Hủy

Tranh Việt lên sàn Việt: Khai phá thị trường triệu đô

Dũng Nguyễn Thứ Tư | 16/08/2017 13:00

sao360.vn

Việc hình thành và phát triển ngành đấu giá tác phẩm nghệ thuật tại Việt Nam là nhu cầu thiết yếu, cũng là quy luật phát triển tất yếu của thị trường.
 

Sự hình thành của các nhà đấu giá tại Việt Nam là tín hiệu lạc quan cho thị trường tranh và các tác phẩm nghệ thuật.

Manh nha các sàn đấu giá

Tạp chí Asian Art New từng nhận định: “Việt Nam là một quốc gia có trường mỹ thuật đầu tiên ở châu Á. Cho đến nay, đời sống mỹ thuật ở 2 thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội vẫn tiếp tục phát triển nhộn nhịp hơn cả trong khu vực. Nhưng thiếu các chế định cụ thể chặt chẽ để có một thị trường tranh phong phú hơn và đáng tin cậy. Ở Singapore với số lượng họa sĩ ít hơn và hoạt động không sôi nổi bằng nhưng đã trở thành trung tâm của khu vực và có Bảo tàng Mỹ thuật Quốc tế”.

Nhận định này phản ánh một thực tế, thị trường mỹ thuật Việt Nam dù có danh tiếng trong lịch sử nhưng hiện đang vận hành kém chuyên nghiệp và thiếu uy tín đối với các nhà sưu tập quốc tế. Thực tế, nạn tranh giả, tranh nhái, tranh sao chép khiến thị trường nghệ thuật Việt Nam sụt giảm uy tín và mất niềm tin nghiêm trọng. Đây là bước thụt lùi so với danh tiếng của hội họa Việt Nam đã được các họa sĩ đi trước tạo dựng lên.

Rõ ràng, thị trường nghệ thuật Việt Nam cần có những tổ chức, hoạt động chuyên nghiệp có kế hoạch, chiến lược bài bản nhằm giới thiệu, quảng bá dài hơi về tác phẩm, nghệ sĩ tới công chúng trong nước, trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, cần có những đơn vị có chuyên môn thẩm định, bảo hộ, giao dịch cho các tác phẩm nghệ thuật. Gần đây, nhiều cuộc đấu giá tranh trong nước đã diễn ra thường xuyên hơn, mở ra một kênh mua, bán tác phẩm nghệ thuật minh bạch và công khai. Qua đó, giúp những người yêu nghệ thuật, những nhà sưu tập có thêm cơ hội tìm đến những tác phẩm nghệ thuật có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và được pháp luật bảo hộ. Điều này sẽ góp phần tạo giá trị cho tranh Việt Nam cả trong và ngoài nước.

Nổi lên trong các nhà đấu giá là Chọn, Lạc Việt và Lythi. Trong đó, mới đây, nhà đấu giá Chọn còn thống nhất thành lập Tổ chức bảo lãnh thanh khoản tác phẩm nghệ thuật với nguồn vốn cá nhân bảo trợ ban đầu là 2 triệu USD (tương đương 44 tỉ đồng). Sự xuất hiện của 3 đơn vị đấu giá này cho thấy tiềm năng của kênh đầu tư mới tại Việt Nam.

Cuối tháng 7, phiên đấu giá số 5 tại Nhà đấu giá Chọn đã diễn ra với nhiều bất ngờ. Bức tranh Tình Yêu Đầu Tiên sáng tác năm 1973 của danh họa Trần Văn Cẩn có giá khởi điểm 6.000USD đã được trả giá cao kỷ lục: 41.000USD (gần 1 tỉ đồng). Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay tại Nhà đấu giá Chọn. Tác phẩm có giá cao thứ 2 là Con Giáp của Nguyễn Tư Nghiêm với giá 16.000USD. Tác phẩm có giá cao thứ 3 chính là bức Phố Cũ, dù bị nghi là tranh giả, cũng có người trả giá giá 12.500USD. Đáng chú ý là danh sách người mua có những nhà sưu tập cá nhân Việt Nam và sẵn sàng trả giá bạc tỉ cho những tác phẩm trong nước.

Tranh Viet len san Viet: Khai pha thi truong trieu do

Có thể thấy, hình thức đấu giá các tác phẩm nghệ thuật đã trở nên phổ biến trên thế giới, trong đó phải kể đến nhà đấu giá nghệ thuật lớn nhất thế giới Christie (trên 250 năm lịch sử), Sotheby’s (trên 270 năm lịch sử). Cho tới nay, doanh số hằng năm của các nhà đấu giá lớn trên thế giới lên tới hàng chục tỉ USD. Theo The Economist, 10 năm qua, giá các tác phẩm nghệ thuật đại chúng đã tăng gấp 9 lần chỉ số S&P 500. Tùy loại hình nghệ thuật mà có mức lợi nhuận khác nhau, nhưng có thể lên đến 40%.

Đây cũng đang trở thành một thị trường rất hấp dẫn đối với các nhà môi giới nghệ thuật tại Việt Nam. Chẳng hạn, theo ông Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Đấu giá Chọn Auction House, nhà đấu giá sẽ được nhận khoảng 30% giá tiền chung cuộc của tác phẩm (20% từ người bán và 10% từ người mua).

Kỳ vọng từ những con số kỷ lục

Các nhà sưu tập quốc tế đều nhìn nhận một số nghệ sĩ tại Đông Dương trong đó đặc biệt là Việt Nam lại là những tài sản chưa được khai phá với nhiều tên tuổi lớn tạo nên không ít kỷ lục cho hội họa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Mới đây, tại cuộc bán đấu giá tranh do Christie’s International tổ chức ở Hồng Kông ngày 25.5, bức Người Bán Gạo của danh họa Nguyễn Phan Chánh được bán với giá 3,03 triệu đô la Hồng Kông (hơn 8 tỉ đồng). Trước đó, cuối năm 2014, tại nhà đấu giá Sotheby’s, bức Nhìn Từ Đỉnh Đồi của ông đã được bán với giá 840.000USD. Đây đều là những kỷ lục của một tác giả Việt Nam được bán trên thị trường quốc tế từ trước đến nay.

Hội họa Việt Nam đương đại cũng không ít tài năng được biết đến trên thế giới. Cách đây 20 năm, người ta thường nhắc đến các họa sĩ Việt Nam sống tại Paris thời đó gồm Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ và Lê Thị Lựu. Thế hệ các họa sĩ trẻ hơn sau này cũng ghi dấu ấn về giá trị tranh của Việt Nam. Chẳng hạn, năm 2009, bức tranh Metabolism của họa sĩ Lê Kinh Tài được bán với giá 4,9 tỉ đồng đã thực sự gây chấn động thị trường tranh mỹ thuật trong nước. Nhưng như chính họa sĩ Lê Kinh Tài nhận định, những cuộc triển lãm tranh cá nhân chỉ là nơi họa sĩ trình diễn sản phẩm của mình nhưng đó không phải là con đường bước vào thị trường tranh thế giới. Nhiều năm qua, tranh Việt Nam vẫn nhạt nhòa trên thị trường quốc tế.

Vì vậy, việc hình thành và phát triển ngành đấu giá tác phẩm nghệ thuật tại Việt Nam là nhu cầu thiết yếu, cũng là quy luật phát triển tất yếu của thị trường, đánh dấu sự trưởng thành của kinh doanh nghệ thuật. Tuy nhiên, không lâu sau sự xuất hiện của các đơn vị này, có nhiều sự cố xảy ra đối với các nhà đấu giá Việt Nam. Chẳng hạn, ngay trong phiên đấu giá của Chọn, bức tranh Phố Cũ gây ra nhiều tranh cãi do nghi là tranh giả. Vụ 17 bức tranh giả của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung đưa ra triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM vẫn còn khiến người chơi tranh Việt Nam xôn xao...

Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực từ ngày 1.7.2017 nhưng chưa quy nhiều trách nhiệm cho các đơn vị đấu giá, khi không buộc họ chịu trách nhiệm về giá trị và chất lượng của tài sản đấu giá.Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm, sắp tới ngành mỹ thuật sẽ nghiên cứu xây dựng các thông tư đi kèm cho hoạt động đấu giá, sao cho sát với thực tế, cụ thể và chuẩn xác. Đại diện của Lythi’s Auction cho biết, ở Việt Nam chưa có nhiều nhà đấu giá, chưa có hành lang pháp lý rõ ràng. Sàn đấu giá chỉ mới khởi động những bước đi đầu tiên trong thị trường tranh mỹ thuật tại Việt Nam, hy vọng có thể tạo nên mặt bằng giá cao hơn cho tranh nghệ thuật.

Dũng Nguyễn


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới