Hủy

Đi tìm không gian cho kinh tế sáng tạo

Đức Tài Thứ Tư | 16/08/2017 10:12

fullcircle.asu.edu

Nền kinh tế sáng tạo đóng vai trò hết sức quan trọng, đóng góp 10% GDP toàn cầu, trong đó 80% được đóng góp từ các thành phố sáng tạo.
 

Ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam bắt đầu dần được định hướng rõ ràng hơn cùng với mục tiêu tạo ra doanh thu hàng trăm triệu USD trong vài năm sắp tới.

Chiến lược quốc gia đầu tiên của Việt Nam về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm qua. Theo đó, sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam nhắm tới những chỉ tiêu như: đến năm 2030, ngành quảng cáo sẽ đạt 3,2 tỉ USD; ngành công nghiệp điện ảnh sẽ mang về doanh thu 250 triệu USD; 125 triệu USD là mục tiêu của ngành mỹ thuật; ngành nghệ thuật biểu diễn là 31 triệu USD...

Với những mục tiêu đề ra, xã hội mới nhận ra được rằng song song với ngành công nghiệp sản xuất chế tạo, nền công nghiệp sáng tạo với những sản phẩm của con người được phát minh được chú trọng. Để phát triển công nghiệp sáng tạo, cần phải tạo ra các trung tâm, tập trung được những người sáng tạo, bao gồm các nhà kinh doanh công nghiệp sáng tạo, nghệ sĩ và người sáng tạo, chuyên gia về công nghệ và nền tảng thị trường.

Đặc biệt là tạo cho lĩnh vực này một vị trí rõ ràng hơn, một định dạng, định tính sắc nét hơn. Cụ thể đó chính là các không gian sáng tạo trên cả nước, với hàng ngàn bạn trẻ tham gia. Những năm gần đây, thuật ngữ “không gian sáng tạo” đang dần được xã hội tiếp cận nhưng ít nhiều lại bị hiểu sai lệch dẫn đến những phản ứng tiêu cực từ cộng đồng.

“Không gian sáng tạo”, thuật ngữ được dịch từ “creative hub”, một khái niệm được Hội đồng Anh định nghĩa là hạ tầng hoặc địa điểm sử dụng một phần hoặc toàn bộ diện tích của nó để cho thuê hoặc phục vụ cho hoạt động kết nối, phát triển kinh doanh trong phạm vi các ngành công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo. Các hoạt động ở đây đa dạng, có thể là nơi cung ứng dịch vụ hoặc hỗ trợ cho các ý tưởng sáng tạo; là nơi gặp gỡ kết nối những hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo như nghệ sĩ, các nhà sản xuất, kinh doanh và đầu tư...

Các không gian sáng tạo thế giới ra sao? Theo các chuyên gia kinh tế, thế giới không thực sự phẳng như nhiều người vẫn nghĩ, các giá trị của cải vật chất xã hội đều tập trung ở các khu vực, thành phố sáng tạo hàng đầu thế giới: New York, London, Chicago, Paris, Thung lũng Silicon, Tokyo, Thượng Hải, Singapore, Bangkok... Nền kinh tế sáng tạo đóng vai trò hết sức quan trọng, đóng góp 10% GDP toàn cầu, trong đó 80% được đóng góp từ các thành phố sáng tạo.

Một thí dụ điển hình là không gian sáng tạo 1871 đóng tại tòa nhà Merchandise Mart ở Chicago, (Mỹ), nơi thu hút hàng trăm doanh nghiệp siêu nhỏ và các cá nhân sáng tạo đến làm việc, chia sẻ ý tưởng mỗi ngày. Mô hình này hoạt động như một vườn ươm, được sự hỗ trợ, hợp tác của nhiều công ty hàng đầu như Google, JP Morgan, Motorola và hàng loạt quỹ đầu tư lớn như Apex Venture Partners, the Edgewater Funds, Chicago Ventures... Các công ty sáng tạo và công nghệ đều khao khát chiếm một vị trí đối tác trong 1871, với kỳ vọng được tiếp cận và sử dụng tầng lớp sáng tạo hoạt động tại đây.

Di tim khong gian cho kinh te sang tao

Tại Việt Nam, theo thống kê, hiện có khoảng 40 không gian sáng tạo trên khắp cả nước, được bài trí, thiết kế ấn tượng. Điển hình là mô hình Hanoi Creative City, Creative Lap by Up (Hà Nội) và Không gian đổi mới dành cho nhà sáng chế (Maker Innovation Space) tại Khu Công nghệ cao hay Nhà ga 3A (TP.HCM). Nhu cầu về một không gian mở với những phương tiện, thiết bị phù hợp, đầy đủ để phục vụ mục đích nghiên cứu là nhu cầu của giới trẻ khởi nghiệp. Qua đó, họ có thể biến những ý tưởng trên giấy thành hiện thực. Chẳng hạn, tại Maker Innovation Space có khu vực thí nghiệm để các nhà sáng chế thiết kế, sáng tạo, đổi mới và phát triển các năng lực cần thiết đáp ứng ngay yêu cầu của công việc. Các giảng viên, sinh viên và cộng đồng khởi nghiệp có thể tham gia một loạt hoạt động như chia sẻ ý tưởng, thiết kế, xây dựng và phát triển sản phẩm mới. Địa điểm này cũng thuận lợi để tổ chức cuộc thi do các doanh nghiệp khởi xướng...

Theo ông Đỗ Hoài Nam, đồng sáng lập Creative Lap by Up, không gian chung có thể thúc đẩy cộng đồng sáng tạo Việt Nam tạo ra những sản phẩm có giá trị.  “Các doanh nghiệp, các bạn trẻ có thể sử dụng cơ sở vật chất là trang thiết bị, máy móc hiện đại để phát triển sản phẩm....”, ông Nam cho biết.

“Cộng đồng khởi nghiệp đang manh nha lớn dần lên nên cần một ai đấy kết nối, ủng hộ, xây dựng thành một hệ sinh thái”, ông Đoàn Kỳ Thanh, nhà sáng lập Hanoi Creative, đồng sáng lập Creative Lap by Up, cho biết. Điều đó đồng nghĩa với việc trước đây, nếu chỉ có một mình sản phẩm làm ra có thể kết nối công nghệ tốt nhưng thiết kế xấu hoặc ngược lại, một sản phẩm có thiết kế tốt nhưng công nghệ kém, khi đó khu lab sẽ có nhiệm vụ cân bằng mọi thứ để tạo ra sản phẩm hoàn hảo nhất.

Cơ sở để hai đồng sáng lập của khu lab này tin tưởng vào giá trị tạo dựng ra được khi khu lab đi vào hoạt động chính là những máy móc hiện đại như máy in 3D, máy cắt laser, CNC, máy scan 3D, các máy kỹ thuật đo đạc điện tử, hệ thống phòng lab cho gỗ như máy cắt, tiện, bào..., cùng với đó là khoảng 5.000 đầu sách về nghệ thuật thiết kế, kỹ thuật, kinh doanh...

“Rất khó để tính toán chính xác khoản tiền đã đầu tư vì chúng tôi có những đối tác hỗ trợ và luôn đổi máy mới. Có lẽ con số ước chừng phải lên đến vài triệu USD”, ông Nam cho biết.

Máy móc tại khu vực này sẽ luôn được chuyển đổi liên tục để các bạn trẻ có những dụng cụ, máy móc tốt nhất, ví như máy để đo tần số, có giá hàng trăm ngàn USD cũng sẽ được đặt ở đây để họ có thể thử nghiệm những con chip do mình tạo ra. Còn theo ông Thanh, phải chuẩn bị mất hơn 1 năm khu lab này mới chính thức đi vào hoạt động.

“Nếu xác định là kinh doanh thì không ai làm. Gần như mấy anh em chấp nhận bù lỗ để có khởi điểm, khai phá một miền đất mới; chấp nhận rủi ro đầu tiên...”, ông Thanh chia sẻ.

Tin vui là theo Báo cáo về Xếp hạng Chỉ số Sáng tạo Toàn cầu GII-2017, Việt Nam đứng thứ 47 trong tổng số 127 quốc gia/nền kinh tế về năng lực sáng tạo, vượt 12 bậc so với năm 2016. Theo nghiên cứu mới đây được công bố bởi Hội đồng Anh, về chính sách và các không gian sáng tạo tại Việt Nam, ước tính sơ bộ cộng đồng không gian sáng tạo có khoảng 100.000 người trực tiếp và thường xuyên làm việc và con số này vẫn tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, mặc dù đã được nhìn nhận vai trò, nền công nghiệp mang tính văn hóa này vẫn còn phải cần thêm nhiều yếu tố khác để các khái niệm và những ngành nghề cụ thể phát triển trong nó mới được xã hội nhìn nhận rõ ràng hơn.

Đức Tài


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới