Hủy

Yêu thương là tự do

Quý Bình Thứ Hai | 02/07/2018 14:00

Xuyên suốt quyển sách mỏng này, người đọc không khó cảm nhận được thứ tràn ngập trong đấy, là yêu thương.
 

Được biết đến là một nữ thi sĩ của thế hệ 7X với rất nhiều bài thơ tình trong trẻo, được người trẻ yêu thích, sau một thời gian vắng bóng, Trần Lê Sơn Ý quay trở lại nhưng là bằng văn xuôi. Chị chọn tản văn để gặp gỡ độc giả của mình trong giai đoạn này. Thông điệp của chị hết sức đơn giản: yêu thương là tự do.

Yeu thuong la tu do
Nhà văn Trần Lê Sơn Ý

Trần Lê Sơn Ý (sinh năm 1977) là nhà báo, nhà thơ, quê Bình Định. Chị tốt nghiệp chuyên ngành Báo chí Khoa Ngữ văn – Báo chí trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. Chị từng đoạt giải thưởng văn học Lá Trầu 2007 và được giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM năm 2008. Hiện nay, Sơn Ý sống và làm việc tại TP.HCM.

Giao lưu cùng độc giả tại đường sách Nguyễn Văn Bình sáng ngày 1/7, Trần Lê Sơn Ý không giấu được hạnh phúc của mình khi quanh chị là con, chồng, bạn bè thân hữu cùng rất nhiều độc giả. Ra mắt Yêu Thương Là Tự Do, tập tản văn chị ấp ủ khá lâu, suốt những ngày bận bịu với chuyện gia đình và công việc làm báo, chị bảo, không một chút hối tiếc nào về khoản thời gian toàn tâm cho gia đình. Chỉ cần nhìn ngắm ba “sản phẩm” hồng hào, đáng yêu của mình ngon giấc sau một ngày hoạt động, vui chơi là chị đã thấy mãn nguyện đến mức không dám đòi hỏi gì thêm.

Hạnh phúc của Sơn Ý, bình dị như chính những câu chữ chị mang đến độc giả của mình. Nhưng sự bình dị ấy cũng chính là chất dẫn, mang đến người đọc cảm giác bình yên, an lành khi đọc sách của chị.

Câu chuyện một người trót yêu cô nàng mê sách, chuyện anh chồng và chị vợ không thể kết nối với nhau bằng ngôn ngữ, chuyện một người bạn tặng cho một cái cây thơm, hay chuyện nói dối trẻ nhỏ về ông già Noel mỗi Giáng sinh về… chuyện nào cũng nhỏ xíu nhưng chuyện nào cùng khiến người ta suy tư thật nhiều về nó.

Yeu thuong la tu do
 

Như trích dẫn trong lời giới thiệu, trong Yêu Thương Là Tự Do, tác giả quy hướng các vấn đề xã hội dưới điểm nhìn gia đình. Cụ thể là cách nhìn của một người phụ nữ của gia đình trẻ đô thị trước các vấn đề của đời sống: tình yêu và sự hy sinh, đời sống vợ chồng, việc nuôi dạy con, lớn lên cùng con, những chia sẻ với cha mẹ già, sự thiếu vắng mơ mộng trong đời sống vật chất khốc liệt, lựa chọn tự do cá nhân của mỗi người sao cho hài hòa trong các quan hệ xã hội…

Xuyên suốt quyển sách mỏng này, người đọc không khó cảm nhận được thứ tràn ngập trong đấy, là yêu thương. Dù đó là luyến ái nam nữ, là tình mẫu tử hay là tình bạn… thì sự yêu thương cũng vẫn được đong đầy. Nhưng, tình cảm ấy không trói buộc, không sở hữu mà rất chừng mực. “Yêu thương, là phải biết cách để những người được mình yêu thương dù thế nào cũng giữ được bản ngã của mình”, Sơn Ý nói vậy.

Sinh ra trong một gia đình giàu tình cảm, Sơn Ý bảo, chị rất may mắn khi biết nói lời yêu thương. Đó thực sự là một may mắn bởi không phải ai cũng có thể làm điều đó. Tuy nhiên, theo nhà văn, vẫn có những cách khác để thể hiện lòng mình cũng như cảm nhận lòng người khác. Chị nói: “Cứ nhìn cách và những gì người kia làm cho mình, sẽ thấy là họ yêu thương mình ra sao. Chuyện từ trái tim đến trái tim, chưa bao giờ là khó”.

Vì yêu thương là chuyện không khó nên viết về yêu thương, xúc cảm của Sơn Ý là một dòng chảy, nhẹ nhàng chạm đến những trái tim đang đập, trong lồng ngực của những người khác.

Sách do Phanbook thực hiện, NXB Văn hóa – Văn nghệ ấn hành.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới