Hủy

Tại sao Trung Quốc quan tâm Shanghai Masters?

Hoài Sa Thứ Tư | 05/10/2016 12:00

Từ năm 2009, giải đấu ở Thượng Hải đã được đưa vào hệ thống Masters 1000, tức chỉ kém 4 giải Grand Slam và ATP World Tour Finals.
 

Hàng loạt công ty du lịch tại Việt Nam đang mời chào tour Thượng Hải vào đầu tháng tới. Tâm điểm của tour này là xem các trận đấu tại giải tennis Shanghai Masters, với sự góp mặt của các ngôi sao hàng đầu như Novak Djokovic, Andy Murray hay Juan Martin del Potro.

Sau khi mùa giải Grand Slam đã kết thúc với chức vô địch của Stan Wawrinka ở US Open hồi đầu tháng 9, Shanghai Masters chính là một trong những giải đấu lớn nhất trong mùa Thu quần vợt (Autumn season). Từ năm 2009, giải đấu ở Thượng Hải đã được đưa vào hệ thống Masters 1000, tức chỉ kém 4 giải Grand Slam và ATP World Tour Finals, giải đấu cuối cùng trong năm.

Với việc hiện chỉ có 3 tay vợt cầm chắc suất dự ATP World Tour Finals ở London tổ chức vào cuối tháng 11 là Djokovic, Murray và Wawrinka, giải đấu ở Thượng Hải lại càng được chú ý nhiều hơn. Bởi nó được coi là cuộc chiến quyết định cho 5 suất còn lại dự giải đấu chốt sổ làng banh nỉ trong năm 2016. Hơn nữa, các nhà tổ chức cũng làm nóng giải đấu bằng chuỗi các giải ATP 250 ở Thâm Quyến, Thành Đô, tiếp đó là ATP 500 ở Bắc Kinh và Tokyo.

Bảng vàng Shanghai Masters những năm qua càng khiến cho giải đấu trở nên danh giá. Ngoại trừ chức vô địch đầy bất ngờ của tay vợt Nga (đã giải nghệ) Nikolai Davydenko trong năm đầu tiên (2009), từ các giải sau, chiếc đĩa bạc ở Thượng Hải luôn là cuộc chiến của nhóm 4 “ông lớn”. Tay vợt số 1 thế giới Djokovic hiện là đương kim vô địch, đồng thời dẫn đầu về số lần đăng quang ở Thượng Hải với 3 lần đoạt ngôi quán quân. Murray từng 2 lần lên ngôi liên tiếp vào các năm 2010, 2011 còn Roger Federer từng vô địch năm 2014. Bên cạnh bộ sưu tập Grand Slam, ATP 1000 cũng là một khía cạnh để các tay vợt này so bì về số danh hiệu.

Một yếu tố không kém phần quan trọng khác khiến Shanghai Masters được quan tâm sát sao. Giải đấu này có tổng giá trị tiền thưởng lên đến 4,8 triệu USD, là giải đấu có mức tiền thưởng cao nhất trong hệ thống ATP 1000. Riêng số tiền thưởng dành cho người vô địch là 798.540 USD. Trong tổng số 8 giải thuộc hệ thống ATP 1000, Shanghai Masters chính là giải duy nhất tổ chức bên ngoài 2 khu vực châu Âu và Bắc Mỹ. Ông Michael Luevano, Giám đốc của giải đấu, tuyên bố: “Trung Quốc sẽ làm hết mức, đầu tư hết mức, quảng bá hết mức và thu hút những vận động viên xuất sắc nhất hành tinh”.

Tai sao Trung Quoc quan tam Shanghai Masters?
Shanghai Masters có tổng giá trị tiền thưởng lên đến 4,8 triệu USD. Ảnh: shanghairolexmasters.com

Thật ra, việc đầu tư lớn cho Shanghai Masters không phải là chuyện đơn lẻ, mà điều này đã nằm trong chiến lược của Trung Quốc. Việc tổ chức những giải thể thao lớn như trên, không chỉ là chiêu kích cầu du lịch vô cùng hữu hiệu, mà còn được coi là một dạng “quyền lực mềm” trong thể thao, bên cạnh việc phô trương về sức mạnh quân sự, kinh tế cũng như truyền thông của nước này.

Chuyên gia David Peng, Giám đốc khu vực châu Á của tập đoàn đầu tư Standard Life nhận xét trên tờ Telegraph của Anh: “Trung Quốc có lợi thế về dân số và tăng trưởng để triển khai những thương vụ trị giá hàng triệu USD trong lĩnh vực thể thao. Từ việc đầu tư vào lĩnh vực thể thao, các thương hiệu của Trung Quốc vươn tầm quốc tế rất nhanh chóng”.

Nên nhớ, Trung Quốc từng chi 44 tỉ USD để tổ chức Olympic và Paralympic 2008 với những công trình khổng lồ được xem như một biểu tượng là sân vận động Tổ chim. Họ cũng đang đầu tư cực mạnh chuẩn bị cho Olympic mùa Đông 2022. Thế giới vẫn ra sức phản đối Trung Quốc gây căng thẳng ở Biển Đông, bắt nạt các nước nhỏ hay không cải thiện nhân quyền, tự do báo chí, song vẫn không ngăn cản được Trung Quốc giành quyền đăng cai các giải đấu lớn nhỏ.

Hoài Sa


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới