Hủy

“Giải oan” cho SEA Games

Hoài Sa Thứ Bảy | 02/09/2017 08:30

Nếu không có SEA Games, phần lớn các vận động viên Đông Nam Á sẽ khó có dịp được thi thố, bõ công những ngày tháng luyện tập.
 

“Chủ nhà gom huy chương vàng”, “Malaysia chơi bẩn”, “Trọng tài thiên vị”... Quá nhiều lời ca thán về SEA Games 29 khiến ngày hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á bị nhiều người ví như giải đấu “ao làng”. Vậy tại sao các quốc gia vẫn cứ thay nhau tổ chức giải đấu 2 năm/lần? Và điều quan trọng là dường như tất cả đều ngầm chấp nhận chuyện nước chủ nhà tìm mọi cách để giành lợi thế cho mình.

Cần phải thừa nhận, nếu không có SEA Games, phần lớn các vận động viên Đông Nam Á sẽ khó có dịp được thi thố, bõ công những ngày tháng luyện tập. Nhưng một thực tế là trình độ các vận động viên Đông Nam Á so với mặt bằng chung thế giới còn khá thấp. Cứ lấy Rio 2016 làm thước đo.

Tại Olympic Rio 2016, Việt Nam, quốc gia xếp thứ 3 trên bảng tổng sắp huy chương SEA Games 29, mới lần đầu tiên được nếm trải mùi vị của chiếc huy chương vàng Thế vận hội. Trong khi đó, nước đứng đầu SEA Games 29 là Malaysia không giành được bất cứ huy chương vàng nào (4 huy chương bạc, 1 huy chương đồng). Thái Lan có thành tích tốt nhất với 6 huy chương các loại (2-2-2); Philippines có 1 huy chương bạc...

Ở Olympic, không phải muốn cử bao nhiêu vận động viên đi thi đấu đều được, mà phải trải qua các cuộc sàng lọc khắt khe để tranh suất dự Thế vận hội. Đấy là chưa kể IOC đưa ra hạn ngạch, sao cho mọi quốc gia đều có thể cử đại diện góp mặt ở Olympic ở một số môn cơ bản. Bằng không, nếu chỉ lấy thành tích cá nhân, các vận động viên chưa chắc đã được xuất hiện ở đấu trường lớn nhất thế giới này.

“Giai oan” cho SEA Games

Tóm lại, đại hội thể thao Đông Nam Á mới là đấu trường phù hợp nhất cho các vận động viên Đông Nam Á nói chung cũng như Việt Nam nói riêng, như thừa nhận của ông Trần Đức Phấn, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam dự SEA Games 29. Theo ông Phấn, một số nội dung chúng ta phấn đấu ở Asian Games, một số môn cá biệt sẽ được đầu tư trọng điểm cho Olympic, còn để đạt được huy chương thì rất khó khăn.

Cứ nhìn gương Nguyễn Thị Ánh Viên thì rõ. Thống trị đường đua xanh Đông Nam Á, 2 SEA Games liên tiếp đều đoạt 8 huy chương vàng mỗi kỳ, vậy mà đến Olympic còn không vào nổi chung kết chứ đừng nói đến tranh huy chương. Nói vậy để thấy khoảng cách trình độ lớn đến mức nào.

Do đó, SEA Games đúng là ngày hội thể thao đích thực của khu vực ASEAN. Mà ngày hội khu vực thì không thể thiếu được các môn thể thao đặc trưng. Đấy là lý do Pencak Silat, Võ gậy (Arnis), Bi sắt (Petanque)... được đưa vào chương trình thi đấu.

Một quan chức thể thao Đông Nam Á từng phát biểu với hãng AFP, nếu không có SEA Games, những môn thể thao mang tính cổ truyền của khu vực sẽ khó có cơ hội được thế giới biết đến, nên phải tận dụng cơ hội này. Đấy cũng có thể coi như một “đặc trưng riêng” của SEA Games.

Hơn nữa, SEA Games cũng cần được xem như đợt tập dượt cho các đại hội lớn hơn như Asian Games hay Olympic. Năm ngoái, Cheong Jun Hoong, được mệnh danh “nữ hoàng nhảy cầu” Malaysia, đã giành huy chương bạc Olympic Rio 2016 ở nội dung 10m ván mềm rồi tiếp đó gây sốc khi giành huy chương vàng tại giải vô địch thế giới tổ chức tại Hungary tháng 7 vừa qua. Từ ao làng, họ đã thực sự vươn ra biển lớn.

Hoài Sa


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới