Hủy

Golf Việt: Vẫn chỉ là phong trào?

Hoài Sa Thứ Hai | 19/09/2016 15:01

Dù có khoác chiếc áo nào, các giải golf ở Việt Nam vẫn chủ yếu là dịp làm thương hiệu của các doanh nghiệp tài trợ.
 

Sân golf Việt Nam đang chứng kiến sự bùng nổ các giải đấu lớn nhỏ. Thậm chí, có những giải mà tổng số tiền thưởng khiến “Tây” cũng phải choáng váng, hoặc mời hẳn siêu sao đẳng cấp thế giới đến tham dự cho hoành tráng. Tuần trước, vòng chung kết “Giải vô địch Golf thế giới TPBank 2016” (TPBank WAGC 2016) đã kết thúc sau khi tiến hành vòng loại rầm rộ ở cả 2 đầu Nam Bắc. Giải golf không chuyên lớn nhất Việt Nam này đã chọn được 5 golfer Việt Nam tham dự vòng chung kết thế giới “WACG - World Amateur Golfer Championship 2016” sẽ tổ chức tại Nam Phi vào tháng 10.

Việc tổ chức thành công giải đấu này có thể được coi là một bước tiến đối với phong trào golf ở Việt Nam, bởi nó không chỉ quy tụ các tay golf trong nước mà còn mở rộng cho cả golfer không chuyên đến từ nhiều quốc gia, đồng thời được Hiệp hội Golf Chuyên nghiệp Mỹ (USPGA) bảo trợ.

Bên cạnh việc bám sát thể thức thi đấu của vòng chung kết WACG thế giới, Ban Tổ chức đã mời được tổ trọng tài chuyên nghiệp, gồm 2 trọng tài đẳng cấp quốc tế từ Malaysia tới giám sát. Giám đốc điều hành giải đấu cũng là nhân vật có uy tín: ông Wayne Johnson, hiện là Giám đốc Điều hành tại Học viện Ernie Els Golf Performance EPGA tại Việt Nam. Giải thưởng cũng khá hấp dẫn, với giải lớn nhất dành cho cú Hole in One là thẻ tín dụng 2 tỉ đồng hoặc một chiếc xe hơi trị giá 1 tỉ đồng.

Cũng nên nhắc lại là tại WACG 2015 tổ chức ở Thổ Nhĩ Kỳ, đội tuyển Việt Nam đã bất ngờ giành vị trí thứ 3, xếp sau Malaysia và Singapore. Đấy có thể coi là một cột mốc đáng nhớ cho phong trào golf ở Việt Nam.

Tuy vậy, gạt bỏ những yếu tố hào nhoàng, với tấm thẻ ngân hàng và chiếc xe hơi bạc tỉ, thực sự giải đấu trên, cũng như nhiều giải đấu khác tại Việt Nam mới dừng lại ở mức... phong trào mà thôi. Ngay cả hệ thống thi đấu của WACG, dù được mua bản quyền và đưa vào Việt Nam từ vài năm trước (với một nhà tài trợ khác trước khi chuyển qua TPBank), cũng chưa được đưa vào hệ thống golf nghiệp dư thế giới.

Thế nên, đương nhiên là các tay golf giành thứ hạng cao ở giải này cũng không thể tích điểm để bước xa hơn ở bảng xếp hạng các tay golf nghiệp dư thế giới. Điều đó giải thích tại sao Việt Nam tổ chức nhiều giải mỗi năm, tất cả đều được quảng bá rầm rộ, nhưng thực tế hiện chúng ta chỉ có 3 tay golf xuất hiện trong bảng xếp hạng nghiệp dư thế giới là Bảo Nghi (nữ), Chí Quân và Gia Đạt (nam).

Một chuyên gia về golf Việt Nam (xin giấu tên) nhận định, dù có khoác chiếc áo nào, các giải golf ở Việt Nam vẫn chủ yếu là dịp làm thương hiệu của các doanh nghiệp tài trợ. Những giải đấu có giải thưởng lên tới hàng chục tỉ đồng gần đây ở Đà Nẵng, Quy Nhơn cũng vậy, đều nhằm phục vụ mục đích này.

Dẫu sao, các tay golf không chuyên của Việt Nam cũng có thêm sân chơi để tích lũy kinh nghiệm, nhất là có dịp thi thố ở những giải đấu được điều hành bởi những người có kinh nghiệm, với sự giám sát của các trọng tài đẳng cấp quốc tế. Bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh, đại diện chính thức của WAGC tại Việt Nam, nhận xét: “Nếu nói về chuyên nghiệp, Việt Nam đang ở khoảng cách rất xa so với thế giới. Nhưng ở góc độ nghiệp dư, phong trào golf tại Việt Nam phát triển khá mạnh”.

So với Malaysia hay Thái Lan, phong trào golf ở Việt Nam chưa bằng, nhưng chủ yếu là do chúng ta chưa có đủ sân golf. Còn nếu như có chính sách tốt để hạ chi phí chơi golf, sẽ có nhiều golf thủ chất lượng hơn để lựa chọn. Dĩ nhiên, để lựa chọn các tay golf được xếp hạng amateur và để Việt Nam có tên trên bản đồ golf không chuyên thế giới cũng đã là vinh dự lắm rồi.

Hoài Sa


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới