Hủy

Golf và tennis tại Olympic: Được nhiều hơn mất

Hoài Sa Thứ Hai | 29/08/2016 12:30

Tương lai của 2 môn thể thao quý tộc này ở Olympic vẫn được đảm bảo tại ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh.
 

Tưởng như việc hàng loạt ngôi sao nổi tiếng từ chối đến Brazil vì nỗi sợ virus Zika sẽ khiến các cuộc thi tài golf và tennis ở Olympic Rio 2016 mất giá. Tuy nhiên, những gì diễn ra cho thấy tương lai của 2 môn thể thao quý tộc này ở Olympic vẫn được đảm bảo tại ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh.

Nhiều người đã bất ngờ khi chứng kiến cảnh Novak Djokovic khóc nức nở khi bị loại sớm khỏi môn tennis tại Olympic sau trận thua Juan Martin Del Potro ngay tại vòng 1. Sau khi đã hoàn tất bộ sưu tập Grand Slam với chức vô địch Roland Garros hồi tháng 6 vừa rồi thì dường như Nole không còn mục tiêu nào để phấn đấu nữa. Nhưng hóa ra, bộ sưu tập đó vẫn chưa hoàn chỉnh, bởi Djokovic vẫn còn khao khát cả chiếc huy chương vàng Olympic.

Trong hơn 2 tuần diễn ra Olympic, cả thế giới thực sự đã quay cuồng với nhịp thở thể thao, nơi mà khoảnh khắc thăng hoa của mỗi vận động viên gắn liền với cả niềm tự hào dân tộc. Nếu một khi giành được chiếc huy chương vàng thì quốc thiều sẽ được cử lên trang trọng, khơi dậy niềm tự tôn cho hàng triệu đồng bào.

Đấy chính là lý do mà Djokovic đã khóc khi phải dừng bước sớm ở đấu trường mà anh được coi là ứng cử viên số 1 đem về chiếc huy chương vàng cho đoàn Serbia. Nole đã mô tả đó là thời khắc khó khăn nhất trong sự nghiệp của anh và tay vợt Serbia có cảm giác anh vẫn nợ Tổ quốc một chiếc huy chương vàng, bởi trước đó anh cũng chỉ giành được huy chương đồng tại Olympic Bắc Kinh 2008.

Dĩ nhiên, thất bại ở Rio không khiến Djokovic mất đi tư cách hạt giống số 1 ở US Open sắp tới. Nhưng thất bại của anh, cũng như chiến thắng của Del Potro nhắc nhở mọi người rằng đừng bao giờ coi thường đấu trường Olympic. Bởi nhờ chiếc huy chương bạc Olympic mà Del Potro đã được suất đặc cách dự US Open, giải đấu mà tay vợt hiện xếp thứ 141 này từng lên ngôi vào năm 2009.

So với tennis, mức độ tẩy chay Olympic trong môn golf còn lớn hơn nhiều, khi có tới 7 trong tổng số 10 tay golf nam hàng đầu từ chối đến Brazil. Tuy nhiên, không ai nói đó là một cuộc tranh tài thiếu chất lượng.

Cụ thể, tại giải nam, chiếc huy chương vàng và huy chương bạc thuộc về các tay golf nằm trong tốp 12, huy chương đồng thuộc về golf thủ trong tốp 20. Thành tích của Justin Rose (huy chương vàng giải nam) và Inbee Park (huy chương bạc giải nữ) đều là 16 gậy dưới chuẩn, con số kiểm chứng cho chất lượng của giải đấu. Cuộc cạnh tranh ở giải nữ cũng được coi là hấp dẫn chưa từng thấy khi có tới 5 tay golf cạnh tranh huy chương ở vòng cuối cùng một cách sít sao.

Golf va tennis tai Olympic: Duoc nhieu hon mat
Justin Rose giành huy chương vàng môn golf nội dung dành cho nam. Ảnh: zimbio.com

Giống như ở môn tennis, yếu tố màu cờ sắc áo tại Olympic cũng khiến cuộc đấu của các tay golf đặc biệt hơn rất nhiều các giải chuyên nghiệp. Sáu tay golf đoạt huy chương tại Olympic đại diện cho 6 quốc gia khác nhau, gồm Anh, Thụy Điển, Mỹ ở giải nam và Hàn Quốc, New Zealand, Trung Quốc ở giải nữ.

Yếu tố dân tộc ấy đã làm bùng nổ số lượng khán giả xem truyền hình, bởi cả những người không hiểu biết nhiều về golf, ít khi xem golf cũng chú ý tới giải đấu. Đấy là điều đáng mơ ước đối với bất kỳ nhà tổ chức golf nào, vì nhiều người xem truyền hình đương nhiên cũng dẫn tới số hợp đồng quảng cáo tăng vọt.

Dĩ nhiên, cũng xuất hiện một số điểm trừ như lịch thi đấu bị “xung đột”. Nhiều tay golf mất cơ hội dự các giải đấu kiếm tiền vì bận tham dự Olympic. Nhưng theo nhận xét của giới chuyên môn, một khi golf tiếp tục được đưa vào chương trình thi đấu của Olympic Tokyo 2020 (sẽ quyết định vào năm 2017) thì sẽ không còn cảnh đồng loạt tẩy chay như tại Rio 2016 vừa qua. Bởi một khi Olympic khẳng định được sự danh giá thì chẳng có tay golf nào dại gì chối bỏ niềm vinh hạnh đó.

Hoài Sa


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới