Hủy

Cơn địa chấn của làng golf thế giới

Thứ Năm | 18/08/2016 13:00

Làng golf thế giới đang bị chấn động bởi hãng sản xuất đồ thể thao số 1 thế giới Nike sẽ ngừng sản xuất một số dụng cụ của môn này.
 

Làng golf thế giới đã thực sự bị chấn động trước tin hãng sản xuất đồ thể thao số 1 thế giới Nike sẽ ngừng sản xuất dụng cụ đánh golf gồm gậy, túi và bóng golf do doanh số sụt giảm. Điều đó có thể dẫn đến những hệ lụy lớn lao đối với môn thể thao quý tộc này, mà nhãn tiền hơn cả là nguy cơ sụt giảm thu nhập của các ngôi sao hàng đầu thế giới, một khi Nike cắt nốt cả doanh số quảng cáo.

Không Tiger, không ra tiền

Trong một tuyên bố mới đây, Chủ tịch của Nike Brand, ông Trevor Edwards nói rằng Công ty sẽ chỉ tập trung vào một số sản phẩm liên quan đến golf như giày và quần áo. Phát biểu được đưa ra sau báo cáo tài chính công bố hồi tháng 6 cho thấy doanh số bán hàng của Nike ở lĩnh vực golf sụt giảm 8,2% còn 706 triệu USD trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 5.

Đây là con số tồi tệ nhất của Hãng, tính trong mọi lĩnh vực thể thao mà Nike có liên quan. Nó đồng nghĩa với việc golf dường như đã trở thành một gánh nặng đối với gã khổng lồ trong lĩnh vực sản xuất trang phục và dụng cụ thể thao. Giới phân tích không khó để tìm ra nguyên nhân khiến Nike thất bại ở lĩnh vực mà ai cũng nghĩ là hái ra tiền, bởi đơn giản là con át chủ bài của họ, Tiger Woods đã không còn cất tiếng gầm như trước.

Năm 1984, Nike bắt đầu bước chân vào sân golf và 1 năm sau đó họ ký hợp đồng tài trợ đầu tiên với tay golf số 1 thế giới hồi đó là Seve Ballesteros. Nhưng chỉ đến khi giành được hợp đồng trị giá 40 triệu USD (cho 5 năm) với Tiger Woods vào năm 1996 thì việc kinh doanh của Nike ở mảng này mới thực sự khởi sắc. Để rồi năm 1998, họ bắt đầu sản xuất bóng, rồi gậy đánh golf vào năm 2002.

Những năm này thực sự là thời hoàng kim đối với cả Nike lẫn Woods, tương tự như cuộc hôn phối đầy thành công giữa hãng sản xuất dụng cụ thể thao Mỹ với ngôi sao bóng rổ Michael Jordan (cho ra đời thương hiệu huyền thoại Jordan Air gây sốt toàn thế giới). Trên sân golf, Tiger Woods, đương nhiên sử dụng đồ của Nike từ trong ra ngoài, thắng hết giải này đến giải khác. Trên thương trường, doanh số bán hàng của Nike Golf luôn theo đồ thị đi lên.

Tuy nhiên, kể từ khi scandal tình ái của Tiger Woods vỡ lở năm 1999, kéo theo sự nghiệp của tay golf này đi xuống đến mức bê bết thì Nike cũng hết cửa làm ăn. Hãng đã bỏ thương hiệu TW trên mọi sản phẩm của mình, cắt một nửa số tiền tài trợ cho Woods trong vòng 2 năm. Dù vậy, Nike vẫn quyết không bỏ rơi Woods vì vẫn hy vọng vào một ngày hồi sinh.

Chỉ có điều, những chấn thương dai dẳng đã không cho phép cựu số 1 thế giới có sự trở lại mạnh mẽ. Không những thế, việc Nike tiếp tục đặt niềm tin vào Woods càng làm hại họ. Chẳng có phụ huynh nào muốn con cái theo đuổi môn golf mà lại sử dụng thương hiệu gắn liền với một kẻ lăng nhăng, lừa dối vợ con cả. Biểu tượng của một người đàn ông pha trộn giữa 2 dòng máu Á - Phi, chống tệ nạn phân biệt chủng tộc ở một môn thể thao từng chỉ dành cho người da trắng, đã sụp đổ hoàn toàn.

Thực tế, sau khi Tiger Woods dính bê bối tình ái, Nike cũng đã chuyển sang Rory McIlroy khi ký hợp đồng thời hạn 10 năm với tay golf người Bắc Ireland. Khi McIlroy đăng quang British Open và PGA Championship năm 2104, Nike cũng đã nhìn thấy cửa sáng cho sự nghiệp kinh doanh. Nhưng từ đó đến nay, McIlroy cũng chưa giành thêm bất kỳ danh hiệu lớn nào. Không những thế, hàng loạt gương mặt mà Nike chọn mặt gửi vàng khác cũng đều thi đấu thất vọng, trong đó có tay golf nữ xinh đẹp Michelle Wie giờ đã tụt xuống tận thứ 120 thế giới.

Không thể sinh lời

Tuy nhiên, nguyên nhân không chỉ nằm ở Tiger Woods mà trên thực tế, ngành công nghiệp sản xuất dụng cụ đánh golf đã thực sự suy thoái, như nhận xét của Yahoo Finance. Thương hiệu dụng cụ golf hàng đầu thế giới TaylorMade, đã được người khổng lồ Adidas mua lại năm 1997, là một ví dụ điển hình.

Trong năm tài khóa vừa qua, doanh số của TaylorMade sụt giảm tới 26% và đó là lý do dẫn đến việc hãng Adidas cũng giương cờ trắng trên sân golf. Hồi tháng 5, Adidas cho biết đang tìm đối tác để bán thương hiệu TaylorMade, cũng như các thương hiệu Adams và Ashworth. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là ai dám mua lại TaylorMade khi toàn thị trường đang lâm vào cảnh tiêu điều?

TaylorMade là thương hiệu số 1 về gậy đánh golf trong suốt nhiều năm liền, trước khi bị Callaway cướp ngôi. Callaway đã có một năm 2014 được đánh giá là đại thành công, nhưng đó mới là lần đầu tiên họ có lãi kể từ năm 2008. Nhưng sang đến năm 2015, doanh số bán hàng của họ lại tụt từ 16 triệu USD xuống còn 14,6 triệu USD.

Thương hiệu Under Armour đang gặt hái nhiều thành công ở mảng trang phục và giày đánh golf, hiện đang hậu thuẫn ngôi sao Jordan Spieth, cho biết họ không có ý định đặt chân vào lĩnh vực sản xuất dụng cụ đánh golf (gậy, túi, bóng). Tương tự là các thương hiệu lớn khác như Achusnet (bóng) và Footjoy (giày).

Theo bình luận của Yahoo Finance, chẳng ai dại gì đâm đầu vào thị trường không sinh lời kia. Bởi có lẽ, khủng hoảng kinh tế cũng khiến người chơi golf không dám mạnh tay đầu tư những bộ gậy mới. Vậy là bản chất của vấn đề lại nằm ở sức khỏe của cả nền kinh tế nói chung, chứ không riêng gì sân golf.

Hoài Sa


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới