Hủy

Bài học 50 năm giữ xanh và sạch của Singapore

Thứ Ba | 20/11/2018 10:30

Đảo quốc đã duy trì nỗ lực gìn giữ xanh và sạch trong suốt nửa thế kỷ qua bằng tầm nhìn kinh tế kèm theo kỷ luật hà khắc.
 

Sạch sẽ mạnh

Vào tháng 10/2018 đánh dấu một cột mốc lớn: kỷ niệm tròn 50 năm ngày ông Lý Quang Diệu, người cha lập quốc và là thủ tướng đầu tiên, phát động chiến dịch “Giữ cho Singapore sạch sẽ”.

Ngày nay, sự sạch sẽ của đảo quốc này trở thành điển hình trên toàn thế giới. Khi đưa ra chính sách Xanh và Sạch, trong đầu Lý Quang Diệu có mục tiêu cao hơn, hướng một chiến dịch rộng lớn hơn bao gồm sửa đổi các đạo luật y tế công cộng, gom những người bán hàng rong vào những nhà bán thức ăn thức uống, xây dựng hệ thống cống thoát đàng hoàng và đưa ra các biện pháp kiểm soát dịch bệnh…

"Chúng ta đã xây dựng, chúng ta đã phát triển. Nhưng không có chứng nhận thành công nào đặc thù cho bằng đạt được vị thế của chúng ta như là thành phố xanh và sạch nhất ở Nam Á", ông Lý phát biểu vào năm 1968.

Bai hoc 50 nam giu xanh va sach cua Singapore
Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu tham gia dọn dẹp đường phố. Ảnh: The Straits Times

Bên cạnh các quảng cáo còn có các hoạt động giáo dục công chúng, các bài thuyết trình của quan chức y tế và chính quyền kiểm tra cơ sở thường xuyên. Còn có sự ganh đua để tìm ra văn phòng, cửa hàng, công xưởng, công sở, trường học và xe cộ công cộng nào sạch nhất và dơ nhất.

Trong suốt những năm 1970 và 1980, đã có những chiến dịch kêu gọi người dân Singapore giữ cho nhà vệ sinh, nhà máy và trạm xe buýt sạch sẽ. Một thành phố sạch sẽ hơn, Lý Quang Diệu lập luận, cũng sẽ tạo ra một nền kinh tế mạnh hơn.

"Những chuẩn mực này sẽ giữ cho người dân có tinh thần cao, tỷ lệ bệnh tật thấp và do đó cũng tạo ra những điều kiện xã hội cần thiết cho tăng trưởng kinh tế cao hơn trong ngành công nghiệp và du lịch. Điều này sẽ góp phần tạo ra lợi ích chung và cuối cùng đem đến lợi ích riêng cho mọi người," ông nói.

Trên tất cả những lĩnh vực này, Singapore đều làm tốt. Tuổi thọ bình quân đã tăng từ 66 đến 83 (tuổi thọ cao thứ ba thế giới). Vào năm 1967, lượng du khách đến thăm chỉ cao hơn 200.000 một chút, nhưng trong quý ba của năm 2018 thì con số này đã đạt gần 10 triệu lượt. Đầu tư nước ngoài đã bùng nổ, tăng từ chỉ 93 triệu USD vào năm 1970 lên đến 39 tỷ USD vào năm 2010. Hiện giờ Singapore là nước đón nhận đầu tư nước ngoài nhiều thứ năm trên thế giới, với 66 tỷ đô la vào năm 2017.

Thành phố phạt

Điều đáng lưu ý là các chiến dịch vận động này không chiếm ngân sách lớn. Chẳng hạn như trong giai đoạn từ năm 2010 cho đến 2014, Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore chi ra trung bình 3 triệu USD mỗi năm cho các chiến dịch chống xả rác và các hoạt động tiếp cận.

Chiến dịch 'Giữ cho Singapore Sạch' vào năm 1968 cũng là lúc lần đầu tiên chính phủ Singapore cố gắng điều chỉnh hành vi của người dân thông qua tiền phạt. Từ đó đến nay, Singapore đã trở thành “Thành phố phạt” khi giới chức ở đây ra hàng chục ngàn giấy phạt mỗi năm về tội xả rác. Mức phạt tối thiểu là 300 đô la Singapore, tương đương 217 USD.

Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu tin rằng mỗi điều nhỏ nhặt đều quan trọng và lo ngại rằng người dân sẽ 'lợi dụng sự lơi lỏng của chính quyền' nếu những vi phạm nhỏ được bỏ qua.

Từ đó, đảo quốc đã có những đạo luật nghiêm khắc một cách lạ đời để gìn giữ vệ sinh môi trường. Singapore nổi tiếng là cấm nhập khẩu kẹo cao su; việc phạt tiền cũng áp dụng đối với những ai đem sầu riêng lên xe điện hay không dội nước bồn cầu công cộng; ngoài ra còn có phạt tiền cho hành vi khạc nhổ hay dùng ké wifi của ai đó mà không được phép.

Thành phố được làm sạch

Trước hết, chính sách này có tác dụng, theo ông Liak Teng Lit, chủ tịch Cơ quan Môi trường Quốc gia, cho biết. Sự kết hợp của chiến dịch nâng cao nhận thức và các biện pháp trừng phạt đã tạo nên sự khác biệt. Nhiều người hơn đã biết nhặt rác của mình. Thành phố đã trở nên sạch hơn.

Bai hoc 50 nam giu xanh va sach cua Singapore
Người dân nhặt rác hằng tuần tại khu dân cư

Ngày nay, Singapore không phải sạch là vì người dân sợ bị phạt, mà là vì có một đội công nhân lau dọn đông đạo. Có 56.000 công nhân quét dọn đăng ký với Cơ quan Môi trường Quốc gia. Con số này ở Đài Bắc chỉ là khoảng 5.000 công nhân quét dọn.

Nhưng khi dân số Singapore tăng lên và giá thuê lao động trở nên đắt đỏ hơn thì chi trả cho đội quân quét dọn như vậy trở nên tốn kém. Quét dọn những nơi công cộng rất tốn tiền và do đó ngân quỹ sẽ mất đi những khoản tiền đầu tư cho những thứ có giá trị hơn. Tính trung bình ,Singapore bỏ ra ít nhất 87 triệu USD một năm để quét dọn nơi công cộng.

"Nếu bạn có thể xây dựng thói quen không vứt rác bừa bãi thì số tiền tiết kiệm được do không phải trả cho người quét dọn, hàng triệu USD có thể được chi cho y tế và giáo dục", ông nói.

Vì thế, trở lại bài học 50 năm trước của người lập quốc vĩ đại, giới chức Singapore vẫn sẽ tiếp tục tăng cường chính sách giáo dục ý thức người dân từ những việc nhỏ nhất. Khi cần, họ sẽ phạt rất nặng!

Nguồn BBC Future


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới