm khí chất Mỹ.

;
Người Mỹ đang uống nhiều hơn và sành hơn.

Để xác định được những phẩm chất làm nên loại rượu khai vị ngon thật không dễ dàng. Mời độc giả chú ý một số điều sau từ kinh nghiệm của một tín đồ rượu từng trải.

Rượu khai vị khi uống thường khan, vị ngọt và đắng cân đối, độ cồn vừa phải. Rượu có thể vô cùng phức hợp với hàng chục mùi hương thực vật được nêu tên trong công thức, hoặc cũng có thể có thành phần hết sức giản đơn. Điều quan trọng là nó sẽ kích thích vị giác của bạn, và thậm chí là cả những ký ức êm đềm.

“Khi tạo ra một thứ rượu nồng nàn như Vermouth - cân nhắc định lượng đường, thảo mộc và các loại hoa quả khác, bạn có nhiều cơ hội để thiên biến vạn hóa và tạo nên những sản phẩm bất ngờ”, Mayur Subbarao, một luật sư kiêm chuyên gia pha chế rượu chia sẻ.

“Những nhà pha chế đến từ châu Âu quá cứng nhắc khi chỉ mãi trung thành với những công thức đã có lịch sử dài lâu, trong khi người Mỹ, họ can đảm và dám mạo hiểm hơn nhiều, họ không ngại thử nghiệm và vì thế, họ tạo ra những ly khai vị thật mới lạ, thật ‘Mỹ’.”

Nói thế, song Subbarao vẫn rất trân trọng những món rượu khai vị đến từ châu Âu, những sáng tạo bất hủ như Amère Sauvage của Bittermens - lấy cảm hứng từ những loại rượu mùi thêm thắt nốt vị cây long đởm. Một sản phẩm khác của thương hiệu Bittermens là Amère Nouvelle - được xem là sự tưởng nhớ về Amer Picon, thứ rượu mùi vị ngọt đắng nổi tiếng suốt một thời gian dài tại Pháp.

“Là một người đam mê cocktail, tôi không tìm kiếm những thức uống ngon lành sẵn có, mà luôn muốn tạo ra những hương vị mới lạ, tái tạo những công thức tưởng như đã thất truyền để đem đến cho người sành rượu thời nay những thức uống ngon lành kiểu thập niên 20, 30 song chẳng bao giờ lỗi mốt.”

Không được sinh ra trong một “nền văn hóa” rượu khai vị, song, những nét tinh tế của ẩm thực Italia đã ngấm vào máu của Deirdre Heekin, từ những chuyến đi du lịch-khám phá của nữ chuyên gia pha chế - phục vụ rượu này.

Sau chuyến đi xuyên vùng Calabria vào năm 2002, một chuyến đi đem đến cho Heekin nhiều kiến thức mới về rượu mùi chế biến tại nhà với thành phần hoa hồng và các loại thực vật khác, cô đã bắt đầu thử nghiệm với việc hòa trộn các loại rượu mạnh nguồn gốc thảo mộc và nhiều loại rượu bổ do chính tay cô ngâm: “Nếm thử những hương vị hoàn toàn độc đáo cho chính mình tạo ra, thật là một cảm giác tuyệt vời.” Heekin hào hứng chia sẻ.

Vậy nên, khi công ty rượu Eden Ice Cider đặt tại Vermont đề nghị Heekin hãy phát triển những phiên bản rượu khai vị nội địa Mỹ lấy rượu táo Vermon làm cốt nền, Heekin nhận lời ngay. Thử nghiệm đầu tiên của cô là sản phẩm Orleans Herbal, thứ rượu ủ thơm hết sức tươi mới, vị ngọt dịu, hơi chát và có màu sắc vàng óng giống rượu champagne.

Sản phẩm thứ hai của Heekin là Orleans Bitter, màu ánh hồng và có kết cấu cứng cáp, điểm vị chát của hoa trái.

Điều đáng nói ở đây là, cả hai công thức rượu của Deirdre Heekin đều sử dụng hoàn toàn các thành phần nguyên liệu sẵn có tại Vermont. “Nhiều loại rượu khai vị ở châu Âu sử dụng vỏ cam quýt, nhưng rõ ràng những món đó không sẵn ở vùng núi Vermont” Heekin cho biết. Vậy nên, để phần nào trung thành với những gì truyền thống, cô quyết định gia giảm các thành phần như dầu chanh và lá xô thơm để tăng nốt vị chua tự nhiên. Kết quả vô cùng tuyệt vời.

“Tôi thích học tập từ truyền thống, song không muốn bị bó buộc bởi truyền thống.” đó là quan điểm của Patrick Taylor, chuyên gia làm rượu chính tại hãng Cana’s Feast đặt tại Carlton, Oregon. Sản phẩm rượu Chinato D’Erbetti đậm đà, nồng cay vị quế của ông có thể xem là một nhánh của dòng rượu Vermouth ngọt đến từ Italia, làm từ nho Nebbiolo.

Bianca Miraglia, chuyên gia pha chế rượu 29 tuổi đến từ Brooklyn cùng chia sẻ quan điểm với Taylor. “Lúc đầu, mọi người đều nói ta không thể chế ra rượu Vermouth mà thiếu đi thành phần cây long đởm hay vị ngải đắng, nhưng thật ra đâu có hề gì. Đừng chỉ chăm chăm làm rượu, bạn cần có cả phong cách và sự biến hóa nữa.”

Những gì cô Miraglia nói hoàn toàn xác đáng. Thứ rượu do cô tạo nên chất chứa nhiều yếu tố mê hoặc: vị chát của Apple Mint, chất thô mộc từ củ bạch đàn và nét ngòn ngọt cay cay của Serrano Chile Lavender.

Dù là truyền thống hay hiện đại, thứ rượu khai vị hảo hạng luôn là kết tinh của phức hợp các thành phần, đem đến sự tinh tế và sâu sắc cho mọi ly cocktail mà nó góp phần tạo nên. Nếu muốn một bữa ăn khoái khẩu, nếm chút rượu khai vị thôi, bạn còn chờ gì nữa?

Nguồn WSJ/Dân Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới