Hủy

Ví điện tử: Vì sao người dùng "còn lâu mới dùng"?

Thứ Năm | 14/08/2014 14:44

Dịch vụ thanh toán điện tử của Paypal, Google, Starbucks hay các hãng viễn thông di động lớn dễ dùng và khá thuận tiện. Song, ai dám đảm bảo độ bảo mật và an toàn của chủ nhân ví?
 

Ảnh: Trường Wharton, Đại học Pennsylvania Ảnh: Trường Wharton, Đại học Pennsylvania
Ví ảo dễ dùng nhưng khó tin

Điện thoại thông minh trở thành thứ không thể tách rời với không ít người tiêu dùng ở thời điểm hiện tại. Điện thoại thông minh kiêm máy nghe nhạc, kiêm đồng hồ báo thức, kiêm máy chơi game, thiết bị điều hướng, kiêm luôn cả TV loại mini di động. Song, điện thoại thông minh kiêm ví điện tử lại là chuyện khác, một chuyện không dễ dàng.

Hãng Google ra mắt ứng dụng Google Wallet (ví Google) dành cho thiết bị di động 3 năm trước. Ví Google cho phép người sử dụng điện thoại thông minh chỉ cần chạm nhẹ là có thể thực hiện việc chuyển đổi tiền tệ, mua phiếu giảm giá hay thanh toán. Ứng dụng này cũng giúp người tiêu dùng lưu trữ các loại thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ hay nhiều loại thẻ mua sắm lẫn các thông tin khác.

Hãng AT&T, Verizon Wireless và T-Mobile năm ngoái giới thiệu ứng dụng ví điện tử có tên Isis. Cũng trong năm 2013, Paypal tung ra một dịch vụ ví kỹ thuật số cải tiến cho phép doanh nghiệp nhỏ chấp nhận thanh toán thẻ tín dụng sử dụng điện thoại thông minh; người dùng ví Paypal cũng có thể tùy chỉnh kế hoạch trả góp để trả tiền cho việc mua bán lớn.

Hiện tại, người khổng lồ Amazon đang thử nghiệm ví Amazon, trong khi nhiều lời đồn cho biết hãng Apple cũng đang chuẩn bị ra mắt một ứng dụng ví điện tử ra mắt đồng thời với sản phẩm iPhone 6 trong mùa thu này. Thị trường ví điện tử cũng đang sôi ùng ục tìm kiếm khách hàng với sự tham gia của các nhóm start-up như Venmo, LevelUp và Loop.

Ví điện tử hứa hẹn thuận tiện và dễ dùng, song sự có mặt của ví điện tử chưa thực sự phổ biến với người tiêu dùng. Theo một nghiên cứu của Yankee Group ra mắt trong năm nay, chỉ có khoảng 16% người dùng thanh toán bằng ví điện tử trên điện thoại trong khoảng thời gian từ tháng 12/2013 đến tháng 02/2014.

Trong nhóm này, có đến 73% thực hiện hành vi mua hàng dùng ví điện tử ít hơn 5 lần trong 1 tháng. Tỷ lệ sử dụng thấp như vậy khiến khai tử Square Wallet, một ứng dụng ví điện tử ra đời năm 2011.

"Rõ ràng, phương thức chúng ta chi trả cho hàng hóa và dịch vụ dự kiến sẽ không thay đổi nhanh", nghiên cứu chỉ rõ. Nghiên cứu này cũng cho thấy 2/3 người tham gia khảo sát khẳng định họ tò mò về việc chuyển qua dùng ví điện tử.

Vậy, vì sao người dùng còn khá dè dặt trong việc tiếp nhận loại công nghệ vô cùng hứa hẹn như ví điện tử?

"Hóa ra người dùng còn lo lắng về độ bảo mật và tính riêng tư của ví điện tử trong thời đại phát triển liên tục của mạng xã hội và việc để lộ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng", trích một nghiên cứu trong năm 2013 của công ty tư vấn hàng đầu toàn cầu PricewaterhouseCoopers (PwC).

"Người dùng tin tưởng vào việc lưu trữ thông tin về các loại thẻ hội viên trung thành lẫn thẻ giảm giá trong một ví điện tử. Nhưng nếu đụng tới tiền hay mã khóa kỹ thuật số, họ lùi lại một bước khá dài", nghiên cứu này cho biết. Lo lắng chính của người dùng vẫn là bọn trộm và việc không truy cập được ví điện tử trong trường hợp điện thoại di động hết pin hoặc gặp phải các lỗi về công nghệ. Thêm vào đó, chẳng người dùng nào thấy thoải mái với việc các hãng di động biết được chuyện họ làm với các quỹ cá nhân.

Giáo sư chuyên ngành marketing David Reibstein thuộc trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania cho biết, thời thẻ tín dụng lần đầu ra mắt, người tiêu dùng cũng từng lo ngại về tính riêng tư hệt như vậy. "Có một số người đưa ra những lo lắng hoang tưởng về việc mất đi quyền riêng tư. Thế nhưng ngày nay, chúng ta còn không thèm nghĩ đến chuyện hãng American Express hay Visa có nhòm ngó đến những thứ người dùng đang mua. Vẫn sẽ có các mối lo nhưng chúng dần dà sẽ tiêu tán, trừ trường hợp có kẻ lạm dụng chúng", ông David nói.

Tính năng đa dạng và nền tảng phát triển của các ví điện tử cũng vô hình dung tạo ra rào cản của người dùng. Ví dụ, điện thoại trang bị NFC (tên viết tắt của Near Field Communication, tạm dịch là công nghệ giao tiếp tầm ngắn) là một công cụ thanh toán trên di động hiệu quả. Ở thời điểm hiện tại, điện thoại chạy trên nền tảng hệ điều hành Android tích hợp được NFC. Tuy nhiên, iPhone của Apple vẫn chưa tích hợp phần cứng NFC.

Thêm vào đó, hầu hết các thiết bị điện tử chỉ cộng tác với một số đơn vị cung cấp nhất định (gọi là Merchant - là tổ chức, ngân hàng liên kết hoặc cá nhân chấp nhận thanh toán hàng hóa dịch vụ bằng ví điện tử). Điều này khiến người dùng luôn phải mang cả ví tiền thật lẫn ví tiền ảo (ví điện tử). Trên thực tế, nghiên cứu của hãng PwC chỉ rõ, đa phần người dùng sẽ sẵn sàng sử dụng ví điện tử nếu có ít nhất 75% các nhà bán lẻ, bệnh viện và những bên liên quan chấp nhận việc dùng ví điện tử.

Người dùng là nhân tố chính trong thời "ví điện tử"
Chuyên gia marketing Reibstein cho hay, đối chiếu với lịch sử chuyển từ việc dùng sổ sách qua thẻ, đã có những trường hợp người dùng dám sử dụng hệ thống thanh toán mới trong khi vẫn hoài nghi và e dè chúng.

"Song một khi hệ thống thanh toán mới chứng minh được tính hiệu quả và an toàn, tự người dùng sẽ tạo ra những cú nhảy vọt", ông Reibstai phỏng đoán. "Vấn đề ở đây nằm ở việc tạo ra các điều chỉnh. Tôi nghĩ 10 năm nữa nhìn lại, chúng ta sẽ có cái nhìn lạc quan hơn".

Ông John Zhang, một chuyên gia marketing khác tại trường Wharton khá đồng tình với quan điểm của ông Reibstein, rằng sự nhân rộng dịch vụ thanh toán điện tử là việc không thể tránh được. Người dùng đi đâu cũng mang theo điện thoại thông minh, thanh toán và mua sắm chỉ bằng một cú chạm nhẹ là việc khá tiện lợi. Thêm vào đó, thanh toán di động đặc biệt phổ biến trong giới trẻ, lớp người chắc chắn là những "thượng đế" quan trọng trong tương lai.

Các millennials (nhóm những người sinh ra trong thời kỳ 1980 - 2000, lớp người vào đời bằng việc đối mặt với khủng hoảng tài chính dù được giáo dục tốt hơn các thế hệ trước) - coi chuyện sử dụng ví điện tử Venmo dễ dàng và quan trọng như việc uống nước, hít thở không khí, và sử dụng Facebook lẫn Instagram.

"Thực tế, bạn có thể kết hợp thanh toán di động với các mạng xã hội", ông Zhang nói. "Đấy là cách vay tiền, trả nợ nhanh nhất. Hẳn nhiên vì thế mà nâng cao hiệu quả sử dụng".

Nghiên cứu về ví điện tử của PwC năm 2013 cho biết, một nửa cá nhân tham gia khảo sát trong độ tuổi từ 18-29 sẵn sàng sử dụng ví điện tử để chuyển tiền. Theo đó, so với nhóm người dùng từ 30-44, người dùng trẻ tuổi có khuynh hướng tiếp nhận ví điện tử nhanh hơn.

Dịch vụ thanh toán di động của Paypal là phổ biến nhất, theo sát sau đó là ví điện tử của hãng Google và Starbucks.

"Tại Mỹ, thanh toán di động đang trong giai đoạn đuổi bắt. Trong khi đó, nếu nhìn vào Nhật Bản và Hàn Quốc, thanh toán di động đang phát triển khá mạnh. Thậm chí ở Trung Quốc, đây thực sự là một mỏ vàng lớn. Ở những nước không có cấu trúc tài chính phát triển hoặc thiếu truy cập mạng, dịch vụ thanh toán di động thường có nhiều điều kiện để thăng hoa", ông Zhang nói.

CEO của Starbucks, ông Howard Schultz cho biết thanh toán di động hiện tại chiếm khoảng 15% các giao dịch của Starbucks tại Mỹ. Mới đầu năm nay, hệ thống quán cà phê Starbucks cập nhập ứng dụng iPhone cho phép khách hàng có thể cho tiền boa (tip) một cách số hóa. Từ nay đến cuối năm, ứng dụng này sẽ có trên Android. Trước đó, các thực khách Starbucks đã có thể thanh toán các đồ ăn, thức uống qua mình qua ứng dụng này, trừ tiền trực tiếp vào các thẻ thanh toán ảo của khách hàng.

Theo đó, trên màn hình ứng dụng sẽ xuất hiện thêm các tùy chọn tiền boa ở các mức 0,5 USD, 1 USD và 2 USD. Ứng dụng này còn có thêm chức năng mới là "lắc để trả" (shake-to-pay) cho phép người dùng chỉ cần lắc iPhone của mình một cái, thì mã vạch thanh toán (payment barcode) sẽ lập tức xuất hiện. Tính năng "boa kỹ thuật số" (Digital tipping) chỉ hoạt động ở Mỹ và chỉ tại 7.000 cửa hàng do chính Starbucks điều hành. Các cửa hàng nhượng quyền vẫn phài tiếp tục "boa" bằng tiền mặt.

"Một trong vài lý do khiến người dùng hững hờ với ví điện tử là sự tồn tại của phương thức thanh toán hiện tại", ông David Reibstein nói.

Người Mỹ chưa thấy ví điện tử phát huy bất kỳ hiệu quả nào trong việc giải quyết các vấn đề lớn mà họ phải đối mặt. "Nếu cái hiện tại không đứt gãy hay biến mất, sẽ không có gì mới để
thay thế vào. Ví điện tử phải chứng minh được những ưu việt độc đáo trước tiên".

Khi phải giải quyết những giao dịch liên quan tới tiền, người dùng sẽ ít tin vào một ứng dụng hay một tổ chức phi tài chính vô danh. Báo cáo của PwC cho biết người dùng đặt niềm tin cao nhất vào các tổ chức tài chính uy tín, tiếp đến là các công ty thẻ tín dụng; các nhà cung cấp hệ điều hành di động như Google chỉ chiếm vị trí áp chót.

Theo chuyên gia marketing Eric Bradlow, kiếm tiền hay thu lợi nhuận không phải là động lực chính của các ví điện tử. "Chính số liệu mới là thứ quan trọng hơn tất cả", ông này nói. "Ví điện tử đo lường được thứ gì đó tốt hơn nhiều, tiềm năng hơn nhiều, hơn cả số lượng truy cập trang web và số lượng nhấp chuột vào banner quảng cáo. Ví điện tử đo lường được hành vi mua hàng thực tế, cho phép nhắm đúng khách hàng mục tiêu, tùy chỉnh giá cả, đề xuất sản phẩm và các chiến lược khác". Hơn hết, công ty nào nổi trội hơn trong cuộc cạnh tranh về thanh toán di động, công ty đó sẽ có được nhiều cơ hội tiếp xúc với khách hàng hơn.

Đây là lý do vì sao các công ty công nghệ liên tiếp bước chân vào cuộc cạnh tranh này.

Trong các năm qua, các nhà khai thác viễn thông di động đang chạy đua trong việc kiểm soát các chi tiết thanh toán của khách hàng. Những chi tiết này được lưu trữ trong một chip bảo mật trên các điện thoại có tương tác với công nghệ NFC. Năm ngoái, thông tin ví Google Wallet được xây dựng để sử dụng trên mạng lưới Master Card và Visa được đánh giá là bước đi mở đường cho việc sử dụng ví điện tử rộng rãi hơn trên toàn cầu.

Một số chuyên gia marketing cho rằng phải mất nhiều năm trước khi người tiêu dùng quen với việc sử dụng ví điện tử. Trong thời gian đó, những đơn vị tiếp nhận thanh toán di động sẽ có cơ hội để chuẩn bị cho sự chuyển đổi bằng cách cài đặt các hệ thống để đáp ứng cả hai phương thức thanh toán.

"Đặc quyền đặc lợi của người dùng với thanh toán di động là vào và ra rất nhanh. Ai lại không muốn như thế nhỉ?", chuyên gia Reibstein nói.

Nguồn GAFIN, Wharton/DVO


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới