Hủy

5 bí quyết tư duy để làm chủ đồng tiền

Thứ Sáu | 22/01/2016 16:31

Hầu hết mọi người đều chạy theo ý kiến của số đông mà không biết rằng, chính họ phải tự học lấy cách thức làm chủ đồng tiền của mình.
 

Gần đây, một người quen của diễn giả triệu phú Daniel Ally đã chia sẻ với ông về những khó khăn tài chính của mình.

Dù anh chàng này đã 30 tuổi và có trong tay tấm bằng tiến sĩ sau 25 năm dùi mài kinh sử, nhưng anh ta vẫn chưa bao giờ được học về cách quản lý tiền bạc cho mãi đến khi bắt đầu trả nợ học phí. Mỗi tháng, anh ta phải chi hơn 2.000 USD để thanh toán các khoản nợ học phí và nợ thẻ tín dụng.

Anh từng nghĩ tấm bằng tiến sĩ có thể giúp anh vượt qua khó khăn đó, nhưng hóa ra điều này không đơn giản chút nào. Dù đang có trong tay một công việc 100.000 USD mỗi năm, nhưng vị tiến sĩ này vẫn chưa nghĩ ra cách làm sao để thực sự được tự chủ về tài chính.

Daniel Ally bình luận: “Hãy tưởng tượng rằng một vị tiến sĩ lại không thể an tâm với chuyện tiền nong của mình, cho đến khi anh ta trả hết nợ lúc đã ngoài 35 tuổi! Hầu hết chúng ta chưa bao giờ thực sự được học những bài học thiết thực về tiền bạc. Cha mẹ, thầy cô và ngay cả những ông chủ cũng chẳng mấy khi chỉ dạy được chúng ta những phép tắc cơ bản để có một cuộc sống thành đạt, và thế là chúng ta cứ hay vướng vào những rắc rối tài chính và phải mò mẫm tìm đường thoát ra”.

“Trên truyền hình, chúng ta dễ dàng bắt gặp các chuyên gia phân tích thị trường chứng khoán, nói chuyện bằng đủ thứ thuật ngữ xa lạ mà đa số mọi người sẽ không bao giờ hiểu để mà bận tâm. Lúc khác thì chúng ta lại được nghe về chuyện chuẩn bị tài chính khi về hưu, điều mà đa số thanh niên bây giờ cũng chẳng mấy để ý. Việc làm giàu trở thành điều xem ra là không thể, vì hệ thống giáo dục hiện nay không đưa ra được bài học thực tế nào”.

Do đó, theo Ally, những gì chúng ta cần phải làm là tự nhận thức được các vấn đề tài chính cá nhân của bản thân mình, và đây là 5 bài học về cách làm chủ đồng tiền từ diễn giả nổi tiếng này:

1. Ý thức được ảnh hưởng của gia đình lên tư duy về tiền bạc

Phần lớn tư duy về tiền bạc của chúng ta thường bắt nguồn từ các đấng sinh thành. Daniel Ally kể lại rằng, gần đây khi đi mua một chiếc laptop mới, ông chợt nhớ đến lời bố mình dặn rằng đừng mua gói bảo hành phụ thêm, vì đó chỉ là chiêu trò của người bán hàng dụ khách mua thứ không cần thiết. Và dĩ nhiên, Ally đã làm theo lời dạy của bố!

Hầu hết mọi thứ mà chúng ta mua sắm thường là phải đi qua sự “chấp thuận ngầm” từ bố mẹ: ai cũng ngại chi tiêu cho những thứ mà bố mẹ không ủng hộ. Tuy nhiên, lối suy nghĩ này có thể trở thành bất lợi nếu nó cản trở bạn nhận thức được những điều cơ bản về tiền bạc.

Daniel Ally bình luận: “Bố mẹ luôn dạy chúng ta phải dùng tiền một cách an toàn, và luôn khuyên chúng ta đi học đại học và kiếm việc làm. Nhiều bậc phụ huynh sẽ làm tất cả mọi điều để ép con họ đạt được tấm bằng đại học. Điều này sẽ tạo ra tâm lý đối phó cốt để làm vừa lòng bố mẹ”. Về lâu dài, tâm lý ngại ngần khi nghĩ tới chuyện tiền bạc có thể là trở ngại đáng kể khi bạn không muốn bị phụ thuộc vào đồng lương nữa và bắt đầu nghĩ tới chuyện kinh doanh riêng.

2. Tấm bằng đại học không phải là tất cả

Tại Mỹ, các sinh viên đại học thường tốt nghiệp ở tuổi 22, nhưng họ phải dành ra gần 300 USD mỗi tháng để trả nợ học phí trong khoảng 20 năm. Đến khi hết nợ, họ đã tới ngưỡng 40 tuổi. Khi đó, ham muốn "đổi đời" trở nên mạnh mẽ hơn, nên họ lại quay sang phung phí nhiều tiền vào các thú vui tốn kém.

Sang tới khoảng 45 tuổi, những người này lại rơi vào khủng hoảng, khi nhận ra rằng tất cả những gì họ đã làm là chỉ để kiếm tiền. Trong khi một số người đi học để thực sự gặt hái được kiến ​​thức và trí tuệ, thì nhiều người khác đi học chỉ đơn giản là để có cơ hội kiếm tiền. Bởi vì điều này, một số trong họ rơi vào trạng thái suy nhược thần kinh, và lâu dài dẫn đến những hành vi mang tính hủy hoại bản thân.

Dù bằng cách nào đi chăng nữa, đại học không phải là đáp án thực sự để đạt được tự do tài chính. Thay vì áp đặt bản thân phải học những kiến thức không liên quan và kỹ năng không sử dụng được, bạn nên tìm đọc thêm thật nhiều sách, tham dự các buổi hội thảo, hay nhờ đến một nhà tư vấn. Các lựa chọn này rẻ hơn nhiều so với học phí đại học, nhưng sẽ giúp bạn hiểu thêm rất nhiều về cách làm chủ đồng tiền.

3. Loại bỏ suy nghĩ “một ngày nào đó…”

Nhiều người thường có tư duy kiểu “một ngày nào đó…”: họ nhìn thấy một ngôi nhà đẹp và tự nhủ rằng: "Một ngày nào đó, tôi sẽ có đủ khả năng sở hữu căn nhà đẹp như thế này”. Với suy nghĩ như thế, bạn đã tự tách cảm xúc của mình ra khỏi mong muốn sở hữu căn nhà, và tự làm hạ quyết tâm của mình.

Thay vào đó, bạn nên nói: "Từ giờ, ngôi nhà đó là của tôi và tôi sẽ làm bất cứ điều gì để có được nó." Thái độ này phản ánh niềm tin của bạn rằng ngôi nhà là của bạn. Từ đó, tất cả các hành động của bạn sẽ hướng bạn đạt đến mục đích mong muốn.

Bên cạnh đó, nhiều người lại chờ đợi các yếu tố bên ngoài xảy ra trước khi đưa ra quyết định, chẳng hạn như đợi tiền hoàn thuế, đợi bọn trẻ tốt nghiệp, đợi thanh toán xong xuôi tiền mua xe… Thói quen chờ đợi "một ngày nào đó" sẽ tạo ra bức tường ngăn cản bạn đạt được những thứ mà bạn hằng mong muốn sở hữu.

Daniel Ally khuyên: “Hãy giả định rằng bạn có tất cả mọi thứ bạn muốn ngay từ bây giờ, và rồi bạn sẽ có chúng sớm hơn bạn nghĩ!”.

4. Giàu có là một sự lựa chọn

Việc làm giàu là lựa chọn của chính bạn, và không có bất kì ai khác có thể quyết định thay. Tuy nhiên, hầu hết mọi người chưa bao giờ thực hiện quyết định này, đơn giản chỉ vì họ không biết rằng họ có thể làm điều đó. Cách dễ nhất là bạn phải xác định mình muốn có một cuộc sống như thế nào, để từ đó vạch ra các mục tiêu và kế hoạch hành động lâu dài.

Thông thường, mọi người bị cuốn vào các hành vi “gây nghiện” nên họ không thể đi đến thành công. Họ tự đắm chìm vào việc lãng phí thời gian và tiền bạc khi theo đuổi những thú vui chẳng có giá trị, chẳng hạn ma túy, cờ bạc, ngủ quá nhiều, các trò tiêu khiển vô bổ và nhiều hành vi không lành mạnh khác. Nếu không có định hướng, những đám mây nghiện ngập này cứ bay bổng trong tâm trí và ngăn cản những dòng tư duy sáng suốt của bạn.

Daniel Ally khuyên: “Một khi đã quyết định làm giàu, bạn sẽ biết đâu là những hoạt động mang lại lợi ích lâu dài, từ đó loại bỏ bớt những gì vô nghĩa khỏi cuộc sống”.

5. Tránh xa những lời dạy sai lầm

Nhiều người mang trong mình niềm tin hơi cực đoan về tiền bạc, chẳng hạn như việc có quá nhiều tiền là không tốt, nếu không muốn nói là tội lỗi. Cứ thế, họ nhảy đến kết luận cho rằng gần như mọi những người giàu là kẻ xấu.

Những người này cũng hay cho rằng cuộc sống người giàu bao giờ cũng dẫn tới sự thiếu thốn về tinh thần. Họ còn khuyến khích bạn rằng đừng chạy theo đồng tiền.

Tuy nhiên, kiếm tiền không hề là chuyện xấu, và bất cứ ai nói với bạn rằng không cần phải có tiền thì có lẽ chính họ cũng không có nó. Khi đã kiếm được tiền, bạn có thể làm cho xã hội tốt hơn, và cũng có thể tìm được nhiều người bạn tốt.

Tiền bạc cho phép bạn khẳng định mình là ai và giúp bạn đạt được các lý tưởng sống của mình. Thay vì tuân theo những thói quen và triết lý sống của người khác, thì bạn nên tìm kiếm một hướng đi mới bằng cách kết bạn với những người hiểu rằng ý nghĩa của đồng tiền là như thế nào.

Ý Nhi

Nguồn Entrepreneur


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới