Hủy

Kpop phiên bản Việt

Hoàng Linh Lan Chủ Nhật | 03/12/2017 09:00

Showbiz Việt Nam đã bắt tay với Kpop để đưa ra những sản phẩm thuần chất Hàn tại Việt Nam.
 

Bên cạnh những nhóm nhạc rập khuôn KPop, nhiều gương mặt tiềm năng của Việt Nam đã bắt tay với các nhạc sĩ, nhà sản xuất danh tiếng Hàn Quốc cho ra sản phẩm thuần chất Hàn.

Kpop giảm nhiệt

Có thể kể đến một vài cái tên Việt Nam hợp tác với các nhà sản xuất Hàn như Trang Pháp với rapper Kang Teayang - trực thuộc công ty quản lý của Bi Rain (ca khúc Đêm); Lime với nhạc sĩ tạo nên thành công cho CBBlue, AOA (Take It Show), Monstar với ekip thực hiện MV cho SNSD (Rain); Chi Pu với bộ đôi Krazy Park và Eddy Park (mini album Love Story); kế tiếp sẽ là Hari Won với nhà sản xuất của Sistar. Kể từ album Vút Bay của ca sĩ Mỹ Tâm (2006), lần đầu tiên thị trường nhạc Việt có sự liên kết mạnh mẽ với nhạc Hàn đến vậy, thay vì chỉ dừng ở giao lưu, học hỏi.

Thứ nhất, sự phát triển của internet và mạng xã hội đã kéo giảm khoảng cách giữa thần tượng và fan. Thứ hai, sự rập khuôn từ một mô hình về phong cách lẫn dòng nhạc dẫn đến nhàm chán trong khi số lượng ca sĩ/nhóm nhạc thần tượng tại Hàn Quốc không ngừng tăng lên. Theo thống kê của cổng thông tin âm nhạc trực tuyến uy tín nhất tại Hàn, MelOn, trung bình mỗi năm có khoảng 15-18 nhóm nhạc thần tượng ra đời, đẩy thị trường nhạc Hàn vào cảnh “đất chật người đông”. 

Sự hợp tác này không đến một cách đột ngột mà là bước chuyển biến của một quá trình. Năm 2014, có hơn 15 tên tuổi lớn của Kpop đến Việt Nam, gồm SNSD, miss A, TVXQ, JYJ, 2NE1, 2PM... Những năm sau đó, số lượng ca sĩ nói riêng và nghệ sĩ Hàn nói chung đến Việt Nam trình diễn, đóng phim, họp fan, giao lưu văn hóa... không ngừng tăng lên với hàng loạt cái tên đình đám như Bi Rain, U-Kiss, T-ara, DIA, NCT127, Block B, GOT7... Tuy nhiên, sự hào hứng của khán giả Việt đã giảm đi nhiều so với thời gian trước đó. Có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra, song tựu trung ở 3 lý giải sau đây.

Kpop phien ban Viet
Chi Pu trong lần hợp tác cùng Krazy Park và Eddy Park, debut mini album Love Story tại thị trường Hàn Quốc.

Thứ ba, thị trường nhạc nội địa hướng đến khán giả trẻ sau giai đoạn vất vả đuổi theo Kpop bắt đầu tạo được nội lực riêng. Những cái tên như Hoàng Thùy Linh, Đông Nhi, Noo Phước Thịnh, Tóc Tiên, Sơn Tùng M-TP... không những tạo được chỗ đứng vững chắc trong lòng người hâm mộ mà còn có sức ảnh hưởng nhất định. Họ không chỉ xuất hiện bên cạnh ngôi sao Kpop ở những sự kiện trong nước, mà còn trở thành gương mặt đại diện Việt Nam tham gia các buổi biểu diễn tại khu vực châu Á, trong đó có Hàn Quốc.

Tình trạng giảm nhiệt của Kpop không chỉ diễn ra ở Việt Nam. Tại Nhật, Kpop vấp phải lòng tự tôn dân tộc của giới trẻ nước này, dù các nhóm nhạc phát hành phiên bản dành riêng cho thị trường Nhật. Tại Trung Quốc, thị trường lớn nhất của Kpop ở châu Á, nhiều hoạt động giải trí liên quan đến nghệ sĩ Hàn đều bị “tẩy chay” vì mâu thuẫn giữa hai quốc gia, cũng như quyết định kiểm soát chặt chẽ các chương trình nước ngoài của chính phủ nước này.

Kpop phien ban Viet
 

Chen chân vào thị trường Âu - Mỹ càng không dễ dàng. Người ta có thể viện dẫn thành công của Wonder Girls với Nobody vào năm 2009 khi đưa ca khúc này vào top 76 trong 100 ca khúc hot của Billboard 2009. Sự “càn quét” của Spy với Gangnam Style hồi năm 2012, nhưng cũng có thể thấy tiếp nối những cú chấn động đó là... không có gì. Vô vàn nhóm nhạc mới ra đời nhưng không có thành quả nổi trội, các nhóm nhạc tiên phong như DBSK, Super Junior, SNSD, Kara... thì biến động thành viên hoặc liên tiếp vấp phải bê bối: Seungri của Bing Bang với bê bối tình ái, G-Dragon, gần đây nhất là T.O.P liên quan đến cần sa... khiến mối lo ngại Kpop thoái trào càng có cơ sở.

Cú chuyển mình tất yếu

Theo KCCA, doanh số của Kpop tại nước ngoài năm 2016 đạt 5,3 ngàn tỉ won (4,7 tỉ USD). Không chỉ dừng lại ở thị trường âm nhạc, văn hóa, Kpop cùng làn sóng Hallyu (làn sóng ảnh hưởng văn hóa Hàn Quốc) còn có sức ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế Hàn Quốc thông qua du lịch, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, y tế...

Tuy nhiên, cách đây 3 năm, ông Kim Jong-deok, khi đó là Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hàn Quốc, cảnh báo rằng Hallyu sẽ mất dần sức hấp dẫn trừ phi tập trung vào việc xuất khẩu văn hóa hữu hình. “Hiện nay, Hàn Quốc đang chuẩn bị cho đợt sóng Hallyu số 3, tập trung vào những sản phẩm hữu hình như thời trang, ẩm thực...

Chính phủ Hàn cũng hứa hẹn sẽ cùng phối hợp để đảm bảo rằng một “sân băng” lý tưởng sẽ được thiết lập để góp phần thúc đẩy sự bùng nổ của những nền công nghiệp liên quan, như du lịch, quảng cáo. Tuy vậy, để có được một làn sóng Hallyu số 3 thành công, vẫn còn có nhiều việc cần phải làm thêm”, ông Lee Pal-seung, Chủ tịch Quỹ Trao đổi Văn hóa Quốc tế Hàn Quốc, chia sẻ.

Kpop phien ban Viet
 

Điều này đồng nghĩa, trong tương lai, Kpop không còn nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của chính phủ như trước đây. Nhưng tham vọng của các tập đoàn giải trí Hàn Quốc thì không dừng lại. Người Hàn rất giỏi “đóng gói và marketing”, nói như Euny Hong - tác giả cuốn sách Giải Mã Hàn Quốc Sành Điệu. Với Kpop, nhà sản xuất đã vạch cả chiến lược phát triển, xây dựng hình ảnh trước khi tuyển chọn thành viên. “Một bản hit ở Hàn Quốc phụ thuộc đến 60% vào producer, 40% cho các khâu còn lại, nghệ sĩ có thể chỉ là một quân cờ”, bộ đôi Krazy Park và Eddy Park cho biết.

Đó là lý do, sau giai đoạn chinh phục khán giả trong nước và giai đoạn dùng ngoại binh (thành lập các nhóm nhạc Hàn có thành viên người nước ngoài như Nickhun của 2PM (Thái Lan), Ailee (Mỹ), Fei của Miss A (Trung Quốc), Jackson Wang của GOT7 (Hồng Kông), Amber của F(x) (Mỹ)... Ở giai đoạn hiện tại, người Hàn chọn cách hợp tác với những ca sĩ trẻ ôm ấp giấc mơ “vươn đến một ngôi sao” tại nhiều quốc gia ở khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.

Cú bắt tay xuyên biên giới này trước mắt mở ra cơ hội để các ca sĩ trẻ trong nước tạo ra những sản phẩm Hàn “thật” thay vì vướng nghi án đạo nhái từ âm nhạc, phong cách đến trang điểm... Mặt khác, nó đánh dấu bước “xâm nhập” mới, bền vững hơn của Kpop nói riêng và Hallyu nói chung vào những thị trường từng chịu ảnh hưởng, trong đó có Việt Nam.

Đặc biệt, cùng với làn sóng Hallyu văn hóa mềm, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đang dẫn đầu làn sóng đầu tư vào Việt Nam với mức đầu tư khoảng 50 tỉ USD và đang góp khoảng 30% vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong một thị trường tiềm năng như vậy, người Hàn càng muốn Hallyu gây sức ảnh hưởng lớn hơn.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới