Hủy

Tiền tươi từ sen sấy

Đức Phúc Thứ Sáu | 23/03/2018 19:30

Bí quyết mô hình kinh doanh của anh Ngô Chí Công là những tác phẩm nghệ thuật từ lá sen sấy khô thể hiện trên nhiều chất liệu.
 

Trở về Việt Nam sau thời gian du học từ Pháp, sau những lần khởi nghiệp với một vài ý tưởng mới mẻ, chàng kỹ sư chuyên ngành hóa học Ngô Chí Công đã quyết định gắn bó với cây sen. Bí quyết mô hình kinh doanh của anh là những tác phẩm nghệ thuật từ lá sen sấy khô thể hiện trên nhiều chất liệu.

Người xem sẽ rất ngạc nhiên khi ngắm bức tranh thư pháp câu đối thuần Việt hay bộ tranh tứ bình Thanh Mai Trúc Mã với những điểm nhấn đặc biệt từ đường gân của nhiều tán lá sen kết bên dưới. Việc đưa lá sen vào làm chất liệu trên tranh một phần làm tăng tính độc đáo trên các tác phẩm, mặt khác có thể làm tăng giá trị từ cây sen tại nhiều địa phương.

Tien tuoi tu sen say
 

Thực tế lâu nay, lá sen đã được một số nước sử dụng làm tác phẩm nghệ thuật nhưng hầu hết những sản phẩm nhập khẩu từ Thái Lan. “Trước mắt, chúng tôi có những sản phẩm cung ứng cho thị trường trong nước, đang trong quá trình thương thảo với các đối tác Canada và châu Âu để xuất khẩu”, anh Ngô Chí Công, Giám đốc Công ty Khởi Minh Thành Công, cho biết.

Là thạc sĩ chuyên ngành hóa học tại Pháp, anh có điều kiện tiếp xúc và nghiên cứu được các công nghệ bảo dưỡng thực vật. Bên cạnh các bức tranh từ lá sen, anh Công cũng ứng dụng và nghiên cứu thành công việc ứng dụng cánh hoa sen vào làm tranh. Những bức tranh thể hiện đôi sếu đầu đỏ đang đón hoàng hôn trên cánh đồng sen được làm nên từ hàng trăm cánh hoa sen, tạo nên một sự choáng ngợp cho những người lần đầu ngắm tác phẩm này.

 Những bức tranh sen của Ngô Chí Công được bán với giá từ 300.000 đồng đến hơn 2 triệu đồng. Trước đó, sản phẩm chủ lực của Khởi Minh Thành Công là hoa sen sấy khô đang nhắm đến phân khúc khách hàng cao cấp.  Những sản phẩm này được bán với giá cao hơn và có những đơn hàng xuất sang Pháp và một số quốc gia khác. Giá bán sen sấy khô hiện nay khoảng 100.000-120.000 đồng/hoa, mỗi sản phẩm (bình hoa, lẵng hoa sen ướp tươi) có giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng.

Tien tuoi tu sen say

Hiện nay, Công ty đã có được công thức ướp hoa sen hoàn chỉnh, giúp sản phẩm có độ bền cao mà cánh hoa, nhuỵ hoa vẫn tươi, giữ được độ mềm, mịn và màu sắc giống đến 90% so với hoa thật. Ngoài việc làm ra hoa sen ướp tươi, anh Công còn kết hợp làm bình gốm sử dụng công nghệ sơn nhúng hydrographics, mỗi tháng cho ra thị trường 300-400 sản phẩm với giá 200.000 đồng đến trên 1 triệu đồng mỗi bình. Riêng tranh lá sen, nón lá sen phục vụ cho du lịch địa phương.

Anh Công và đội ngũ đang tìm cách giảm thiểu chi phí sản xuất để hạ giá thành, đồng thời tìm kiếm mở rộng thị trường sang các nước Phật giáo như Myanmar, Campuchia... Cùng với thành công ở hoa sen, anh Công cũng kết hợp nghiên cứu trên một số loại hoa khác như hoa hồng Sa Đéc, cát tường, hoa lan phục vụ thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. “Chúng tôi sắp tới sẽ phát triển thêm các sản phẩm thời trang từ sen và sẽ hợp tác cùng một số đối tác tại Pháp nghiên cứu phần dược liệu của sen”, anh Công cho biết thêm.

Tại Thái Lan, lá sen đã được dùng làm vật liệu cho tranh. Sau khi được xử lý bằng phương pháp đặc trưng, lá sen đã được ứng dụng để ốp vào nhiều vật liệu như kim loại, gỗ, vải da, vải để chế tác những sản phẩm như ví cầm tay, lọ hoa, chân nến, sổ tay, hộp quà, lót chén dĩa, đèn ngủ, hộp đựng giấy.

“Những sản phẩm này khá được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam. Là nhà phân phối độc quyền, chúng tôi đã có được một số đơn đặt hàng cung ứng cho khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng...”, chị Nguyễn Hồng Ly, chuyên viên marketing Công ty GK Decoration (GKD), cho biết.

Sản phẩm sen nhập khẩu từ Thái có chất lượng và kiểu cách trình bày khác hơn so với sản phẩm của Khởi Minh Thành Công và được GKD bán với giá từ vài trăm ngàn đồng đến hơn 10 triệu đồng mỗi sản phẩm. Có thể thấy những sản phẩm từ sen và lá sen vẫn còn tiềm năng để phát triển nếu được đầu tư và nghiên cứu để cho ra những sản phẩm chất lượng và độc đáo hơn.

Trong khi đó, hàng loạt sản phẩm chế biến từ sen như sữa, nước giải khát thanh nhiệt, rượu, trà, củ sen sấy, hạt sen sấy... được nhiều doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và đưa ra thị trường đã góp phần nâng giá trị cho cây sen, mở ra cơ hội mới cho người trồng sen. Đặc biệt, một số sản phẩm chế biến từ sen như hạt sen sấy và củ sen sấy đã được xuất sang nhiều nước.

Việc nghiên cứu thành công thêm những dòng sản phẩm mới từ các cá nhân khởi nghiệp sẽ phần nào tạo thêm đầu ra cho sen. Riêng tại Đồng Tháp, một số sản phẩm từ sen như hạt, tim, củ sen... đã được Công ty Nam Huy khai thác hiệu quả cùng với một số sản phẩm trái cây sấy. Hiện sản phẩm đã được xuất sang một số nước như Hàn Quốc, Malaysia và Thái Lan.

Cây sen là loài cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, các sản phẩm của cây sen như: gương sen, ngó sen, củ sen, hoa sen... đều được thị trường ưa chuộng nên rất dễ tiêu thụ, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống các hộ dân vùng nông thôn.

Trung bình 1ha trồng sen cho thu nhập khoảng trên 280 triệu đồng/năm, lãi gấp nhiều lần so với trồng lúa.  Thực tế cho thấy, mô hình trồng 2 vụ sen, 1 vụ lúa hoặc trồng sen một vài năm rồi chuyển sang trồng lúa để cải tạo đất rất phù hợp với vùng Đồng Tháp Mười. Mô hình này giữ được nước trong mùa khô sẽ giúp nông dân duy trì sản xuất, tăng thu nhập trong những tháng mùa khô. Hay tại huyện Tịnh Biên, An Giang, gần đây toàn huyện có 150ha chuyển qua mô hình trồng luân canh lúa - sen. Tại An Giang, toàn tỉnh có 1.600ha, trong đó luân canh một vụ lúa - một vụ sen là 900ha. Những cánh đồng sen rực rỡ còn là yếu tố giúp An Giang đón hàng triệu khách du lịch, hành hương.

Tại huyện Tháp Mười, diện tích sen trên địa bàn từng lên tới 2.000ha, nhưng mấy năm gần đây chỉ còn chưa tới 400ha do nhiều nông dân ào ạt phá bỏ sen để trồng lúa khi thị trường Đài Loan giảm tiêu thụ hạt sen tươi, giá gương sen giảm mạnh.

Trồng sen cho lợi nhuận cao hơn nhiều so với trồng lúa nhưng thị trường sen bấp bênh, nên không ít nông dân nản lòng chuyển sang trồng lúa. Vì vậy, những sản phẩm nghệ thuật từ sen mở ra một hướng đi bền vững hơn cho nông dân. Vấn đề là cần nhiều hơn nữa những doanh nghiệp trong nước đầu tư nghiên cứu, sản xuất ra nhiều sản phẩm giá trị gia tăng từ sen, giúp người nông dân yên tâm trồng sen trở lại.

Sen vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển nhưng anh Công vẫn lo ngại sen bị mất đi trước nguy cơ thu hẹp diện tích để chuyển đổi cây trồng. “Nông dân đang khai thác chủ yếu ở việc bán thô các sản phẩm từ sen. Cần có những ý tưởng tốt có thể mang lại giá trị kinh tế lớn cho sen”, anh Công chia sẻ.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới