Hủy

Chiến thắng của Leicester City và sức mạnh của người Thái

Thứ Hai | 09/05/2016 09:00

Dù nền chính trị Thái có bất ổn đến thế nào thì điều đó vẫn không làm suy chuyển sức mạnh của các doanh nghiệp Thái.
 

Nhiều fan bóng đá Việt Nam từng cảm thấy tự hào khi những biển quảng cáo “Hoàng Anh Gia Lai”, “Tôn Hoa Sen” xuất hiện trên các sân cỏ ở giải Ngoại hạng Anh. Nhưng dường như bóng đá Việt Nam vẫn đi sau người Thái. Hè này, người Thái sẽ được đón chiếc Cúp vô địch Premier League khi đội bóng quốc dân của họ là Leicester City gây chấn động với chức vô địch Premier League lần đầu tiên trong lịch sử.

Quyền lực Nhà Vua

Dĩ nhiên, Leicester không có trong đội hình bất cứ cầu thủ người Thái nào vì chênh lệch trình độ quá lớn. Nhưng ngay cả báo chí Anh cũng vẫn phải thừa nhận đây gần như là một đội bóng Thái thực thụ, với biệt danh Siamese Foxes (Bầy cáo Thái Lan). Lý do là ông chủ của Leicester chính là một người Thái: nhà tài phiệt Vichai Srivaddhanaprabha, chủ sở hữu hệ thống bán hàng miễn thuế nổi tiếng King Power. Ở một đất nước mỗi năm đón tới 30 triệu lượt khách du lịch quốc tế, hẳn nhiên King Power có quyền lực rất lớn. Cũng chính nhờ quyền lực ấy mà Leicester mới có được ngày hôm nay.

Khi Vichai mua lại đội bóng miền Trung nước Anh này năm 2010, Leicester vẫn còn ở hạng nhất, phải cạnh tranh với những đội bóng nhỏ như Scunthorpe hay Doncaster. Vài năm trước đó, họ suýt phá sản do nợ nần chồng chất vì xây sân vận động mới, cộng với việc rớt hạng Premier League, dẫn đến mất khoản tiền bản quyền truyền hình béo bở lẫn doanh thu quảng cáo. Song, định mệnh của họ đã thay đổi nhờ Vichai.

Giống như nhiều tài phiệt Thái Lan khác, Vichai là người gốc Hoa. Tỉ phú này có tổng số gia sản lên tới 2,9 tỉ USD, xếp thứ 9 trong danh sách những người giàu nhất Thái Lan. Hệ thống cửa hàng miễn thuế King Power của Vichai có hợp đồng với sân bay Suvarnabhumi tới năm 2020, với sân bay Don Muang tới năm 2022. Tháng 2.2013, ông được nhà Vua Thái Lan Bhumibol ban cho họ Srivaddhanaprabha để chính thức bước vào tầng lớp thượng lưu ở Bangkok. Một tháng sau, Vichai đổ 60 triệu USD để sở hữu luôn cả sân vận động của Leicester, đổi tên nó thành sân King Power.

Nhờ khoản đầu tư này, Leicester bắt đầu thăng hoa để rồi giờ trở thành bá chủ Premier League với huấn luyện viên Claudio Ranieri, đưa những cái tên còn lạ lẫm như Jaime Vardy, Riyad Mahrez... ra ánh sáng. Năm tới, King Power sẽ được đón tiếp những cái tên tầm cỡ Barcelona hay Bayern Munich vì Leicester sẽ tranh tài ở Champions League.

Màu xanh át áo đỏ, áo vàng

Với địa vị của mình, Vichai có thể là người ủng hộ phe áo vàng ở Thái Lan. Nhưng giờ ở Bangkok, áo đỏ hay áo vàng thì cũng phải nhường chỗ cho màu áo xanh của Leicester. Fanpage của Leicester ở Thái hiện đã có hơn 600.000 thành viên, chẳng kém là bao so với Chelsea. Nhiều cổ động viên của Manchester United hay Liverpool giờ chuyển sang cổ vũ cho Leicester, bởi những đội bóng lớn áo đỏ kia mùa này thi đấu quá kém cỏi. Mỗi trận đấu của Leicester đều được truyền trực tiếp tới màn ảnh lớn đặt ở trung tâm mua sắm King Power, thu hút hàng ngàn người tới cổ vũ.

Dĩ nhiên, sẽ có người dè bỉu, điều đó có giúp ích gì cho bóng đá Thái Lan? Và việc đầu tư vào bóng đá Anh liệu có bị coi là chiêu chuyển tiền ra nước ngoài, như khi cựu tỉ phú Thái Thaksin Shinawatra mua lại Câu lạc bộ Manchester City năm 2007, một năm sau khi bị hất khỏi ghế Thủ tướng do bị đảo chính quân sự.

Tuy vậy, những câu hỏi này xem ra khá “hố” bởi trước tiên việc các nhà tài phiệt Thái đổ tiền vào bóng đá Anh cần được xem là khoản đầu tư khôn ngoan cho quảng cáo, vì người Thái vốn xem Premier League là món ăn tinh thần hàng đầu. Thương hiệu bảo hiểm AIA Thailand đang xuất hiện trên áo đấu của Tottenham, đội đã có cuộc cạnh tranh đầy kịch tính với Leicester đến tận vòng 36. Bia Chang của tỉ phú Charoen (giàu thứ 2 Thái Lan) đã gắn bó với áo đấu của Everton dễ đến gần chục năm qua, còn những đội bóng hạng nhất như Reading hay Sheffield Wednesday cũng đều đang nằm trong tay những ông chủ người Thái.

Và trong năm “đội bóng quốc dân” Leicester lên ngôi vô địch Premier League, đội tuyển Thái Lan của cựu danh thủ Kiartisak Senamuang, người từng có thời gian đá ở giải hạng nhất Anh, cũng đã lần đầu tiên lọt vào giai đoạn cuối của vòng loại World Cup khu vực châu Á. Liệu có phải là ngẫu nhiên?

Đúng sai tùy người nhận định, song có một sự thật là dù nền chính trị Thái có bất ổn đến thế nào thì điều đó vẫn không làm suy chuyển sức mạnh của các doanh nghiệp Thái. Vì thế, nếu như chúng ta vẫn cứ loay hoay với câu hỏi đã quá quen thuộc của dân bóng đá là “Làm sao để thắng Thái?”, thì chẳng trách vì sao hàng hóa Thái tràn ngập khi hết Metro lại đến Big C tại Việt Nam đều rơi vào tay người Thái.

Không chỉ là chuyện tài trợ

Cách đây không lâu, một tờ báo đăng tin Toyota tài trợ cho giải Vô địch Thái Lan (Thai Premier League) số tiền lên tới 8 triệu USD mỗi mùa (tương đương khoảng hơn 170 tỉ đồng), trong khi số tiền hãng xe này dành cho V-League chỉ là 30 tỉ đồng mỗi mùa. Thật ra, số tiền Toyota dành cho Thai League là 8,4 triệu USD trong 3 mùa, chứ không phải 1. Hơn nữa, Thai League có 18 đội, còn V-League chỉ có 14 đội, nên giá trị chênh lệch là không quá lớn. Tuy vậy, những điều khoản  trói buộc giữa nhà tài trợ chính với Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), rồi VPF ép buộc các đội dự giải tuân theo mới là sự khác biệt.

Một chuyên gia về thương hiệu ở V-League so sánh, nếu ở Thai League, áo đấu của các đội bóng chỉ có gắn logo giải đấu (bên cạnh logo đội bóng), thì tại V-League, áo đấu của các đội chằng chịt những logo của cả giải đấu, nhà tài trợ lẫn VPF. Điều này thực sự gây khó khăn cho các đội bóng muốn bán quảng cáo trên áo đấu để trang trải chi phí, bởi mỗi logo ít ra phải đem về trên 500 triệu đồng. Không những thế, các sân bóng ở V-League cũng tràn ngập logo của nhà tài trợ chính ở những vị trí nổi bật nhất. Do đó, nếu muốn thu hút quảng cáo thì các đội bóng chỉ được khai thác các vị trí khuất hoặc nhỏ hơn và đương nhiên là cũng thu được ít tiền hơn. Có thể số tiền quảng cáo chẳng đáng là bao đối với một số đội bóng mà đứng sau lưng là các đại gia lớn. Song, với các đội bóng tỉnh lẻ, số tiền này có ý nghĩa không nhỏ để góp phần trang trải chi phí nuôi quân. Trong khi đó, bản chất của bóng đá chuyên nghiệp vẫn là chuyện tự kiếm tiền nuôi sống bản thân.

Thế nên, một khi các đội bóng vẫn phải chật vật để tồn tại trong hoàn cảnh có nhiều trói buộc, cũng thật khó để hy vọng nền bóng đá có thể tiến lên chuyên nghiệp một cách thực sự.

Hoài Sa


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới